Giải quyết vi phạm hợp đồng bằng thương lượng, hòa giải – Biện pháp tiên quyết
Những trường hợp như vậy luôn xảy ra tình trạng hoặc là vi phạm chính hợp đồng đã ký kết hoặc là vi phạm các quy định pháp luật về hợp đồng dẫn đến hợp đồng vô hiệu. Điều này làm cho các bên mâu thuẫn kéo dài, thiệt hại về thời gian, công sức, tinh thần, đặc biệt ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của cả các bên tham gia thực hiện hợp đồng.
Vi phạm của các chủ thể đối với hợp đồng đã giao kết
Đây là một dạng vi phạm hợp được thể hiện qua việc:
Chủ thể hợp đồng không chịu thực hiện hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không giải thích rõ lý do cho bên kia (hợp đồng chưa được bên nào thực hiện).
Trường hợp này thường xảy ra do sau khi ký kết hợp đồng thì phát hiện mình bị hớ hoặc rơi vào điều kiện không có khả năng thực hiện hoặc biết rõ là nếu thực hiện thì sẽ bị bất lợi...
Hoặc chủ thể hợp đồng không chịu thực hiện nghĩa vụ hợp đồng mặc dù đã hưởng các quyền lợi từ hợp đồng. Chẳng hạn như vay tiền sau khi nhận được tiền vay thì sau đó không thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
Trường hợp này xảy ra có nhiều nguyên do như bên thực hiện nghĩa vụ mất khả năng thanh toán (bị thua lỗ, phá sản), cố ý gian lận kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ để có lợi cho mình hoặc do gian dối với bên đối tác đẩy phía bên kia vào thế bất lợi, nhiều trường hợp ký kết hợp đồng là để giải quyết một khó khăn trước mắt nào đó chứ thực sự không có khả năng thực hiện nghĩa vụ (như vay của người này để trả cho người khác...).
Trường hợp không thực hiện đúng, đầy đủ các thỏa thuận ghi trong hợp đồng (mặc dù có thực hiện hợp đồng).
Trường hợp này thường xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng do lỗi của một hoặc cả hai bên tìm cách thực hiện theo hướng có lợi cho mình hoặc do hiểu sai nội dung của hợp đồng, nhưng cũng có thể do một bên gặp khó khăn thực hiện không đúng các yêu cầu về số lượng, thời gian giao hàng... ngoài ra, nhiều trường hợp do lợi dụng một bên thiếu kinh nghiệm bên kia tìm cách để thực hiện không đúng nội dung hợp đồng (như viện cớ hợp đồng ghi không rõ, đổ lỗi khách quan...) đã ký kết.
Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH An Toàn cho Công ty Cổ phần Thương mại & Kỹ thuật Song Việt (Công ty Song Việt) thuê 2 cẩu tháp và 1 vận thăng lồng đôi để thi công 2 công trình Toà HH01 và HH04 thuộc Dự án FLC Garden City (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Trong khi bên Công ty An Toàn đã bàn giao thiết bị cẩu tháp, vận thăng theo đúng nội dung được ký kết trong hợp đồng nhưng đến nay Công ty Song Việt vẫn không chịu thanh toán tiền thuê thiết bị.
Được biết, ngày 7/7/2020, hai công ty trên cùng nhau ký Hợp đồng số 07/07/2020/HĐTB/AT-SV. Theo Hợp đồng, Công ty TNHH An Toàn cho Công ty Song Việt thuê: 1 cẩu tháp (Zoomlion QTZ80 - TC5610-6), 1 cẩu tháp Zoomlion -TC5013B-6) và 1 vận thăng lồng đôi (SC200/200TD) để thi công 2 công trình: Toà HH01 và HH04 thuộc Dự án FLC Garden City. Thời gian thuê tối thiểu 6 tháng.
Năm 2017, một tòa nhà của dự án FLC Garden City đang xây dở đến tầng thứ 18 thì bị đình chỉ thi công (tòa nhà dưới cùng bên tay phải) (Ảnh minh họa: HQ - VNbiz) |
Trong hợp đồng, hai bên đã thống nhất các nội dung: Đơn giá và giá trị hợp đồng (Điều 3); Phương thức thanh toán (Điều 4); Quyền và trách nhiệm của các bên (Điều 5); Các trường hợp cẩu ngừng hoạt động (Điều 6); Điều khoản chung (Điều 7).
Ngay sau khi Hợp đồng có hiệu lực, Công ty An Toàn đã thực hiện nghiêm túc đúng như các điều khoản đã ký kết. Thế nhưng, sau khi cho Công ty Song Việt thuê 3 thiết bị, đơn vị này không sử dụng mà chuyển cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn Aico sử dụng để thi công công trình trên.
Điều đáng nói, trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Song Việt đã nhiều lần vi phạm Phương thức thanh toán (Điều 4) của hợp đồng. Cụ thể, từ khi ký hợp đồng Công ty Song Việt chưa thanh toán tiền đặt cọc theo quy định của hợp đồng, nợ tiền thuê thiết bị quá hạn không thanh toán. Công ty Song Việt đã nhiều lần có công văn gửi Công ty An Toàn hứa sẽ thanh toán công nợ, tuy nhiên vẫn không thanh toán.
Căn cứ theo quy định tại Mục 4.2- Điều 4 của hợp đồng, Công ty An Toàn đã thực hiện dừng thiết bị khi bên thuê chậm thanh toán.
Theo Giám đốc Công ty An Toàn, sau 6 tháng hợp đồng có hiệu lực, công trường đã tự ý cho người tháo cẩu của Công ty An Toàn tại tòa HH4 khi chưa nhận đượcc thông báo hay công văn nào của Công ty Song Việt yêu cầu trả thiết bị cẩu 5013. Điều này được Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn Aico thực hiện.
Theo nội dung hợp đồng đã ký, Công ty An Toàn đã gửi nhiều công văn gửi Công ty Song Việt nhưng nhận được sự “im lặng”.
Liên quan đến vấn đề này, Công an phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) đã lập biên bản vào ngày 6/12/2020 yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn Aico tạm dừng tháo dỡ cẩu tháp. Tuy nhiên, Chỉ huy trưởng công trường không chấp hành, vẫn tháo dỡ cẩu tháp.
Công ty An Toàn trên tinh thần cố gắng hợp tác (vẫn đang cho thuê 2 thiết bị tại tòa HH1) và nhượng bộ, bằng chi phí của mình chủ động mang thiết bị cẩu bị tháo dỡ về. Thiết bị khi mang về bị mất rất nhiều chi tiết giá trị cao.
Trước việc vi phạm nội dung hợp đồng đã ký kết, Công ty TNHH An Toàn đã gửi thông báo đến Công ty Song Việt và Chỉ huy công trường bằng hình thức email 2 lần về việc nếu không thanh toán tiền như hợp đồng đã ký thì bên cho thuê phải dừng thiết bị - thiết bị vận thăng lồng đôi (SC200/200TD). Tuy nhiên, sau hai lần gửi thông báo, công ty thuê thiết bị vẫn không thanh toán theo công nợ.
Khi phát sinh một vụ việc vi phạm hợp đồng thì vấn đề mâu thuẫn và tranh chấp là không thể tránh khỏi, vấn đề là ở chỗ xử lý như thế nào có lợi nhất cho các bên hoặc cho bản thân mình bằng các biện pháp thích hợp, phù hợp với pháp luật.
4 biện pháp xử lý hiệu quả vi phạm hợp đồng
Theo luật sư Phạm Tuấn Anh, đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, để có thể xử lý có hiệu quả các vi phạm hợp đồng khi xảy ra, tùy theo tính chất sự việc có thể tiến hành một hoặc các biện pháp sau:
Thương lượng – hòa giải
Việc thương lượng – hòa giải nhìn chung luôn được khuyến khích khi xảy ra bất cứ một vụ tranh chấp hợp đồng nào nhằm giải quyết một cách nhẹ nhàng nhất vụ việc. Việc thương lượng hòa giải có thể do các bên chủ động gặp gỡ nhau để giải quyết nhưng nhiều trường hợp phải do Tòa án hoặc cơ quan Trọng tài thương mại hòa giải.
Nhìn chung việc thương lượng – hòa giải nếu đạt được kết quả thì sẽ có nhiều lợi ích cho các bên như không phải nộp án phí, rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng ... và làm hài lòng các bên tranh chấp.
Đơn phương hủy bỏ hoặc đình chỉ thực hiện hợp đồng
Đây là biện pháp bất đắc dĩ sau khi đã thương lượng hòa giải không được nhưng nhằm hạn chế hoặc không để gây ra hậu quả xấu hơn nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng trong khi phía bên kia không chấm dứt việc vi phạm hợp đồng hoặc thiếu thiện chí để giải quyết hậu quả của việc vi phạm hợp đồng.
Yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại giải quyết
Nói chung nếu việc tranh chấp xuất phát từ hợp đồng (dân sự, kinh doanh - thương mại, lao động) mà các bên không tự giải quyết được thì nên yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại (chỉ áp dụng trong trường hợp tranh chấp hợp đồng kinh doanh – thương mại giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho mình trong thời hạn luật định.
Đây là biện pháp cứng rắn được áp dụng nếu bên đối tác có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản khi ký kết hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng bằng hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm.
Yêu cầu cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xem xét khởi tố vụ án hình sự
Việc lừa đảo được thể hiện qua thủ đoạn gian dối với ý định có trước khi ký kết, thực hiện hợp đồng. Thông qua việc ký kết hợp đồng có tính gian dối một bên đã thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của đối tác.
Đối với việc lạm dụng tín nhiệm thì các thủ đoạn và ý định chiếm đoạt xảy ra sau khi ký kết hợp đồng hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Nếu có đủ cơ sở xác định có tội phạm xảy ra thì các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát sẽ khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử tại Tòa án và buộc người chiếm đoạt tài sản phải chịu hình phạt và phải trả lại hoặc bồi thường những tài sản bị chiếm đoạt, những thiệt hại cho người bị hại.