Hà Nội đề xuất 7 kiến nghị tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2020

Sáng 26/11, UBND TP Hà Nội, Bộ Công thương, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2020.
Hà Nội yêu cầu báo chí phản ánh rõ những nơi làm chưa tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 Xây dựng Hà Nội tiếp tục là điểm đến an toàn Hà Nội: Tiếp tục kiểm tra, hạn chế các nguyên nhân gây mùi tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn

Sáng 26/11, UBND TP Hà Nội, Bộ Công thương, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn logistics Việt Nam năm 2020 “Cắt giảm chi phí logictics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.

Dự Chương trình có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương; Bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc phụ trách hoạt động dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cùng với hơn 400 doanh nghiệp dịch vụ logistics, kinh doanh vận tải...

Các đại biểu dự lễ khai mạc Diễn đàn
Các đại biểu dự lễ khai mạc diễn đàn

Phát biểu tại khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; Đồng thời, trong bối cảnh Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại, ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin, trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 439 tỷ USD, tăng 2,62%; Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 229,7 tỷ USD, tăng 4,7%. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hàng loạt quốc gia trên thế giới đều tăng trưởng âm kim ngạch xuất nhập khẩu thì kết quả trên cho thấy sức sống, sức bền của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới cũng sẽ gia tăng áp lực đối với các ngành sản xuất và dịch vụ trong nước nói chung, ngành logistics nói riêng, đòi hỏi phải có sự quyết liệt hơn trong xây dựng và thực thi chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc

Chính vì thế, thông qua việc tổ chức diễn đàn logistics Việt Nam năm 2020, Ban Tổ chức mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia trong và ngoài nước đối thoại với các bộ, ngành để cắt giảm chi phí logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ bày tỏ vinh dự khi lần thứ 2 Hà Nội được chọn là địa phương tổ chức diễn đàn logistics. Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương và giữa Bộ Công thương với UBND thành phố Hà Nội.

Thông tin đến diễn đàn, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, trong năm 2020, chỉ số phát triển công nghiệp của thành phố ước tăng 4,7%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tăng trên 10%; GRDP ước tăng trên 4% và thu ngân sách dự kiến đạt trên 280 nghìn tỷ đồng. Đây là những mức tăng cao hơn so với bình quân cả nước, nhất là trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Bí thư Thành ủy đánh giá, qua 8 năm tổ chức, diễn đàn logistics Việt Nam đã trở thành sự kiện uy tín, tập hợp đông đảo các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng như các đơn vị liên quan.

"Việc lựa chọn chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” năm nay cũng rất thiết thực, thời sự. Bên cạnh phiên toàn thể, việc tổ chức 2 hội thảo chuyên đề về “Hạ tầng logistics - xu hướng và cơ hội” và “Chuyển đổi số trong logistics” cũng phù hợp với định hướng phát triển ngành dịch vụ logistics của Việt Nam và Hà Nội", đồng chí Vương Đình Huệ nêu rõ.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu chào mừng
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu chào mừng

Cũng theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, ngành logistics Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á, với mô 40 - 42 tỷ USD. Tuy nhiên, chi phí logistics hiện nay còn cao.

Đối với Hà Nội, hiện nay, các doanh nghiệp logistics mới đáp ứng 25% nhu cầu của thành phố. Với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Hà Nội là trung tâm lớn về giao thương của cả nước và khu vực, Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp nhằm quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, trong đó có hạ tầng logistics.

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu 7 đề xuất tại diễn đàn, trong đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý hành chính công, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục xuyên biên giới; Tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để cắt giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp; Đánh giá khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của các doanh nghiệp logistics và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này; Tăng cường thúc đẩy và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho ứng dụng công nghệ, có các chương trình, kế hoạch cụ thể để chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics. Xây dựng mạng lưới doanh nghiệp logistics gắn với thương mại điện tử; Phát triển các giải pháp công nghệ mới nhằm sử dụng nhiên liệu sạch, giảm ô nhiễm môi trường.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng kiến nghị Chính phủ cho phép hình thức kinh doanh đại lý hải quan để chuyên nghiệp hóa dịch vụ thông quan, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Hà Nội sẵn sàng phối hợp với Bộ Công thương để đăng ký thử nghiệm mô hình này trên địa bàn thành phố.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động