Hà Nội dẫn đầu cả nước về thiết lập hệ thống quan trắc chất lượng môi trường

Nhằm cải thiện chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu đưa vào ứng dụng nhiều phần mềm mô hình dự báo ô nhiễm...
Tham vấn cộng đồng khi lập dự án: Đừng làm hình thức, khổ dân! Ngày hội “Cộng đồng chung tay bảo vệ trái đất xanh”

Vận hành ổn định 35 trạm quan trắc không khí tự động

Từ tháng 12/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội đã đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động (2 trạm cố định, 8 trạm cảm biến) do Tập đoàn Vingroup tài trợ; 6 trạm quan trắc nước mặt do Công ty Phú Điền tài trợ.

Tháng 7/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tiếp nhận dữ liệu quan trắc từ trạm quan trắc cố định đặt tại Đại sứ quán Pháp. Tháng 5/2020 tiếp nhận 24 trạm quan trắc không khí cảm biến do Công ty TNHH Phát triển THT tài trợ.

Đến tháng 10/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã quản lý vận hành ổn định, liên tục hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai dự án đầu tư 15 trạm quan trắc môi trường không khí cố định, tích hợp 3 thiết bị quan trắc phóng xạ; 5 trạm quan trắc môi trường nước, tích hợp 1 thiết bị quan trắc phóng xạ trên trạm quan trắc nước mặt tự động cố định và 6 trạm quan trắc nước dưới đất; hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn Thành phố trong năm 2021.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về thiết lập hệ thống quan trắc chất lượng môi trường
Trạm quan trắc môi trường tự động tại 556 đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội)

Năm 2018, sự kiện Thành phố Hà Nội tiếp nhận và vận hành hệ thống quan trắc tự động được Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Tài nguyên Môi trường tại Quyết định số 3948/QĐ-BTNMT ngày 28/12/2018.

Hiện nay, Thành phố Hà Nội đang là đơn vị đi đầu trong cả nước về thiết lập hệ thống quan trắc chất lượng môi trường đồng hộ, hiện đại, công bố công khai dữ liệu quan trắc môi trường phục vụ nhu cầu theo dõi của người dân và du khách quốc tế trên website https://moitruongthudo.vn.

Nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường

Để tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại, các hành vi gây ô nhiễm không khí và các biện pháp phòng ngừa, ứng phó cũng như cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường liên tục tổng hợp, gửi thông tin chất lượng không khí hàng ngày tới các cơ quan báo chí, truyền hình để đưa các bản tin môi trường không khí trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kịp thời khuyến cáo tới người dân các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa trong điều kiện chỉ số chất lượng không khí AQI có ảnh hướng tới sức khỏe.

Tính đến tháng 10/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã gửi bản tin chất lượng không khí hàng ngày tới 15 đơn vị báo chí, truyền hình để phục vụ công tác tuyên truyền, cụ thể: 4 đài truyền hình; 11 cơ quan báo chí, báo điện tử.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp, xử lý chuỗi dữ liệu từ hệ thống quan trắc tự động liên tục để tham mưu xác định 12 nguyên nhân và đề xuất 19 giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về thiết lập hệ thống quan trắc chất lượng môi trường
Người dân Hà Nội nên tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông công cộng nhằm giảm phát thảo ô nhiễm môi trường không khí

Sở cũng tham mưu UBND Thành phố ban hành 3 Chỉ thị về bảo vệ môi trường không khí, gồm: Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND thành phố về thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường Thành phố.

Trong đó, UBND thành phố giao nhiệm vụ cụ thể tới các Sở, ngành, quận huyện thị xã đẩy mạnh triển khai các biện pháp đồng bộ về cải thiện chỉ số chất lượng không khí đặc biệt trong thời gian dự báo chất lượng không khí suy giảm từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa vào ứng dụng phần mềm mô hình hóa lan truyền ô nhiễm, dự báo ô nhiễm, xác định nguyên nhân ô nhiễm, xây dựng kế hoạch hành động ngắn hạn, trung hạn, dài hạn bảo vệ chất lượng môi trường, chủ động ứng phó sự cố môi trường và biến đổi khí hậu.

Liên quan đến công tác tăng cường tuyên truyền các biện pháp khắc phục hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí AQI trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 2/10, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi các cơ quan báo chí.

Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường tuyên truyền công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ của các cấp, các ngành, địa phương về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động người dân không đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch vụ mùa. Các hộ gia đình trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp, không vứt rác bừa bãi.

Đặc biệt, hạn chế việc đốt hương, vàng mã trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Ngoài ra, người dân nên hưởng ứng tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, ưu tiên sử dụng các loại phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu sạch, nhiên liệu tái tạo, điện nhằm giảm phát thảo ô nhiễm môi trường không khí.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động