Hà Nội biểu dương 30 người có uy tín tiêu biểu vùng dân tộc thiểu số
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Tất Vinh, Trưởng Ban Dân tộc thành phố Hà Nội, cho biết: Hà Nội hiện có khoảng 107.847 người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố. Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tập trung theo cộng đồng tại 153 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện gồm: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức; Trong đó chủ yếu là người dân tộc Mường và dân tộc Dao.
Đồng chí Nguyễn Tất Vinh, Trưởng Ban Dân tộc thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô có 152 người có uy tín, trong đó, dân tộc Mường có 101 người (chiếm 66,4%), Dao 3 người (chiếm 2%), Kinh 48 người (chiếm 31,6%). 38 người là trưởng thôn, 43 người là cán bộ nghỉ hưu, 32 người sản xuất kinh doanh giỏi, 3 người là thầy mo – thầy cúng, 1 già làng và 65 người có uy tín tham gia các lĩnh vực khác. Độ tuổi trung bình của người có uy tín là 60, trong đó, người cao tuổi nhất là 86 tuổi, người trẻ tuổi nhất là 34 tuổi.
Năm 2019, Ban Dân tộc thành phố Hà Nội đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách dân tộc như thực hiện chế độ cung cấp thông tin, duy trì việc phát 3 đầu báo cho 152 người có uy tín; Tổ chức 8 hội nghị phổ biến, tuyên truyền và 7 lớp tập huấn, bồi dưỡng việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho 277 người có uy tín. Ban Dân tộc còn tổ chức 5 đoàn tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố cho 100% người có uy tín vùng dân tộc thiểu số.
Các đại biểu có uy tín vùng dân tộc thiểu số của Thủ đô Hà Nội tham dự hội nghị |
Bên cạnh chế độ cung cấp thông tin, Ban Dân tộc còn quan tâm, chăm lo hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần và khen thưởng đối với người có uy tín. Trong năm 2019, Ban đã phối hợp với 5 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ) thăm hỏi, tặng quà Tết cho 152 người có uy tín; Thăm hỏi, hỗ trợ 14 người có uy tín bị ốm đau. Ban cũng đã hỗ trợ cho 1 gia đình đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn…
Đặc biệt, công tác khen thưởng nhằm ghi nhận, khuyến khích, động viên người có uy tín trong đồng dân tộc thiểu số được Ban Dân tộc thành phố Hà Nội hết sức chú trọng. Tại hội nghị tổ chức sáng 17/12, Ban Dân tộc thành phố Hà Nội đã tiến hành khen thưởng cho 30 người có uy tín. Đây là những cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hoá và đoàn kết các dân tộc tại các địa phương.
Đồng chí Nguyễn Ánh Dương, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc thành phố Hà Nội báo cáo kết quả thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số TP Hà Nội |
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc đối với người có uy tín, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết: Trong giai đoạn tới, Ban sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của người có uy tín, tạo điều kiện để người có uy tín phát huy vai trò, uy tín trong cộng đồng. Bên cạnh đó, Ban thực hiện nhân rộng các nhân tố điển hình tiên tiến là người có uy tín.
Cùng với triển khai và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có uy tín bảo đảm kịp thời, Ban Dân tộc TP Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra đánh giá và tổ chức thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm đúng quy định.
Các đại biểu là người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô Hà Nội được biểu dương tại hội nghị |
Trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị “Tổng kết chính sách đối với người có uy tín và biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2019”, bác Hoàng Văn Sáng (80 tuổi), người có uy tín tại thôn Gò Mề, xã Tiên Xuân, huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết: Chúng tôi luôn cảm thấy vinh dự và tự hào khi được bà con nhân dân yêu quý, tín nhiệm. Trọng trách mà chúng tôi đang mang trên mặc dù không mấy to lớn nhưng nó cũng góp phần vào việc giữ vững mối đoàn kết toàn dân, giúp mọi người dân các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thêm yêu thương, gắn bó với cộng đồng và xã hội.
Cùng quan điểm với bác Hoàng Văn Sáng, bác Nguyễn Thị Huệ, người có uy tín tại xã An Phú, huyện Hoài Đức (Hà Nội) chia sẻ: Người có uy tín phải là tấm gương sáng, mẫu mực, luôn thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước để làm gương cho cộng đồng dân cư. Không những thế, người có uy tín cần không ngừng học tập để nâng cao nhận thức của mình, từ đó có thể phát huy tốt vai trò của mình trong xã hội.