Hà Nam chú trọng quản lý vật liệu nổ công nghiệp
Bảo vệ môi trường - chủ đề nóng trong cuộc tổng tuyển cử tại Canada Quảng Nam kiểm soát chặt đối với tôm hùm nước ngọt và tôm càng đỏ |
Bờ tây sông Ðáy (Hà Nam) luôn trong tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động nổ mìn khai thác đá. |
Theo số liệu từ Sở Công thương tỉnh Hà Nam, hiện toàn tỉnh có 71 doanh nghiệp được cấp giấy phép sử dụng VLNCN. Các doanh nghiệp được cấp phép chủ yếu thuộc lĩnh vực khai thác khoáng sản với 67 doanh nghiệp, tập trung chủ yếu tại hai huyện Thanh Liêm và Kim Bảng. Ðây là hai huyện có khối lượng núi đá vôi lớn đang được cơ quan chức năng cấp phép khai thác làm vật liệu xây dựng.
Huyện Thanh Liêm có năm xã, thị trấn có dãy núi đá vôi và được xác định là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp, với sáu nhà máy sản xuất xi-măng, 47 cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản. Hằng năm, trên địa bàn các xã này đã có hàng trăm tấn thuốc nổ được các nhà máy, doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản sử dụng. Xã Thanh Nghị là một trong năm xã của huyện Thanh Liêm có tới hai phần ba diện tích là đồi núi đá vôi, toàn xã hiện có gần 30 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực khai thác chế biến vật liệu xây dựng và nhà máy sản xuất xi-măng. Ông Nguyễn Văn Vinh, người dân thôn Bồng Lạng cho biết, trước đây, việc các doanh nghiệp nổ mìn thường xuyên gây rung chấn mạnh, ảnh hưởng đến công trình nhà ở, khói bụi bao trùm khắp nơi, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của nhân dân gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, khoảng hai năm trở lại đây, các ngành chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình nổ mìn từ các doanh nghiệp cho nên tần suất nổ mìn của doanh nghiệp được hạn chế hơn so với trước. Hiện tượng nổ mìn với khối lượng lớn làm nứt tường nhà, trần nhà đã giảm nhiều, ít ảnh hưởng đến tài sản và hoa màu và đời sống của người dân trong xã.
Sử dụng VLNCN để khai thác vật liệu xây dựng là hoạt động có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nhất định như mất an toàn, an ninh trật tự, tác động đến môi trường chung quanh, cộng đồng, bởi vậy các doanh nghiệp phải tuyệt đối không được sai sót và các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam phải tăng cường quản lý. Bởi với số lượng lớn doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện nay, thì nhu cầu xin cấp giấy phép sử dụng mặt hàng VLNCN ngày càng tăng, trong khi chỉ tính riêng năm 2018, các doanh nghiệp đã sử dụng gần 9.400 tấn thuốc nổ các loại (tăng gần 30% so với năm 2017).
Trước yêu cầu đó, thời gian qua, Hà Nam đã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sử dụng VLNCN và kiểm soát việc sử dụng VLNCN theo thiết kế mỏ. Theo đó, phương án khoan nổ mìn đã được phê duyệt, hạn chế đến mức thấp nhất những sai phạm về giờ nổ mìn; nổ mìn với khối lượng lớn gây đất đá văng xa và chấn động làm ảnh hưởng đến công trình, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu của người dân tại một số điểm mỏ. Cùng với đó, từ năm 2018, Giám đốc Sở Công thương đã ra quyết định thành lập Tổ giám sát hoạt động VLNCN, gồm các thành viên thuộc các đơn vị: Sở Công thương, Công an tỉnh, UBND huyện Thanh Liêm, UBND huyện Kim Bảng, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn có doanh nghiệp sử dụng VLNCN. Tổ giám sát có nhiệm vụ giám sát thường xuyên đối với các doanh nghiệp sử dụng VLNCN nhằm phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với những doanh nghiệp nổ mìn không đúng quy định, sử dụng lượng thuốc nổ lớn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến công trình của Nhà nước và nhân dân khu vực chung quanh.
Trưởng phòng Kỹ thuật An toàn và Môi trường (Sở Công thương, tỉnh Hà Nam) Nguyễn Quang Hưng cho biết: Trong sáu tháng đầu năm 2019, qua thực hiện giám sát các doanh nghiệp hoạt động VLNCN trên địa bàn, tổ đã phát hiện 11 doanh nghiệp có sai phạm trong quá trình sử dụng VLNCN và đã tiến hành xử phạt tổng số tiền 170 triệu đồng. Việc giám sát cũng là kênh tuyên truyền đến doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình sử dụng VLNCN nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng do nổ mìn đối với môi trường, nhất là đối với người dân sống chung quanh khu vực nổ mìn. Từ việc xử lý vi phạm mang tính chất răn đe, cảnh báo đối với đơn vị vi phạm, Tổ giám sát đã hướng dẫn, yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc khắc phục sai phạm và thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành trong việc lập hộ chiếu nổ mìn bảo đảm đầy đủ thông tin số liệu làm cơ sở để triển khai thực hiện nổ mìn tuyệt đối an toàn.
Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh và kiểm soát việc sử dụng VLNCN theo thiết kế mỏ, phương án khoan nổ mìn đã được phê duyệt, hạn chế mức thấp nhất những sai phạm, tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp tự giác rà soát, kiểm tra các quy định về an ninh, phòng chống cháy nổ trong quản lý, bảo quản, vận chuyển, sử dụng VLNCN; thường xuyên quán triệt, nhắc nhở về các biện pháp an toàn trong hoạt động VLNCN trong khai thác đá lộ thiên cho tất cả lao động, nhất là những người trực tiếp làm công tác khoan nổ mìn phải tuân thủ tuyệt đối các biện pháp an toàn theo đúng quy định. Cùng với đó, tỉnh ban hành quy định cụ thể trong giấy phép về lượng thuốc nổ lớn nhất được phép sử dụng trong một lần nổ, phương pháp nổ mìn phải áp dụng. Ðồng thời yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động sử dụng VLNCN có thời hạn do có vi phạm…