Góc khuất đấu thầu gạo dự trữ quốc gia

Vụ đấu thầu gạo dự trữ quốc gia đợt 1 năm 2020 đổ bể khiến dư luận nhìn doanh nghiệp như “tội đồ”. Nhưng, có ai biết phía sau các hợp đồng thu mua gạo dự trữ quốc gia được ký kết là biết bao bức xúc, ấm ức khó nói của những ông chủ chuyên thu mua lúa gạo. Ai cũng đổ lỗi cho doanh nghiệp thu mua và cung ứng gạo, còn cơ quan quản lý thì sao?
Thu mua lúa gạo dự trữ và xuất khẩu: Góc khuất đáng lo ngại 2.000 tấn gạo đến với người dân vùng lũ Quảng Bình và Hà Tĩnh

“Trăm dâu đổ đầu”… doanh nghiệp

Không chỉ riêng năm 2020, thương vụ thu mua gạo dự trữ quốc gia phải đấu thầu đợt 2, lịch sử đấu thầu thu mua gạo dự trữ quốc gia đã chứng kiến nhiều năm phải làm đi làm lại nhiều lần. Và, lần nào, doanh nghiệp cũng bị xem là “tội đồ”, hứng chịu đủ búa rìu dư luận, hứng chịu đủ trách nhiệm từ phía cơ quan chức năng. Còn cơ quan được giao trách nhiệm phối hợp, tổ chức thu mua như Bộ Tài chính, Tổng cục dự trữ nhà nước… dường như vô can.

goc khuat dau thau gao du tru quoc gia

Năm 2018, việc thu mua gạo phục vụ dự trữ quốc gia đã phải tổ chức đấu thầu đến lần thứ 2. Và, giá đấu thầu đợt 2 cao hơn đợt 1 là 700 đồng/kg, do đợt 1 cho giá thấp các doanh nghiệp không trúng thầu.

Tương tự, sau khi đấu thầu gạo dự trữ quốc gia đợt 1 năm 2020 không thành, giá gạo tăng phi mã lên 2.000 đồng/kg dẫn tới doanh nghiệp “khốn đốn”.

Nhiều người ví gói thầu gạo dự trữ quốc gia là “chiếc bánh béo bở”, nhưng thực tế thì chiếc bánh ấy không hề “béo bở” như mọi người nghĩ. Qua rất nhiều khâu nhiêu khê, phiền hà, rắc rối, nếu được thanh toán sớm thì doanh nghiệp lãi 40 đồng/kg gạo. Còn nếu lâu mới được thanh toán thì lỗ nặng, doanh nghiệp chịu thiệt.

Một doanh nghiệp chuyên thu mua lúa gạo cho biết: Giá gạo đấu thầu đợt 1 năm 2020 bình quân tại kho là 8.450 đồng/kg. Theo số liệu và tính toán đợt 1 của các nhà thầuthì sau khi cặp mạn tàu và chi phí bao bì thì sẽ đội lên 8.600 đồng/kg; chưa kể giá tàu thủy vận chuyển ra các cảng là 250 đồng/kg, vận tải đường bộ bình quân 170 đồng/kg, bảo lãnh ngân hàng (dự thầu và ký hợp đồng), các phí khác là 70 đồng/kg, chưa tính tiền lương và chi phí cán bộ tham gia đấu thầu.

Nếu trúng thầu, ký hợp đồng nhập gạo dự trữ và nhập hàng xong thì sớm nhất trong vòng 2 tháng mới lấy được tiền. Tính ra, trong 2 tháng ấy, lãi suất theo ngân hàng đã là 120 đồng/kg, doanh nghiệp chỉ còn lãi 40 đồng/kg. Nhưng đến 31/12, Tổng cục dự trữ nhà nước mới thanhtoán cho doanh nghiệp thì sẽ lỗ như thế nào. Một con số không hề nhỏ! Nhiều doanh nghiệp cho hay khi đấu thầu xong và ký hợp đồng nhưng chưa có tiền, nếu được hỗ trợ lãi suất thì không khó để mua đủ số lượng gạo.

Gạo dự trữ quốc gia là mặt hàng đặc biệt. Vậy thì, chắc hẳn kinh phí để thu mua số lượng gạo dự trữ quốc gia phải đặc biệt được ưu ái hàng đầu. Nghĩa là sẽ được bố trí, phân khai sớm, đủ so với các danh mục khác. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, có nhiều năm, phải đến 31/12 họ mới được thanh toán hợp đồng. Vậy, cần phải làm rõ rằng, nguồn ngân sách cấp để Tổng cục dự trữ thu mua gạo phục vụ dự trữ là vào thời điểm nào sau khi hợp đồng được ký kết. Không thể để tình cảnh: doanh nghiệp ký hợp đồng và nhập xong số lượng gạo từ giữa năm rồi “dài cổ”… chờ tiền nhưng mãi đến 6 tháng sau mới được tất toán.

Không thể cứ không mua được gạo dự trữ quốc gia thì mọi trách nhiệm đều đổ lên đầu doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp trúng thầu nhưng sau đó từ chối ký hợp đồng do giá gạo tăng mạnh (năm 2018 và 2020) thì cần phải tính đến trách nhiệm của Bộ Tài chính và Tổng cục dự trữ nhà nước đã không tính sát thị trường, không nhận định đúng thị trường, không tính đến những biến động do dịch bệnh, do biên giới đóng cửa… dẫn tới khó mua gạo.

Đâu là chiến lược?!

Gạo dự trữ quốc gia là mặt hàng đặc biệt. Thế nên, có vẻ như người ta chỉ quan tâm đến việc có mua đủ số lượng, chủng loại, đảm bảo đúng chất lượng hay không.

Thực tế việc mua bán gạo dự trữ quốc gia đang bộc lộ một bất cập đáng lo: mua vào giá cao, bán ra giá quá thấp. Năm 2020 phải đấu thầu lần 2 để mua đủ 190.000 tấn gạo dự trữ. Do giá chênh lệch nên ngân sách đội lên hàng trăm tỷ đồng. Ai cũng kêu và rồi người ta lại nhìn vào doanh nghiệp để dò xét: có hay không chuyện trục lợi.

goc khuat dau thau gao du tru quoc gia

Nhưng, thử tính toán giá gạo dự trữ quốc gia năm 2018 xuất bán đổi hạt thì sẽ thấy rõ ngân sách nhà nước thâm hụt thế nào.Năm 2018, giá gạo nhập vào là 10.740 đồng/kg, đến 2020 xuất gạo đổi hạt bán ra với giá 7.100 đồng/kg, lỗ 3.640 đồng/kg; chưa tính chi phí bốc xếp vào kho, khi xuất bốc xếp lên phương tiện khách hàng, chi phí bảo quản 2 năm. Vì vậy, chính phủ phải có quốc sách để không thể tái diễn tình trạng lỗ như vậy.

Nhiều thông tin cho rằng, cần thay đổi luật đấu thầu và các chế tài khác để khi doanh nghiệp trúng thầu không được bỏ ký kết hợp đồng là hoàn toàn không phù hợp.

Đấu thầu xong đợt 1, giá gạo tăng phi mã thì doanh nghiệp rất khó thực hiện. Doanh nghiệp là người đi buôn nên họ phải tính toán để tránh sự phá sản. Đơn cử như Công ty cổ phần Mỹ Tường, Công ty cổ phần XNK Thuận Minh… trúng thầu 1 lô từ 900 đến 1.000 tấn nhưng họ không thực hiện hợp đồng bởi thực hiện thì phá sản bởi giá gạo tăng đến 2.000 đồng/kg.

Theo nhiều doanh nghiệp, gói thầu mua gạo dự trữ quốc gia hàng năm, nếu chính phủ giao cho Tổng công ty lương thực Miền Bắc, Tổng công ty lương thực Miền Nam và các doanh nghiệp lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long thì họ sẽ linh hoạt hơn, chất lượng gạo tốt hơn vì họ có kinh nghiệm. Họ là những đơn vị kinh doanh, chắc hẳn sẽ tính và lường hết những biến động bất thường của thị trường lúa gạo trong nước cũng như trên thế giới.

Nước ta với dân số ngót 100 triệu dân, việc dự trữ quốc gia mỗi năm chỉ thực hiện thu mua 190.000 tấn gạo thì khác nào “muối bỏ biển”. Con số 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia mỗi năm được thu mua là căn cứ trên tiêu chí, định lượng nào?Trong khi đó, để duy trì bảo quản 190.000 tấn lượng thực, Chính phủ phải chi một khoản ngân sách “cồng kềnh” cho công tác bảo vệ, bảo quản, tiền lương cán bộ nhân viên, kho tàng bến bãi…

Chiến lược thu mua, bảo quản gạo dự trữ quốc gia là bài toán cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng dựa trên kinh nghiệm thu mua, khả năng phân tích sát thị trường của doanh nghiệp. Nói gì thì nói, làm kinh tế, ông doanh nghiệp bao giờ cũng hơn hẳn ông nhà nước.

Hãy trao quyền thu mua gạo dự trữ cho doanh nghiệp, giao cho doanh nghiệp, nhà nước chỉ mang tính chất định hướng, kiểm tra thì khi ấy mới tránh được những bất cập như đã nêu ở trên.

PV
Phiên bản di động