Thị trường lúa gạo hết “đóng băng”: Thực tế đầy băn khoăn

Thị trường lúa gạo cả nước nói chung, vựa lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đang “ấm” dần kể từ khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại trạng thái bình thường từ đầu tháng 5/2020. Đằng sau câu chuyện “đóng băng” lúa gạo những tháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã hé lộ thực tế đầy băn khoăn.
Giá lúa gạo trong nước có thể giảm trong tháng 6 Nhiều ngân hàng cam kết cung ứng đủ vốn cho vay sản xuất lúa gạo

Đi tìm sự thật

Để có được bài viết này, chúng tôi đã mất khá nhiều ngày lăn lộn ở các tỉnh, thành của vựa lúa lớn nhất nước. Ghé thăm nhiều doanh nghiệp thu mua lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long; để ý kỹ, lắng nghe tâm sự của nhiều thương lái đã cho chúng tôi cái nhìn toàn cảnh về một sự thật về bức tranh thu mua lúa gạo nơi đây.

Những ngày đầu tháng 5, nắng rát da nhưng dọc các con kênh, rạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động mua bán lúa gạo của các doanh nghiệp đang dần sôi động trở lại. Tiếng nổ phành phạch của những chiếc ghe chất đầy lúa gạo vào ra các điểm thu mua khá tấp nập. Trên những băng chuyền, những bao lúa gạo được bốc lên, chuyển xuống rất hối hả, khẩn trương.

thi truong lua gao het dong bang thuc te day ban khoan
Hoạt động thu mua gạo tại Đồng Tháp những ngày đầu tháng 5/2020

Một công nhân bốc xếp tại công ty TNHH Tự Lực đóng ấp Tân Thành, xã Tân Quy Tây thành phố Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp cho biết: công ty mới thu mua trở lại. Thời điểm dịch bệnh Covid-19, công ty phải đóng cửa nên chúng tôi cũng không có việc làm.

Còn đại diện công ty TNHH Tự Lực đóng ấp Tân Thành, xã Tân Quy Tây thành phố Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp cho rằng: từ khi Chính phủ có quyết định xuất khẩu lúa gạo trở lại trạng thái bình thường, thị trường lúa gạo nơi đây mới bớt “ảm đạm”. Thời điểm cách đây chừng hai tháng, chúng tôi rất khó khăn, doanh nghiệp rất khó thu mua lúa gạo. Sản lượng thu mua lúa gạo sụt rất nhiều.

Trong những tháng vừa qua, thị trường lúa gạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long bớt sôi động. Nguyên nhân theo nhiều thương lái cho biết là do: do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên rất khó thu mua lúa gạo. Trong khi đó, trong nước, hạn mặn đang đe dọa vùng Đồng bằng sông Cửu Long khiến nhiều diện tích gieo sạ vụ hè thu khó thực hiện. Chưa kể, do ảnh hưởng của dịch, tâm lý người dân găm, trữ hàng hóa nên không xuất bán.

Ông Nguyễn Minh Phương - Phó giám đốc công ty TNHH Phát Tài đóng tại ấp Bình Hiệp B xã Bình Thạnh Trung huyện Lò Vấp tỉnh Đồng Tháp cho hay: so với cùng kỳ, sản lượng thu mua lúa gạo của công ty sụt 30%. Nguyên nhân là do người dân không bán, ảnh hưởng của dịch bệnh, hạn hán… nên rất khó thu mua khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Nhưng có một sự thật mà nhiều người chưa hiểu. Loại gạo IR50404 cung ứng cho dự trữ quốc gia thực sự rất khó thu mua. Giống lúa IR50404 là loại giống mà tại các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều người dân đã không mặn mà gieo cấy do giá thành thấp, chất lượng gạo thấp, người dân không nấu cơm ăn mà rất ưa dùng chủ yếu phục vụ cho nấu rượu, làm bánh, bia… Chủ yếu xuất cho một số thị trường thấp như Malaixia, Cu Ba, Đông Timo, Philippin… Điều này vô tình gây khó khăn cho thương lái trong ký kết, thu mua lúa gạo nói chung.

thi truong lua gao het dong bang thuc te day ban khoan
Nhiều doanh nghiệp kêu trời vì rất khó thu mua giống gạo IR50404 do giá thành thấp, chất lượng thấp, dân ít trồng

Nhiều người hẳn ngạc nhiên khi vì sao loại gạo IR50404 chủ yếu được mua để phục vụ cho mặt hàng dự trữ quốc gia. Ông Cao Văn Phúc-Một thương lái chuyên thu mua lúa gạo ở tỉnh An Giang nói: gạo IR50404 mà Cục dự trữ thu mua là loại gạo rất dễ bảo quản, thời gian bảo quản được lâu hơn so với các loại gạo khác.

Nhìn từ thực tế trên, cho thấy, hàng loạt doanh nghiệp trúng thầu đang rất khó “thanh minh” một cách thuyết phục về lý do mình từ chối ký hợp đồng cung ứng gạo dự trữ quốc gia. Đằng sau câu chuyện trên là bao điều khó nói mà chỉ những “người trong cuộc” mới hiểu rõ.

Cần những chiến lược dài hơi

Quyết định cho phép xuất khẩu gạo trở lại trạng thái bình thường đã giúp giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ. Hiện giá lúa IR50404 nông dân với giá 4.900 - 5.000 đồng/kg đối với lúa IR50404, trong khi trước đó giá chỉ 4.600 - 4.800 đồng/kg. Còn giá gạo IR50404 đóng gói là 8.500 đồng/kg. Đó là tín hiệu rất khả quan trong bối cảnh hiện nay đối với cả nông dân và thương lái thu mua.

Nhưng qua khảo sát của chúng tôi, lượng gạo hiện có tại các thương lái đầu mối không nhiều. Khi chúng tôi đặt vấn đề cần mua một lượng lớn gạo IR50404, một số doanh nghiệp tại Cái Bè-Tiền Giang như Doanh nghiệp Thanh Thảo, lắc đầu: lượng gạo IR50404 không có nhiều, chỉ chừng vài trăm tấn. Để gom được lượng lớn thì phải lấy hàng từ rất nhiều đại lý khác mới đủ.

thi truong lua gao het dong bang thuc te day ban khoan
Hoạt động thu mua gạo IR50404 gặp khó khăn do nguồn cung thiếu

Với thực tế chất lượng lúa gạo IR50404 thấp, người dân ít tiêu dùng dẫn tới thu hẹp diện tích sản xuất; do biến đổi khí hậu, vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng đối mặt với hạn hán nặng… khiến việc sản xuất lúa gặp khó khăn thì việc đáp ứng đủ sản lượng gạo IR50404 phục vụ dự trữ quốc gia và xuất khẩu là rất đáng lo.

Ông Cao Văn Phúc, một thương lái chuyên thu mua lúa gạo ở tỉnh An Giang cho biết: Giá gạo IR50404 thấp, dân càng ngày càng ít gieo sạ hơn so với các loại lúa khác nên diện tích và năng suất giảm đáng kể. Với thâm niên 13 năm trong nghề thu mua lúa gạo, ông Phúc chia sẻ thêm: vùng trồng giống lúa IR50404, trong nước chủ yếu là An Giang, các tỉnh thành khác của vùng đồng bằng sông Cửu Long không nhiều.

Trong chiến lược xuất khẩu và an ninh lương thực, nên chăng, Chính phủ cần có chiến lược dài hơi hơn. Có thể, nghiên cứu để đặt hàng cho người nông dân sản xuất để có thể chủ động hơn. Mặt khác, có thể nghiên cứu thêm để đưa vào dự trữ cũng như xuất khẩu các loại gạo khác để thay thế IR50404. Nói như các thương lái thì gạo IR50404 dễ bảo quản. Vậy thì Chính phủ cũng cần phải tính đến việc nâng cao giá thành cho loại gạo này để kích thích sản xuất, nếu tiếp tục lựa chọn loại gạo này cho dự trữ và xuất khẩu. Tổng cục dự trữ cũng cần phải thay đổi, nâng cao các biện pháp bảo quản lúa gạo tốt hơn đối với các loại lúa gạo khác để tính đến phương án thay thế.

An ninh lương thực là vấn đề sống còn trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, hạn hán đe dọa… Trước khi xuất bán, bất kỳ quốc gia nào cũng đều phải tính đến tích trữ. Trong khi đó, nhìn từ thực tế khó khăn trong việc thu mua lúa gạo thời gian qua đã cho thấy chúng ta hoàn toàn bị động, không chủ động được nguồn cung chắc chắn. Đó là vấn đề rất đáng băn khoăn.

“Chính phủ cần có chính sách để làm sao có chiến lược hợp lý nhằm chủ động nguồn hàng dự trữ một cách chắc chắn. Không thể, cứ việc ký kết hợp đồng cung ứng lúa gạo đổ bể lại đổ lên đầu doanh nghiệp như hiện nay. Nói gì thì nói, trong nước đang dần hạn chế sản xuất lúa IR50404 do giá thành thấp, chất lượng gạo thấp trong khi đây là loại gạo chủ yếu cung ứng cho dự trữ quốc gia thì rất khó. Nếu không chủ động nguyên liệu một cách chắc chắn thì việc đấu thầu gạo cung ứng cho dự trữ quốc gia hàng năm sẽ dễ dàng “đổ bể”, nhiều thương lái bộc bạch.

Nhóm PVNA
Phiên bản di động