Giới trẻ thích thú với chất liệu văn hóa truyền thống
Người trẻ với những tục lệ cầu may đầu năm Cuộc đối thoại đầu năm của "Tết Xưa" và "Tết Nay" Trải nghiệm Tết của người trẻ Việt trên đất Mỹ |
Những ý tưởng thăng hoa từ chất liệu truyền thống
Năm 2023 cũng đánh dấu một năm “bùng nổ” với hàng loạt sự kiện văn hóa, lịch sử nổi bật. Tiêu biểu có thể kể đến sự thành công rực rỡ của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023. Sự tham gia đóng góp của nhiều họa sĩ, nhà thiết kế, nghệ sĩ trẻ tài năng đã mang tới hiệu quả bất ngờ, gây sức ảnh hưởng tích cực và mạnh mẽ đến cộng đồng các bạn trẻ yêu nghệ thuật.
Những sự kiện nghệ thuật thuộc khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 nhận được sự yêu thích của hàng nghìn bạn trẻ |
Với hơn 250.000 lượt khách tham quan, 64 hoạt động văn hóa và sự tham gia đóng góp của hơn 200 đơn vị sáng tạo và nghệ sỹ. Tính chủ động và sự biến hóa sáng tạo gần như vô hạn của các nhà thiết kế, nghệ sỹ trẻ đã “thổi” một hơi thở vừa thân quen vừa mới lạ, “thay áo mới” cho hàng loạt công trình kiến trúc, di sản của Thủ đô Hà Nội. Dưới góc nhìn đa chiều của các tài năng trẻ, những buổi triển lãm như “Thủy Phủ”, “Quá Áp”,... mang đến cho khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ một nguồn cảm hứng to lớn, truyền cảm hứng sáng tạo đến với cộng đồng những người yêu nghệ thuật. Thậm chí, sức hút “khủng” bất ngờ đã khiến Ban Tổ chức lễ hội đưa ra quyết định kéo dài thêm thời gian tổ chức thêm 2 ngày để đáp lại sự quan tâm, yêu thích của công chúng.
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã được tận dụng hiệu quả, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sắp với toan nền chính là không gian di sản cũ của nhà máy. |
Một ví dụ khác, đó là trong năm 2023 vừa qua, UBND phường Hàng Trống đã đẩy mạnh triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm quảng bá, tuyên truyền về nghệ thuật tranh dân gian nổi tiếng của huyện Thọ Xương (Hoàn Kiếm ngày nay). Nói về con đường bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài của tranh Hàng Trống, ông Đặng Minh Tuấn – Chủ tịch UBND phường Hàng Trống – chia sẻ: “Ngoài việc phát triển giá trị từ nền hội họa dân gian, chúng tôi đã chú trọng mang đến cho Nhân dân, du khách trong và ngoài nước những không gian văn hóa phù hợp để thưởng thức nghệ thuật tranh Hàng Trống. Có thể nói đến triển lãm “Họa linh Sắc Việt” vừa qua tại đền Phù Ủng vừa qua đã đem đến không gian trải nghiệm nghệ thuật duy mỹ, đúng với ý nghĩa của các tác phẩm tranh thờ Hàng Trống. Triển lãm không chỉ tôn vinh nét đẹp của những tác phẩm hội họa mà còn là bước tiến quan trọng, mong muốn ứng dụng hiệu quả và bảo tồn, phát huy giá trị của mà các địa điểm di tích lịch sử trên địa bàn phường một cách lâu dài”.
Ông Đặng Minh Tuấn (áo trắng) - Chủ tịch UBND phường Hàng Trống - rất ấn tượng khi chiêm ngưỡng các tác phẩm tranh thờ Hàng Trống được "biến hóa" lạ mắt hơn qua nghệ thuật Họa Kim Sa |
Ông Đặng Minh Tuấn đánh giá cao sức sáng tạo và tính chủ động trong công cuộc khai thác và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của các bạn trẻ. Ông nhận xét, giới trẻ ngày nay là một thế hệ không ngại ngần “xông xáo, lăn xả” để nghiên cứu và phát huy nét đẹp của văn hóa lịch sử Việt Nam.
“Nếu nói giới trẻ không yêu thích, không khát khao tìm hiểu những giá trị truyền thống thì có lẽ hơi sai. Khi các bạn có đam mê, chịu khó đầu tư thời gian, công sức để tìm hiểu cặn kẽ ý nghĩa và khai thác văn hóa cổ truyền thì mới có thể cho ra những tác phẩm sáng tạo vừa mới lạ, ấn tượng mà vẫn giữ được hồn cốt dân tộc. Đây là tín hiệu đáng mừng khi giới trẻ dành sự quan tâm và được truyền cảm hứng từ truyền thống. Nguồn tiềm lực năng động và sức sáng tạo không ngừng của các bạn trẻ hứa hẹn sẽ là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ cho văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển giàu đẹp hơn".
Khách tham quan rất thích thú với bức tranh "Đại Thế Chí Bồ Tát" được tạo hình lại bằng nghệ thuật Họa Kim Sa |
Chủ động và tích cực
Thời gian trước, để tìm hiểu về lịch sử, di sản, các bạn trẻ thường lựa chọn tự mày mò nghiên cứu qua internet. Tuy lượng thông tin dồi dào nhưng lại thiếu đi tính trực quan, gần gũi khiến nhiều bạn trẻ có phần “bất lực” trong việc tìm hiểu cặn kẽ về những kiến thức lịch sử, kỹ thuật và nghệ thuật truyền thống. Nhưng giờ đây, họ đã chủ động tìm kiếm, kết nối và trò chuyện với các vị tiền bối kỳ cựu trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa. Thông qua những chia sẻ trực tiếp và sự tư vấn, hỗ trợ từ những thế hệ đi trước, nhiều người đã có bước tiến đột phá trên con đường phát triển phong cách nghệ thuật cá nhân.
KTS Nguyễn Nga (Bà Nga cầu Long Biên) đánh giá rất cao tay nghề và tư duy nghệ thuật của các nghệ sĩ trẻ ngày nay. Bà cho rằng, việc giáo dục, khuyến khích các bạn trẻ hình thành và phát triển tình yêu nghệ thuật, yêu văn hóa nước nhà. |
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên – người cuối cùng gìn giữ nghệ thuật tranh Hàng Trống – bày tỏ sự xúc động khi nói về thế hệ trẻ. Ông Nghiên cho biết, thời gian vừa qua, có rất nhiều bạn trẻ đã tìm đến ông nhằm “thỉnh giáo”, học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm cá nhân và xin lời khuyên cho sự nghiệp nghệ thuật tương lai.
Các nghệ sĩ trẻ, sinh viên ngành mỹ thuật đến với người nghệ nhân già được chỉ dẫn tận tình về từng kỹ thuật tinh tế để làm ra một bức tranh cổ truyền. Ông Nghiên chú trọng giải thích ý nghĩa của những nét vẽ mềm mại, lớp màu vờn bay lượn đặc trưng của tranh Hàng Trống,... với mong muốn truyền tải trọn vẹn tinh hoa nghệ thuật của dân tộc cho họ.
Nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên |
Ông Lê Đình Nghiên chia sẻ: “Hơn 60 năm miệt mài gìn giữ, bảo tồn từng nét vẽ của cha ông nhưng tôi không khỏi lo lắng cho tương lai tàn lụi của nghệ thuật tranh Hàng Trống khi chưa tìm được người kế thừa. Nhưng giờ tôi đã yên tâm hơn rất nhiều khi thế hệ đi sau đã chủ động tìm về nguồn cội để học tập, tìm hiểu tường tận về nghề gia truyền của tôi. Nhiệm vụ của tôi sẽ là hết lòng hỗ trợ, giáo dục cho các cháu, cho họ thấy được những gì là “chân-thiện-mỹ” của tranh Hàng Trống. Đồng thời, chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề để các cháu hiểu rõ hơn về cuộc sống và công việc của một nghệ nhân. Các bạn trẻ ngày nay quá tài năng, ham học hỏi và thật sự tâm huyết với những giá trị truyền thống mà các bạn theo đuổi. Tôi tin vào năng lực và đam mê của các cháu. Chính giới trẻ sẽ là những người tiếp tục thắp lửa cho di sản trường tồn mai sau, để dù có 50-100 năm nữa, tranh Hàng Trống vẫn còn nguyên vẹn những giá trị quý báu thuở ban đầu”.
Album "Vũ trụ cò bay" của ca sĩ Phương Mỹ Chi lấy cảm hứng từ dân gian và những tác phẩm văn học trong chương trình sách giáo khoa đã nhận về nhiều phản hồi tích cực từ người nghe |
"Trẻ hóa" chất liệu dân gian
Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Đăng Hiếu chia sẻ, việc thế hệ trẻ tiếp tục viết những trang mới cho con đường phát triển công nghiệp văn hóa là điều “cấp thiết” và “cực kỳ quan trọng”. Anh Hiếu là cháu trai và là người kế thừa của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế trong lĩnh vực tranh dân gian Đông Hồ. Lớn lên trong một gia đình ba thế hệ vẽ tranh, anh Hiếu sớm thấm nhuần văn hóa và tình yêu nghệ thuật to lớn được truyền lại từ ông nội Nguyễn Đăng Chế từ khi còn tấm bé. Sau này, dù công tác trong một ngành nghề khác, Hiếu như có tiếng gọi thôi thúc trong tim. Anh đã lựa chọn tìm về nguồn cội, để dốc lòng phát triển sự nghiệp gia đình, đồng thời “trẻ hóa” sản phẩm tranh truyền thống.
“Hiện nay, giới trẻ chúng ta có hàng trăm nghìn cách tiếp cận với thông tin đại chúng thông qua mạng internet. Mình đã tận dụng tối đa lợi ích lan tỏa của các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền những giá trị tốt đẹp của dòng tranh Đông Hồ. Ngoài ra, mình luôn nỗ lực nghiên cứu để cải tiến quy trình, phương pháp làm tranh dân gian trở nên tiện lợi và hiện đại hơn. Ví như thay vì phải in khuôn mộc bản, dặm nét cho kỹ càng trước khi làm tranh, giờ đây mình có thể sử dụng máy in phù hợp để cho ra các mẫu khuôn tranh hiện đại nhưng vẫn giữ được toàn bộ nét truyền thống vốn có”- anh kể.
Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Đăng Hiếu và vợ |
Theo chàng trai này, việc bạn trẻ chủ động, sáng tạo trong quá trình tìm về nghệ thuật truyền thống không chỉ giúp cho bản thân mà còn là cơ hội để những thế hệ đi trước chia sẻ, truyền thụ lại những cốt lõi tinh hoa của văn hóa cho lớp người đi sau. Nếu như các bạn không chủ động kết nối, các bạn sẽ mất đi những nguồn “tri thức sống” vô giá mà sau này sẽ khó có được. "Những nghệ nhân kỳ cựu giờ đều đã lớn tuổi, cơ hội lắng nghe và học hỏi từ họ sẽ dần ít đi qua từng ngày. Vậy nên hãy mạnh dạn tìm hiểu, kết nối với họ, bởi chính những con người ấy, cũng giống như ông nội mình, luôn day dứt một nỗi lòng với cái nghề, cái nghiệp của cuộc đời. Nếu nghề truyền thống được truyền thừa, kế nghiệp và tiếp tục phát triển, đó sẽ là niềm hạnh phúc lớn nhất mà những người nghệ nhân dành cả đời để nâng niu, trân trọng”.