Cuộc đối thoại đầu năm của "Tết Xưa" và "Tết Nay"
Du khách nước ngoài chen chân vãn cảnh chùa Trấn Quốc Trải nghiệm Tết của người trẻ Việt trên đất Mỹ Học sinh "chạy nước rút" ôn thi sau Tết |
Buổi tọa đàm được UBND phường Hàng Trống tổ chức, với mong muốn mang tới một không gian văn hóa nghệ thuật đặc sắc, nhẹ nhàng nhân dịp đầu xuân, góp phần lan tỏa rộng rãi nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống đến với cộng đồng.
Đại diện cho những năm tháng "Tết Xưa" tại buổi tọa đàm là nghệ nhân Lê Đình Nghiên - người giữ nghề cuối cùng của nghệ thuật tranh Hàng Trống và Ths, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Nga, người phụ nữ đã dành hơn một thập kỷ tâm huyết với dự án "Bảo tồn, tôn tạo và phát triển cầu Long Biên và khu vực lân cận".
"Tết Nay" là góc nhìn Tết của giới trẻ với đại diện là chị Nguyễn Hoàng Anh - Founder thương hiệu HỌA GẤM và anh Nguyễn Đức Huy - Founder thương hiệu cổ phục Đông Phong. Qua những chia sẻ gần gũi, thân tình, hai thế hệ già - trẻ đã kết nối lại gần nhau hơn với điểm chung là niềm đam mê, tình yêu dành cho văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Chương trình do UBND phường Hàng Trống phối hợp với các đơn vị đồng hành tổ chức tại đình Nam Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) |
Hoài niệm hương - sắc những mùa Tết Xưa
Trong ký ức của KTS Nguyễn Nga, Tết Nguyên đán thời thơ ấu của bà mang màu sắc vô cùng đặc biệt. Gần 50 năm sống tại nước Pháp xa xôi nhưng người phụ nữ Hà Nội lại chẳng thể nào quên bức tranh ngày Tết của đất Thăng Long thế kỷ trước. Đó là những con phố rực rỡ giấy đỏ, pháo tràng bán khắp nơi, là những cơn mưa bụi, lớp sương mờ phủ lên Hà Nội chút huyền ảo du dương những ngày giáp Tết.
"Tôi nhớ cái không gian vừa tấp nập ồn ào bán mua nhưng lại chẳng hề ngộp thở của những phiên chợ Tết Hà Nội xưa", bà Nga chia sẻ và nói thêm: "Dạo bước qua những gian hàng lịch, bánh mứt, hoa,... nơi đâu cũng thấy màu của Tết. Nó không phải một màu duy nhất mà là sự kết hợp của hoa đào, giấy điều, bánh pháo,... Màu Tết ấy gợi tôi cái cảm giác náo nức, hân hoan không thể ngồi yên, kích thích sự mong chờ thời khắc xuân sang bằng cả tâm hồn trong trẻo của con người".
Kiến trúc sư Nguyễn Nga tranh thủ chia sẻ với Nghệ nhân Lê Đình Nghiên về ký ức Tết Nguyên đán Hà Nội những năm 90 của thế kỷ trước |
KTS Nguyễn Nga kể, bà yêu lúc dạo bước trên những con phố Hà Nội sau thời khắc giao thừa khi tiếng pháo chỉ còn thưa thớt. Không gian ngập tràn hương xuân thơm tho quyện cùng mùi nhang trầm phảng phất, mùi thuốc pháo nhẹ gay mũi đã khắc ghi sâu trong tâm trí người con gái Hà thành năm nào.
"Tết Hà Nội thuở ấy đầy chất thơ", bà Nga nhận xét. "Chẳng xô bồ, dồn dập nhưng luôn "bắt" con người ta cảm thấy bồn chồn, nôn nao để mà "đón Tết" trọn vẹn. Nào mua hoa bích đào tại Nhật Tân, gọt củ thủy tiên cho mùa Tết, xin chữ thầy đồ,... Trong mắt bạn trẻ ngày nay có thể những hoạt động đó hơi "già", nhưng đối với những người thuộc thế hệ của tôi, nó là một hơi thở "xả hơi" nhẹ nhàng trong những ngày cuối năm, đem mệt mỏi trong suốt ngày tháng vừa qua đặt xuống để đón Tết thật an nhiên, hạnh phúc" - bà nói.
Đối với nghệ nhân Lê Đình Nghiên, hơn 60 năm theo đuổi và gìn giữ màu sắc tranh dân gian Hàng Trống đã đem đến cho ông những trải nghiệm Tết Nguyên đán đặc biệt và đầy ý nghĩa. Giống như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống khi xưa là một mặt hàng "sốt xình xịch" mỗi mùa Tết đến xuân sang.
Người Hà Nội ai cũng phải mua cho được một bức tranh Hàng Trống hoặc một bức tranh Đông Hồ về nhà chơi Tết mới gọi là "chuẩn không khí Tết". Bởi vậy, trong quá khứ, cứ mỗi dịp giáp Tết lại là thời điểm cực kỳ bận rộn của gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên.
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn nhớ rõ kỷ niệm những mùa Tết tất bật làm tranh và cùng gia đình bày bán tranh Tết trên những con phố Hà Nội xưa |
Ông Nghiên chia sẻ: "Tết đến, khối lượng công việc gia đình chúng tôi phải làm gấp trăm lần ngày thường, phải huy động các thành viên nông nhàn để làm những giai đoạn thủ công.
Những đoạn quan trọng hơn thì ông tôi, bố tôi hoặc tôi làm. Nào bút lông, thuốc màu, giấy bồi, mỗi thứ đều phải chuẩn bị với số lượng lớn, sẵn sàng vào mùa tranh Tết. Khi ấy, tôi vẫn nhớ bầu không khí trong nhà tấp nập, khẩn trương khiến cho chính bản thân mình cũng có tinh thần "hừng hực" để làm việc không ngơi nghỉ. Để có được bức tranh Hàng Trống chuẩn truyền thống, người nghệ nhân phải in khuôn, bồi giấy cẩn thận, chờ đến 3-4 ngày mới bắt đầu họa màu rồi phơi tranh. Bởi vậy, một bức tranh Hàng Trống giản dị nhường ấy lại tốn rất nhiều công sức, thời gian của người nghệ nhân".
"Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm, rằng có một khách hàng ở sát biên giới đặt hàng tranh của tôi. Ngày ấy, tranh của Trung Quốc "tung hoành" khắp các thị trường gây khó khăn cho các dòng tranh dân gian Việt Nam. Nhưng người khách ấy vẫn tìm đến tôi, thiết tha muốn đặt một bức tranh Hàng Trống để treo trong nhà mùa Tết Nguyên đán. Chính tấm lòng hướng về nguồn cội và sự chân thành, tha thiết của những vị khách như thế dành cho tranh Hàng Trống khiến tôi luôn nỗ lực, cố gắng hết mình. Đối với tôi, chừng nào người ta còn yêu tranh Hàng Trống, muốn tìm hiểu thì tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ để nét nghệ thuật này sẽ còn tô điểm cho hương sắc Tết Việt dài lâu hơn nữa", nghệ nhân Lê Đình Nghiên xúc động nói.
Một mùa Tết Hà Nội xưa |
Khát vọng từ thanh âm - vị "Tết Nay"
Đồng cảm với chia sẻ và những câu chuyện đời thường mùa Tết sang của hai vị tiền bối, hai bạn trẻ của "Tết Nay" cũng đã mang đến những góc nhìn Tết thú vị nhưng không kém phần cảm xúc.
Anh Nguyễn Đức Huy từng có thời gian dài sinh sống và học tập tại nước ngoài, bày tỏ sự đồng cảm với KTS Nguyễn Nga khi cả hai đều đã trải qua rất nhiều cái Tết xa quê.
Anh cho biết, đối với một du học sinh, dù nơi xứ người không ăn mừng Tết Nguyên đán, khoảng thời gian đó trong năm luôn rất khó khăn để anh có thể cân bằng được cảm xúc lẫn lộn của mình. Nhớ nhà, tủi thân, cô đơn, lạc lõng,... những điều ấy cứ chực trào lên trong lòng anh khi chứng kiến cảnh gia đình đoàn viên đón Tết tại Việt Nam.
Anh Nguyễn Đức Huy bồi hồi khi nhắc về kỷ niệm những ngày Tết xa quê |
"Mình nhớ lắm một mâm cơm ngày Tết", anh Huy bồi hồi chia sẻ "Những năm tháng đi du học, Tết đến mình lại thèm chả nem, gà luộc, canh miến nấu măng,... những món ăn cổ truyền quen thuộc trên mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội. Nhưng ở nơi xứ người xa lạ, mong muốn nếm lại mùi vị Tết quê hương lại trở nên xa xỉ vô cùng. Mình nhớ mãi câu chuyện ngày còn đi du học, một người bạn đã mời mình sang ăn tối trong dịp Tết Nguyên đán.
Khi bạn bè đã ngồi đông đủ tại bàn và đồ ăn được dọn lên, mình đã "đứng hình" rất lâu khi nhìn thấy canh bóng thả, chả nem, gà luộc, súp lơ xào,... Một mâm cỗ Tết Việt được bày biện trước mắt mình giữa trời Tây xa xôi. Bữa tối hôm ấy có thể không phải bữa ăn ngon nhất trên đời, nhưng là bữa tối mình sẽ nhớ mãi.
Vì chính mâm cỗ Tết Việt quen thuộc ấy như một cái ôm ấm áp của quê hương dành cho người con xa nhà, nhắc nhở rằng nguồn cội và truyền thống sẽ luôn đồng hành, là một phần không thể thiếu trong mình dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Và đến hôm nay, mình vô cùng biết ơn những trải nghiệm trong quá khứ, biết ơn những thời khắc đón Tết xa nhà,... đã truyền lửa để mình theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, góp phần sức nhỏ bé để bảo tồn, phát triển những nét văn hóa Việt Nam đặc trưng lan tỏa đến cộng đồng trong và ngoài nước".
Chị Nguyễn Hoàng Anh (áo đỏ) luôn nhớ về những thanh âm đặc trưng của mùa Tết cổ truyền |
Không giống như nghệ nhân Lê Đình Nghiên, KTS Nguyễn Nga hay anh Nguyễn Đức Huy có "Tết Hà Nội" trong tim, chị Nguyễn Hoàng Anh lớn lên tại một miền quê vùng ven Hà Nội. Tết Nguyên đán trong ký ức thơ ấu của Hoàng Anh là thanh âm vui tươi, náo nhiệt cả một vùng quê của những phiên chợ Tết, tiếng quang quác của bầy gà no nê lên chuồng và vô vàn những thanh âm xôn xao nhỏ bé báo hiệu mùa Tết về.
"Gia đình mình nhiều năm qua luôn giữ truyền thống nấu bánh chưng mỗi dịp cận Tết", chị Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ "Chắc ai cũng hiểu cảm giác "tíu tít, xí xớn" chạy loanh quanh của những đứa trẻ khi thấy cả gia đình mình vui vẻ tất bật chuẩn bị các nguyên liệu, vật dụng cần thiết.
Và rồi khi tất cả cùng quây quần canh lửa bánh chưng, người lớn thì uống trà, nói chuyện còn đám trẻ con như mình sẽ chơi ô ăn quan, đánh chuyền,... trong tiếng tí tách của củi khô nơi lò lửa. Nếu đêm 30 có tiếng pháo nổ giòn giã đinh tai khắp nơi thì sáng mùng 1 lại là thời điểm đặc biệt khi mình luôn chờ đợi để được nghe những tiếng chim ríu rít đầu tiên trong năm mới... Tết đối với mình là những bản hòa ca của đất trời và con người cùng mừng vui đón năm mới, là điệu nhạc hợp thành của hàng nghìn âm thanh từ nhỏ bé đến rền vang. Tất cả đều báo hiệu sự hạnh phúc, đoàn viên và an lạc mà mùa Xuân dành cho mọi nhà".
Các vị khách mời tham gia buổi tọa đàm "Câu chuyện Hàng Trống Xưa và Nay" |
Từ câu chuyện của những người làm nghệ thuật về dịp Tết Nguyên đán, "Tết Xưa - Tết Nay" hiện ra trong hồi ức và ấn tượng mỗi người lại đẹp và nên thơ theo một cách rất riêng.
Hương - sắc - âm - vị Tết Việt hiện ra đầy đủ qua từng lời chia sẻ gần gũi, thân tình, tuy khác biệt nhưng bốn yếu tố lại luôn đan xen, hòa quyện để tạo nên một mùa Tết cổ truyền trọn vẹn.
Giới trẻ ngày nay đang mạnh dạn tiếp cận với văn hóa truyền thống hơn. Các bạn đã chủ động kết nối với những nghệ nhân kỳ cựu như ông Lê Đình Nghiên bất chấp khoảng cách thế hệ, mong muốn học hỏi trực tiếp về nghệ thuật truyền thống.
Ông Lê Đình Nghiên bày tỏ sự vui mừng và trân trọng với những bạn trẻ dành sự quan tâm đặc biệt đến nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống mà ông đã miệt mài giữ gìn.
Ông cho biết: "Việc động viên, ủng hộ các bạn sinh viên và các nghệ sỹ trẻ yêu nghệ thuật trên con đường học tập là niềm vui của tôi. Công việc hiện tại dù bận rộn đến đâu thì việc chia sẻ những giá trị tốt đẹp của nét đẹp truyền thống đến với thế hệ đi sau cũng là điều hết sức quan trọng. Chính các bạn trẻ trong tương lai sẽ là người viết tiếp câu chuyện về văn hóa Việt Nam. Tôi mong có thể là người trao cho các bạn nền tảng và truyền cho các bạn ngọn lửa đam mê. Rồi mai sau sẽ có người thay tôi tiếp tục gìn giữ và phát triển vẻ đẹp của dòng tranh dân gian Hàng Trống".
Để những nét tinh hoa truyền thống và vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam nói chung được lưu truyền dài lâu, những thế hệ đi trước sẽ là đầu cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, lưu giữ và truyền tải những kinh nghiệm, trải nghiệm quý báu cho thế hệ đi sau. Từ đó, giới trẻ ngày nay sẽ có nền tảng vững chắc để tiếp tục dựng xây, kiến tạo dòng chảy văn hóa nghệ thuật truyền thống tiếp tục chảy mãi, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc cho đến muôn đời sau.