Giám sát phải dựa trên tinh thần xây dựng, đúng và trúng nội dung

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh, cần nghiên cứu phân công các Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố cùng tham gia giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm khai thác lợi thế nắm bắt thực tiễn tình hình và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề bức xúc tại địa phương.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã đóng góp nhiều ý kiến tại các cuộc giám sát Giám sát sách giáo khoa phổ thông không làm thay thanh tra, kiểm tra Quốc hội giám sát 14 bộ, 12 địa phương về nguồn lực phòng chống dịch

Chỉ rõ địa điểm, trách nhiệm giải trình của các tổ chức

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội sáng 27/9, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, giám sát phải dựa trên tinh thần xây dựng, xây là căn bản lâu dài, chống là quyết liệt, triệt để. Hoạt động giám sát phải xác định đúng và trúng nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát; Đánh giá công bằng, khách quan; Chỉ rõ địa điểm, trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân; Kiến nghị, đề nghị sửa đổi chính sách pháp luật, đồng thời phải phát huy được những mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng; Thúc đẩy khâu tổ chức thực hiện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại hội nghị

Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, phương thức giám sát của Đoàn được nghiên cứu, kế thừa kinh nghiệm của các đoàn giám sát trước đây, vừa bảo đảm đúng quy định của pháp luật, vừa được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, kế hoạch và các đề cương chi tiết được trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng giữa cơ quan thường trực, các thành viên Đoàn Giám sát với các đối tượng chịu sự giám sát, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để đạt hiệu quả giám sát cao nhất, Đoàn Giám sát đặc biệt coi trọng công tác phối hợp, nhất là với các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan ở Trung ương; Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố; Các cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Tại phiên họp chuyên đề cho ý kiến về công tác chuẩn bị các đoàn giám sát trong năm 2023, lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều lần nhấn mạnh về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của các chuyên đề giám sát trong năm 2023, trong đó có chuyên đề về giám sát thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Nhấn mạnh đây là vấn đề khó, nhiều nội dung có tính chất quan trọng, phức tạp và nhạy cảm, tác động lớn tới cử tri và Nhân dân cả nước, để thực hiện thành công các mục tiêu, yêu cầu đề ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng giám sát sẽ phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin, tài liệu đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, đúng thời hạn theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt các nội dung đã thống nhất trong Kế hoạch và các nhiệm vụ phát sinh theo yêu cầu của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hỗ trợ Đoàn Giám sát hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Các đồng chí thành viên Đoàn giám sát nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn, rút kinh nghiệm từ các đoàn giám sát trước thực hiện đúng quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được phân theo kế hoạch.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề

Để phát huy những kết quả đạt được, hạn chế những tồn tại hạn chế trong hoạt động giám sát, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính -Ngân sách Phạm Thúy Chinh đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn các lĩnh vực quan trọng, có ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động quản lý điều hành phát triển kinh tế xã hội; Lĩnh vực có nhiều điểm nghẽn, vướng mắc; Lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tổ chức quản lý điều hành và đòi hỏi cần phải có trách nhiệm giải trình của cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng giám sát để tập trung giám sát mới có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực giám sát.

Giám sát phải dựa trên tinh thần xây dựng, đúng và trúng nội dung
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính -Ngân sách Phạm Thúy Chinh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị nghiên cứu cải thiện phương thức dự báo, lập kế hoạch giám sát trong hoạt động tổng thể của Quốc hội, theo đó cân đối thời gian giám sát hợp lý để Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đủ thời gian, nhân lực thực hiện các kế hoạch chuyên môn được phân công.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cần nghiên cứu phân công các Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố cùng tham gia giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm khai thác lợi thế nắm bắt thực tiễn tình hình và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề bức xúc tại địa phương; Đồng thời tăng cường trách nhiệm trong tái giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết giám sát của các cơ quan này trên địa bàn phụ trách.

Từ thực tiễn tổ chức thực hiện một số cuộc giám sát năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị quan tâm triển khai các giải pháp khai thác tối đa thông tin kết quả công tác của các cơ quan như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương…; thông tin quản lý từ các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và đề xuất huy động nhân sự của các cơ quan chuyên môn này tham gia quá trình giám sát nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị khai thác tối đa kết quả các cuộc giám sát, các báo cáo thẩm tra của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nếu có nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát để góp phần hạn chế hoạt động giám sát trực tiếp không cần thiết; Xây dựng chương trình giám sát tổng thể thật khoa học, đồng bộ để giải quyết triệt để những trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

“Khi tiến hành triển khai Đoàn giám sát, cần khoanh lại các nội dung giám sát bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, qua giám sát phải làm rõ các trách nhiệm giải trình và đề xuất các giải pháp phù hợp để hoàn thiện cơ chế, chính sách, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong thời gian tới”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh.

Ánh Dương
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động