Giảm án tù cho kế toán UBND xã ăn chặn tiền của người nghèo

TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Lã Thị Viễn (nguyên kế toán UBND xã Xuân Nội, Trùng Khánh, Cao Bằng) về tội "Tham ô tài sản".
Nghệ An: Chú rể tá hỏa khi 4,5 cây vàng và 900 phong bì ‘bốc hơi’ Bắc Giang: Đối tượng giết vợ tại tòa lĩnh án tử hình

Phiên tòa được mở theo kháng cáo của bị cáo. Liên quan đến vụ án còn có Bế Văn Quỳnh (sinh năm 1974 nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Nội) nhưng bị cáo này không kháng cáo và không bị kháng nghị.

Trước đó, tháng 1/2022, Toà án Nhân dân tỉnh Cao Bằng đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt cả 2 cùng mức án 5 năm tù về tội danh trên.

Bị cáo tại toà
Bị cáo Viễn tại toà

Theo cáo trạng, tháng 12/2020, Công an tỉnh Cao Bằng nhận được đơn tố cáo của các hộ dân nghèo xã Xuân Nội, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng tố cáo Chủ tịch UBND xã Bế Văn Quỳnh thực hiện dự án hỗ trợ giảm nghèo không đúng quy định.

Theo tố cáo, năm 2018, các hộ dân nghèo trong xã Xuân Nội chỉ được cấp phát cây giống, không được cấp phân bón, không được tập huấn kỹ thuật và không được cấp phát tiền khoanh nuôi bảo vệ rừng năm 2019.

Tiến hành điều tra, cơ quan công an làm rõ từ năm 2016 đến 2019, hai bị cáo đã có nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo (Chương trình 135 của Chính phủ).

Cụ thể, năm 2016, UBND xã Xuân Nội được phê duyệt cấp cho 19 hộ dân, mỗi hộ được 68 con vịt siêu nạc. Nhưng thực tế, mỗi hộ dân chỉ nhận được 50 con vịt siêu nạc. Số vịt không cấp đủ cho 19 hộ dân là 342 con, tương ứng số tiền hơn 6,8 triệu đồng.

Năm 2018, thực hiện dự án cấp cây giống và phân bón cho 177 hộ dân, nhưng Chủ tịch UBND xã Xuân Nội và kế toán xã đã không mua phân bón để cấp cho 35 hộ, tương đương hơn 8,4 triệu đồng.

Ngoài ra, các bị cáo cũng không tổ chức tập huấn kỹ thuật tương ứng với số tiền hơn 3,9 triệu đồng. Hai bị cáo sau đó đã giả mạo chữ ký để quyết toán khống hơn 12 triệu đồng.

Năm 2019, xã vẫn không tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân, lập chứng từ khống để chiếm đoạt tiền dự án giảm nghèo. Tổng số tiền Quỳnh và đồng phạm lập chứng từ khống để ăn chặn tiền của dân nghèo là hơn 12 triệu đồng.

Theo bản án sơ thẩm, tổng số tiền hai bị cáo lập chứng từ khống để chiếm đoạt tiền của dự án năm 2018 và 2019 là hơn 25 triệu đồng.

Ngoài ra, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Nội Bế Văn Quỳnh còn bị cáo buộc chiếm đoạt tiền của dự án năm 2016 là hơn 6,8 triệu đồng.

Bị đưa ra tòa phúc thẩm, cựu kế toán xã Xuân Nội tiếp tục thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân. Trình bày lý do kháng cáo, bị cáo Viễn cho rằng mức án mà bản thân bị cấp sơ thẩm tuyên phạt là quá nghiêm khắc.

Mặt khác, việc cấp tòa sơ thẩm áp dụng mức hình phạt tù đối với bị cáo ngang bằng với nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Nội là chưa cá thể hóa trách nhiệm hình sự và không bảo đảm tính công bằng giữa các bị cáo...

Xem xét kháng cáo của bị cáo Viễn, Hội đồng xét xử phúc thẩm Toà án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội nhận định, tòa cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo và bị cáo cũng đã khắc phục hậu quả. Số tiền bị cáo chiếm đoạt không lớn. Do có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên bị cáo được cấp sơ thẩm xử phạt dưới khung hình phạt là phù hợp.

Tuy nhiên, theo hồ sơ vụ án, bị cáo Viễn chỉ giữ vai trò giúp sức, làm theo sự chỉ đạo của Bế Văn Quỳnh nhưng tòa sơ thẩm xử phạt bị cáo 5 năm tù, tương xứng nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Nội là chưa phù hợp.

Cấp phúc thẩm cho rằng cần phải phân hóa và cá thể hóa vai trò phạm tội của từng người trong vụ án...

Trên cơ sở đó, Toà án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội quyết định chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lã Thị Viễn, đồng thời giảm từ 5 năm tù xuống còn 4 năm tù.

Báo: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động