Giá vàng hôm nay (28/6): Vàng chờ đợi gì ở cuộc họp G20?
Hoạt động kinh doanh 5G của Huawei không bị ảnh hưởng do lệnh trừng phạt của Mỹ Tổng thống Mỹ xem xét áp thuế mới với Trung Quốc sau hội nghị G20 |
Tính đến đầu giờ sáng ngày 28/6 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.413.2 - 1.414,2 USD/oz. Trong phiên, đã có lúc giá vàng giảm còn 1.398,4 USD/oz. Giá vàng tương lai giao dịch ở mức 1.418 USD/oz.
Cũng như phố Wall, thị trường vàng ngóng chờ những thông tin mới nhất về cuộc họp của các lãnh đạo cấp cao trong Hội nghị thượng định G20 cuối tuần này. Giá vàng không tránh khỏi sự điều chỉnh trong ngắn hạn theo nhận định của các chuyên gia thị trường.
Giá vàng có nhiều biến động trong tuần nhưng vẫn trụ vững ở mức cao. Ảnh minh họa |
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.399USD/oz, giá vàng quốc tế đã tăng vọt lên mức 1.439 USD/oz, sau đó điều chỉnh xuống sát mức 1.400USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, sau khi mở cửa ở mức 38,58- 38,77 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC đã tăng vọt lên mức 39,4- 39,9 triệu đồng/lượng, sau đó giảm xuống mức 38,7- 39 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng đã giảm khá mạnh sau khi leo lên đỉnh cao 1.440USD/oz đối với giá vàng quốc tế và 39,9 triệu đồng/lượng đối với giá vàng miếng SJC, là do trong bài phát biểu trước Hội đồng Đối ngoại ở New York, Chủ tịch FED Powell cho rằng FED vẫn đang tiếp tục theo sát tình hình kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Mỹ nói riêng, đồng thời khẳng định FED chưa xác nhận việc cắt giảm lãi suất trong các cuộc họp sắp tới. Đặc biệt, ông Powell cho rằng, FED không hề chịu áp lực chính trị từ Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc cắt giảm lãi suất cơ bản của đồng USD.
Theo khảo sát của CME, hiện chỉ có khoảng 33% khả năng FED sẽ cắt giảm 50 điểm phần trăm lãi suất, giảm từ mức 38%, trong khi có tới 73,9% khả năng FED vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức 2,25- 2,5%.
Ông Georgette Boele, Chuyên gia phân tích của Ngân hàng ABN Amro, cho rằng nếu FED không cắt giảm khoảng 25 điểm phần trăm lãi suất trong cuộc họp tháng 7 tới, và cảnh báo chưa vội cắt giảm lãi suất, thì sẽ là cú sốc đối với giá vàng. “Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn duy trì dự báo giá vàng sẽ ở trên mức 1.400USD/oz vào cuối năm nay. Còn trong ngắn hạn, đà tăng của giá vàng đang phụ thuộc vào căng thẳng Mỹ- Iran, đàm phán Mỹ- Trung bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20”, ông Georgette Boele cho biết.
Tuy nhiên, giá vàng tăng quá nhanh, quá mạnh trong thời gian ngắn đã khiến nhu cầu vàng vật chất giảm mạnh trong thời gian qua, nhất là ở Trung Quốc, Ấn Độ. Theo dự báo của giới chuyên gia, nhu cầu vàng của Ấn Độ– quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, có thể sẽ giảm hơn 10% trong năm 2019. Được biết, năm 2018 Ấn Độ tiêu thụ 760 tấn vàng. Nhu cầu vàng vật chất vốn hậu thuẫn vững chắc cho đà tăng của giá vàng, nên nếu yếu tố này suy giảm, thì đà tăng của giá vàng cũng khó bền vững.
Trong báo cáo chiến lược vừa công bố, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá vàng bình quân ở mức 1.450USD/oz trong 3 tháng tới (từ mức 1.350USD/oz được dự báo trước đây), 1.475USD/oz trong 6 tháng tới và 1.475 USD/oz trong 12 tháng tới.
Nếu 2 nhà lãnh đạo Mỹ- Trung có thể sẽ đạt được thỏa thuận Mỹ tạm ngừng không áp thuế 25% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc để 2 bên tiếp tục đàm phán cuối tuần này, điều này sẽ kéo vàng tụt lùi.
Trong nước, giá vàng thế giới tiếp đà giảm nhẹ. Doji niêm yết giá vàng ở mức 38,600 - 39,050 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng ở chiều mua vào, 200.000 đồng ở chiều bán ra. SJC niêm yết giá vàng ở mức 38,450 - 38,700 triệu đồng/lượng, giảm 350.000 đồng ở cả chiều mua vào, bán ra.