Gần 700 du học sinh “mất tích”, trường đại học Nhật Bản bị điều tra
Trường Đại học tư thục Phúc lợi xã hội Tokyo. Ảnh: Wikimedia Commons.
Trường Đại học tư thục Phúc lợi xã hội Tokyo đang có hơn 8.000 sinh viên theo học, trong đó có 5.133 sinh viên nước ngoài, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Việt Nam và Nepal. Đây không phải là lần đầu tiên trường đại học này có sinh viên nước ngoài “mất tích”, 264 sinh viên đã "biến mất" vào năm 2016. Năm 2017, con số này tăng thêm 493 sinh viên.
Tỷ lệ sinh ở Nhật Bản thường trực ở mức thấp kỷ lục, cùng hiện tượng già hoá dân số khiến các trường đại học luôn trong tình trạng thiếu sinh viên. Để đảm bảo hoạt động, sinh viên nước ngoài được tuyển sinh liên tục.
Hiện tượng già hoá dân số khiến các trường đại học luôn trong tình trạng thiếu sinh viên. Ảnh: Reuters.
Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông Đại học Hokkaido Bunkyo cho biết: “Tôi thấy điều này xảy ra với rất nhiều trường đại học. Có rất ít người trẻ tuổi ở Nhật Bản, trong khi đó số lượng trường đại học thì không giảm. Vì vậy, họ cần tuyển sinh nhiều sinh viên nước ngoài.”. Vấn đề này còn nghiêm trọng hơn đối với các trường đại học nhỏ, ít tiếng tăm hoặc các trường ở tỉnh lẻ, ông Watanabe chia sẻ.
Trường Đại học tư thục Phúc lợi xã hội Tokyo có cơ sở ở Nagoya, Isesaki và thủ đô Tokyo triển khai một chương trình học dành cho sinh viên quốc tế với học phí 708.000 yên (6.362 USD) cho năm đầu tiên, chỉ yêu cầu sinh viên lên lớp 10 giờ một tuần. Điều kiện học tập dễ dàng như vậy thu hút rất nhiều người trẻ tuổi đến từ các nước châu Á khác.
Theo nhà báo Jake Adelstein, họ thậm chí còn bị thu hút hơn bởi tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng ở Nhật Bản, họ ý thức rõ rằng có nhiều công việc có sẵn đang chờ. Để hợp thức hoá việc sang Nhật lao động, việc tìm một trường đại học địa phương với điều kiện nhập học đơn giản rồi “trốn” đi được xem là con đường dễ dàng hơn cả.
Hầu hết các trường ở Nhật đều cho phép sinh viên được làm thêm khoảng 20 giờ một tuần, giúp họ có thêm chi phí cho học tập và sinh hoạt. Nhưng những sinh viên nước ngoài sau đó thường có xu hướng “ham tiền bỏ học”, nhất là khi các trường không thắt chặt kỷ luật. Điều này vô tình làm lợi cho các nhà tuyển dụng của những công ty luôn trong tình trạng thiếu lao động.
Hiện Bộ Giáo dục Nhật Bản từ chối trả lời về quá trình điều tra, cũng như các hình phạt mà ban quản lý trường Đại học tư thục Phúc lợi xã hội Tokyo có thể phải đối mặt.
Các chuyên gia Nhật Bản cho biết, hiện có rất nhiều trường đại học ở Nhật Bản xuất hiện tình trạng sinh viên nước ngoài “biến mất”. Về lâu dài, hiện tượng lợi dụng du học để lao động sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ ngành giáo dục và nền công nghiệp Nhật Bản.