Dùng trí tuệ nhân tạo giám sát lũ quét, sạt lở ở miền Trung?
Thiên tai "cuốn bay" 33.500 tỷ đồng của Việt Nam trong năm 2020 Sử dụng “Bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt sở đất” ứng phó hoàn lưu bão số 13 |
Hội thảo "Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu" do Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 16/1 tại Hội An.
Hội thảo có sự tham gia, chỉ đạo lãnh đạo của các Bộ ngành Trung ương, lãnh đạo Chính quyền, Sở Ban ngành các địa phương khu vực miền Trung; các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phòng chống thiên tai ở Việt Nam.
Hội thảo "Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu" ngày 16/1 tại Hội An |
Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, năm 2020 đã xảy ra 20 trận lũ quét, sạt lở đất diễn ra khắp cả nước làm 131 người chết và mất tích, 89 người bị thương. Trong đợt bão, mưa lũ liên tiếp tháng 10/2020, những tỉnh bị thiệt hại nặng là các tỉnh khu vực miền Trung với 111 người chết, mất tích, cho thấy mức độ dị thường, khó dự báo của loại hình thiên tai này.
Mức độ cảnh báo rủi ro thiên tai được kích hoạt ở cấp cao nhất trong đợt bão lũ năm 2020, hiện trạng của nhiều bản làng sau bão lũ thực sự trở thành nỗi ám ảnh về thiên tai đến thời điểm hiện tại.
Không những miền núi mà vùng ven biển, ven sông cũng xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt là bờ biển Hội An, sạt lở nghiêm trọng xảy ra dọc bờ biển với chiều dài 8 km |
Tại tỉnh Quảng Nam, con số thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tăng dần theo từng năm. Báo cáo mới nhất của UBND tỉnh cho thấy, do nhiều tác động khác nhau, tình hình mưa lũ, sạt lở núi ngày càng diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Năm 2020, sạt lở và lũ quét thực sự trở thành nỗi ám ảnh chưa từng có. Với 5 vụ sạt lở đất được ghi nhận tại các địa bàn Nam Trà My, Phước Sơn, Bắc Trà My làm 30 người chết, 17 người mất tích. Thiệt hại do mưa lũ ước tính hơn 11.000 tỷ đồng.
Sạt lở ở huyện miền núi Phước Sơn, Quảng Nam |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh thông tin, ngân sách địa phương cùng nguồn xã hội hóa đã được huy động hiệu quả để hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lũ, sạt lở... đảm bảo sản xuất, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân bị đói, rét, không có chỗ ở trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Địa phương đang tiếp tục rà soát, chủ động di dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn cao, nhất là khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ vừa qua, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét…
Sạt lở ở Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam |
Tại hội thảo, ông Thanh rất mong những ý kiến phân tích, mổ xẻ để làm rõ vấn đề, cần những giải pháp phù hợp, thích ứng nhất đối với thiên tai và biến đổi khí hậu, công trình xây dựng như giao thông, thủy điện và các công trình phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi.
Ông Thanh cũng nêu vấn đề sắp xếp dân cư khu vực miền núi cần tính toán một cách khoa học, mang tính bền vững, vừa phát huy được công năng tối đa nhất, tăng độ che phủ rừng, làm giàu trữ lượng rừng… Bên cạnh đó, việc cảnh báo, dự báo sớm để giúp công tác phòng chống thiên tai chủ động, giảm thiệt hại.
"Hội thảo lần này đặt ra cho tất cả chúng ta, những người có trách nhiệm, tất cả các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước liên quan và toàn thể cộng đồng tập trung thảo luận để tìm ra nguyên nhân là quan trọng. Tuy nhiên giải pháp thế nào để khắc phục thiệt hại do thiên tai, do biến đổi khí hậu càng ngày càng khốc liệt, càng ngày càng khó lường là quan trọng hơn rất nhiều", ông Lê Trí Thanh cho hay.
Hiện vẫn còn 13 người mất tích trong vụ sạt lở Trà Leng |
Đánh giá nguyên nhân gây sạt lở tại Quảng Nam, TS. Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền trung Tây Nguyên, cho rằng do sự dịch chuyển của khối đá, các mảnh vụn hay đất xuống mái dốc. Sạt lở đất là tổ hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó, các yếu tố độ dốc, địa mạo, lượng mưa, địa chất công trình, thảm phủ thực vật rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng là các yếu tố chính….
Đề xuất giải pháp phòng tránh sạt lở đất, TS. Tuấn cho rằng cần rà soát, đánh giá mức độ an toàn đối với khu vực dân cư đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét (chủ yếu ở các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn và Tây Giang…) trước tình trạng sạt lở diễn ra thường xuyên và có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
Ông Nguyễn Văn Vỹ - Chi cục trưởng Chi cục phòng chống thiên tai Miền trung Tây nguyên, cho biết năm 2020, cả nước hứng chịu 576 trận thiên tai. Lũ lịch sử đã xảy ra trên nhiều sông tại miền Trung. Đặc biệt, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) có nơi ngập sâu từ 5-9 m. Thiên tai đã làm 249 người chết và mất tích, trong đó chủ yếu do sạt lở.
Theo ông Vỹ, để chủ động giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai, các cấp cần hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật phòng chống thiên tai, xây dựng chiến lược, bản đồ cảnh báo phù hợp, thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, kiểm soát việc đầu tư xây dựng công trình gắn với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực các lực lượng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đánh giá về phương pháp cảnh báo lũ quét tại Việt Nam, PGS.TS Lã Văn Chú - Chuyên gia nghiên cứu lũ quét cho hay, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở nước ta hiện chủ yếu dựa trên thống kê, các bản đồ về địa hình… Các bản tin hiện nay chưa được dự báo chính xác, chi tiết về thời gian, địa điểm, cường độ, phạm vi xuất hiện lũ quét, sạt lở đất mà mới dừng lại cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất theo huyện hoặc xã, vùng và mang tính chất định tính nhiều hơn định lượng.
"Có thể áp dụng phương pháp cảnh báo lũ quét thời gian thực áp dụng cho khu vực miền núi các tỉnh miền Trung, đây là phương án khả thi và đã được áp dụng cho các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Công tác cảnh báo sớm là giải pháp phi công trình được xác định là quan trọng nhất, vừa có tính khả thi, vừa có hiệu quả trong điều kiện nước ta…" , PGS.TS. Lã Văn Chú chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp cảnh báo, giảm thiểu lũ quét, sạt lở đất tại miền Trung được các chuyên gia đưa ra như ứng dụng công nghệ ảnh vệ tinh, không ảnh kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc theo dõi, giám sát và phòng chống lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông; cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ quét dựa trên công nghệ IOT và WSN….