Đừng để nhà đầu tư năng lượng sạch "gục ngã" vì thủ tục

Hàng chục nhà đầu tư năng lượng sạch trong cả nước đang chới với, không hiểu vì sao lại có tên trong danh sách Thanh tra Chính phủ điểm tên "thiếu nhiều thủ tục" hoàn chỉnh công tác nghiệm thu và nhiều vấn đề "không tên".
Vẫn còn 22 dự án năng lượng tái tạo chưa nộp hồ sơ đàm phán giá điện Bộ Công thương duyệt giá mua điện của 15 nhà máy năng lượng tái tạo

Không chủ trương - ai dám làm

Một số doanh nghiệp điện mặt trời ở miền Trung đã "ngã ngửa" khi biết thông tin Thanh Tra Chính phủ sẽ thanh tra các dự án điện phát triển trong 10 năm qua (2011 - 2021).

Việc thanh tra sẽ kéo dài trong 85 ngày làm việc, khi cần thiết, có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.

Theo quyết định vừa được Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy ký, đây là các dự án thuộc Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Quyết định này cũng đã được gửi tới UBND các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Phước, Bạc Liêu và Đắk Nông. Đây là các địa phương vừa qua có sự phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà, điện gió...

Đừng để nhà đầu tư năng lượng sạch
Điện mặt trời là nguồn năng lượng sạch cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Mỗi cá nhân, tổ chức đều chịu sự chi phối của pháp Luật. Vì vậy, sự ra đời của các mô hình điện mặt trời áp mái, công trình điện mặt trời trồng trụ không phải tự phát và càng không phải nhà đầu tư hay địa phương nào “to gan” thực hiện nếu không có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền.

Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Khi ấy, Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị được nhiều chuyên gia và các bộ ngành, cơ quan báo chí truyền thông rầm rộ ngợi khen, đánh giá là bước đột phá trong phát triển năng lượng, là chìa khóa cho tư nhân đầu tư vào dự án năng lượng, điện. Và đây là chủ trương hoàn toàn đúng, logic và phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, thế giới tự nhiên.

Đừng bóp nghẹt doanh nghiệp điện sạch

Hẳn chúng ta vẫn không quên ký ức đau thương của thời gian hơn 3 năm bị đại dịch COVID-19 tàn phá. Thời điểm đó, các nhà đầu tư phải xúc tiến “làm ngày không đủ - tranh thủ làm đêm”, khẩn trương, chạy bứt tốc cho kịp đóng điện trước ngyaf 31/12/2020 để được hưởng chính sách ưu đãi từ cơ chế mua - bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đừng để nhà đầu tư năng lượng sạch
“Không ai làm điện gió trong ngách và chẳng ai lắp đặt điện mặt trời ở bóng râm” mà loại hình năng lượng tái tạo chỉ hiệu quả ở những vùng khô cằn, có bức xạ nhiệt cao nhất.

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, chạy nước rút còn không kịp chứ nói gì đến phải cùng lúc đầy đủ hàng trăm thủ tục và có những thứ giấy tờ "từ trên trời rơi xuống".

Dịch ập đến như cơn sóng thần đã cuốn phăng mọi thứ từ mạng sống con người, nền kinh tế sản xuất hàng hóa bị trì trệ đình đốn, việc lưu thông bị ách tắt vì phải thực hiện giãn cách xã hội theo từng cấp độ. Bất chấp dịch, điện sạch vẫn tỏa sáng bởi nguồn nguyên liệu chỉ đơn giản từ nắng - gió.

Sau dịch, tình hình di chuyển của người dân vẫn còn bị kiểm soát chặt để tránh tái bùng phát, kể cả các đoàn công tác của cán bộ vào Nam ra Bắc cũng phải tuân thủ để bảo đảm công tác phòng dịch được hiệu quả. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc kiểm tra, khảo sát thực tế của hàng loạt dự án, trong đó năng lượng tái tạo bị gián đoạn.

Dịch bệnh, thiên tai ập đến là trường hợp bất khả kháng. Không ai muốn nhưng vẫn xảy ra đã khiến mọi việc bị đảo lộn, gây nên những thiệt hại cho nền kinh tế, doanh nghiệp cũng không ngoại lệ.

Hậu dịch là tín hiệu của khủng hoảng kinh tế, ngổn ngang bao thứ phải khắc phục để tái sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân. Doanh nghiệp, nhà đầu tư như người ốm nặng, họ phải vận động để hồi phục và bắt tay vào xây dựng từ bộ máy gần như “tê liệt”.

Do đó, thời điểm này, khi mà mọi khó khăn đều đổ dồn vào doanh nghiệp, thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần có những chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Bảo Vy
Phiên bản di động