Dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp có gì đặc biệt?

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Trung Nam kêu cứu về dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận: EVN nói gì? Nắng nóng gay gắt ở cả nước làm tiêu thụ điện lên cao kỷ lục

Theo Bộ Công thương, ngày 9/4, cơ quan này đã ký quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA).

Ngày 10/4 Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã họp lần thứ nhất, thảo luận và hoàn thiện dự thảo 1 Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế DPPA sau khi nhận được 14 văn bản góp ý từ các thành viên.

Ngay sau đó, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã hoàn thiện dự thảo 2 và đăng công khai trên các trang website, đồng thời gửi lấy ý kiến các bộ, ngành cơ quan liên quan vào ngày 16/4.

Ngày 23/4, Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục họp, thảo luận, rà soát, bổ sung dự thảo 2 Nghị định trên cơ sở ý kiến góp ý của các thành viên. Ngày 24/4, Bộ Công thương đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến với các đơn vị liên quan.

Theo báo cáo, tính đến ngày 25/4, Ban soạn thảo, Tổ biên tập nhận được văn bản góp ý của 30 đơn vị.

Dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp có gì đặc biệt?
Ảnh minh họa.

Trên cơ sở ý kiến góp ý, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã nghiên cứu tiếp thu giải trình Dự thảo 2 Nghị định quy định cơ chế DPPA theo hướng rút gọn, hoàn thiện hồ sơ thẩm định (tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định; dự thảo 3 Nghị định quy định cơ chế DPPA; báo cáo Chính phủ đánh giá tác động của chính sách; Bảng tổng hợp tổng hợp các góp ý, đề xuất sửa đổi, bổ sung và giải trình của Bộ Công thương) gửi Bộ Tư pháp, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 26/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc đồng ý với đề nghị của Bộ Công thương về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế DPPA theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bộ Công thương đã gửi văn bản tới Bộ Tư pháp về việc thẩm định dự thảo Nghị định cơ chế DPPA.

Ngay sau khi có văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Công thương cho biết sẽ triển khai các công tác rà soát, tiếp thu giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ xem xét phê duyệt.

Theo Bộ Công thương, dự thảo Nghị định về cơ chế DPPA tập trung vào 2 chính sách: Mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn qua đường dây truyền tải riêng; mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn qua lưới điện quốc gia.

Cùng với dự thảo Nghị định, Bộ Công thương cũng gửi kèm báo cáo đánh giá tác động về chính sách với những phân tích cụ thể về 2 phương án đối với mỗi chính sách.

Đối với chính sách mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, Bộ Công thương đề xuất lựa chọn phương án 2 vì có nhiều tác động tích cực. Cụ thể, về kinh tế sẽ tạo động lực và khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo; tạo ra cơ hội việc làm mới cho người dân; giảm chi phí vận hành trung gian, tăng tính hiệu quả trong việc sử dụng điện.

Phương án 2 về mặt xã hội – môi trường, sẽ giúp khách hàng chủ động lựa chọn nguồn cung cấp điện; có quyền kiểm soát hơn về nguồn điện và các dịch vụ kèm theo. Khuyến khích sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, góp phần vào mục tiêu giảm lượng khí thải carbon và bảo vệ môi trường, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng gây ô nhiễm. Không có tác động, ảnh hưởng đến hệ thống pháp luật; không phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Đối với chính sách mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, Bộ Công thương đề xuất chọn phương án 2 vì nó phù hợp với sự phát triển tập trung của nguồn điện gió, điện mặt trời; giảm bớt sự phức tạp trong việc quản lý và ít yêu cầu đầu tư hạ tầng.

Cụ thể, về kinh tế của phương án 2 sẽ giúp giảm chi phí điện cho khách hàng sử dụng điện lớn; Tạo thu nhập phụ cho các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo; thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và tạo ra công ăn việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phân phối thu nhập; giảm rủi ro năng lượng do đa dạng nguồn cung và tác động bởi các yếu tố bên ngoài.

Về mặt xã hội – môi trường, theo phân tích của phương án 2, việc phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo có thể tạo ra việc làm mới; giảm ô nhiễm không khí và khí nhà kính; giúp vệ tài nguyên thiên nhiên; giảm khí thải carbon, giảm sự ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

Hậu Lộc
Phiên bản di động