Du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Hấp dẫn nhưng phải ưu tiên đảm bảo an toàn

Hấp dẫn nhưng vẫn phải ưu tiên cho an toàn là hai yếu tố then chốt để kích cầu du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay.
Ngăn chặn “giặc Covid-19” bùng phát cộng đồng dịp 30/4 – 1/5 Tấp nập "lập đỉnh mới", khách "bay" lại lơ là phòng dịch

Nhu cầu du lịch của người dân dịp nghỉ lễ rất lớn

Theo đánh giá của các đơn vị lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội, do kỳ nghỉ dịp lễ 30/4 và 1/5 kéo dài bốn ngày nên xu hướng chung của mọi người là chọn loại hình nghỉ dưỡng và khám phá trải nghiệm theo nhóm nhỏ.

Chị Vũ Thị Hương Lan (ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) cuối tuần vừa qua có lên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm để chọn chương trình du lịch cho 3 gia đình. “Sau khi tham khảo các chương trình, tôi và nhóm 3 gia đình đã quyết định mua combo nghỉ dưỡng tại Ba Vì. Giá cả so với các năm trước không tăng và được ưu đãi thêm nhiều dịch vụ", chị Hương Lan cho biết.

Đối với các doanh nghiệp, sau 3 đợt dịch bùng phát khiến ngành Du lịch kiệt quệ, với tín hiệu ấm dần lên của thị trường, các công ty du lịch phấn khởi chờ đợi sự bùng nổ vào dịp 30/4 và 1/5 sắp tới. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch đã mở lại tất cả tour nội địa, đặc biệt nắm bắt cơ hội kích cầu du lịch dịp nghỉ lễ giỗ Tổ và 30/4 - 1/5.

Theo thông tin từ đại diện Flamingo Redtours, công suất phòng tại hai cơ sở nghỉ dưỡng của Flamingo dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 đã đạt trên 90%; Còn các chương trình tour, khách đặt chỗ gần 70%. Xu hướng năm nay khách đặt tour theo từng gói dịch vụ và đi theo nhóm nhỏ.

Du lịch dịp lễ 30/4-1/5: Hấp dẫn nhưng phải ưu tiên cho an toàn
Nhu cầu du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tăng mạnh

Theo đánh giá của các đơn vị lữ hành, loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển và miền núi tiếp tục sẽ là lựa chọn của nhiều du khách trong dịp hè này. Bên cạnh đó, du khách sẽ lựa chọn khám phá các điểm mới mang tính trải nghiệm theo từng vùng, dựa trên các lợi thế về hạ tầng giao thông, thiên nhiên cảnh quan…

Nắm bắt được nhu cầu du lịch tăng nhanh của người dân, ngoài các doanh nghiệp, tại hầu hết các tỉnh trong cả nước đã nhanh chóng triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa mới, như Ninh Bình có kế hoạch tổ chức “Năm Du lịch quốc gia 2021” với nhiều hoạt động hấp dẫn; các tỉnh, thành như: Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… cũng tung ra chương trình kích cầu, thu hút du khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, thống kê từ các địa phương, trong ba tháng đầu năm, lượng khách du lịch đạt gần 17 triệu lượt. Công suất đặt phòng các cơ sở lưu trú tăng từ 10 lên 60% trong hơn tuần qua. Thống kê từ các đơn vị du lịch và các trang thông tin cho thấy, xu hướng phổ biến là chọn mua combo (vé máy bay và khách sạn) với thời gian đi từ 3 - 5 ngày.

Hấp dẫn nhưng phải ưu tiên đảm bảo an toàn

Mặc dù kích cầu du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 được xem là giải pháp giúp làm ấm thị trường du lịch Việt Nam, giải quyết một phần khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành nhưng an toàn của du khách vẫn phải đặt lên hàng đầu, vẫn phải đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch Covid-19.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, với tình hình các nước xung quanh Việt Nam vẫn đang phải nỗ lực phòng chống dịch Covid-19, Tổng cục Du lịch khuyến cáo các đơn vị du lịch, các điểm du lịch thực hiện nghiêm túc quy định phòng dịch của Bộ Y tế theo thông điệp “5K” gồm: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế. Đặc biệt, trong dịp cao điểm du lịch sắp tới, Tổng cục Du lịch định hướng các địa phương và các đơn vị du lịch không nên quá tập trung khai thác vào một điểm mà giãn lượng khách đến các điểm đến mới, giảm tập trung đông người.

Du lịch trong dịp lễ 30/4-1/5 phải đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19
Du lịch trong dịp lễ 30/4-1/5 phải đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19

Trong năm 2021, thị trường du lịch Việt Nam vẫn tập trung vào khách nội địa và đẩy mạnh liên kết để thu hút khách. Toàn ngành du lịch tăng cường truyền thông với thông điệp “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; Cải thiện chất lượng dịch vụ, xây dựng sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm của các doanh nghiệp du lịch nhằm đảm bảo năng lực cung ứng trong môi trường du lịch mới khi thói quen tiêu dùng, nhu cầu du lịch của du khách có nhiều thay đổi.

Theo chia sẻ của đại diện Hanoitourist, khi bán sản phẩm, các doanh nghiệp lữ hành luôn yêu cầu du khách thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch. Bởi hơn ai hết, qua 3 đợt bùng phát dịch trong cộng đồng, các doanh nghiệp du lịch hiểu hơn ai hết nếu không thực hiện phòng dịch thì thiệt hại đầu tiên sẽ là ngành dịch vụ.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh vẫn còn nhiều người chưa đề cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, coi nhẹ công tác tự phòng dịch… thì việc tuyên truyền cho du khích thực hiện đầy đủ yêu cầu phòng dịch của các doanh nghiệp và các địa phương là cực kỳ quan trọng. Theo đánh giá, mọi tư tưởng, thái độ chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch của cá nhân khi tham gia các hoạt động tập trung đông người, nhất là ở những địa điểm du lịch nổi tiếng đều rất có thể là nguyên nhân dẫn đến những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19.

Việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế tại các địa điểm du lịch càng có ý nghĩa quan trọng khi kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đang đến gần. “An toàn” và “hấp dẫn” là yếu tố then chốt của kích cầu du lịch. Việc cho phép các khu du lịch hoạt động trong “trạng thái bình thường mới” là tạo cơ hội phục hồi lĩnh vực du lịch, dịch vụ và thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng thu nhập cho người dân. Chủ trương này chỉ thực sự có ý nghĩa khi mọi người từ khách du lịch đến người dân bản địa thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động