Ngăn chặn “giặc Covid-19” bùng phát cộng đồng dịp 30/4 – 1/5

Chỉ còn ít ngày nữa là nước ta bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 kéo dài 4 ngày. Nhiều kế hoạch vui chơi, du lịch, tập trung ăn uống của người dân được chuẩn bị từ trước nhưng mối lo về nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 lại hiện hữu khi mà số ca mắc ở các quốc gia láng giềng chưa hạ nhiệt, hơn thế nữa là “bài học” từ Ấn Độ vẫn còn nóng hổi.
Đưa người xuất nhập cảnh trái phép trong khi Covid-19 khó lường: Tội chồng thêm tội Tấp nập "lập đỉnh mới", khách "bay" lại lơ là phòng dịch Cả nước còn hơn 9 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19

Mối nguy từ nhập cảnh trái phép

Trong khi lực lượng chức năng đang nỗ lực dập dịch, ngăn chặn dịch bằng mọi cách, thì nhiều cá nhân, tổ chức vì lợi ích trước mắt mà quên đi mối nguy của quốc gia, dân tộc khi tiếp tay hoặc tổ chức cho nhiều người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Hẳn nhiều người vẫn chưa quên, lịch sử Covid-19 nước ta đã ghi nhận ca bệnh Covid-19 nhập cảnh trái phép qua đường biển vào Phú Quốc rồi về Hải Phòng, TP HCM. May mắn đây là trường hợp mà cơ quan chức năng kịp thời phát hiện. Giả sử, với trường hợp nhập cảnh trái phép không phát hiện được thì có thể thành ca “siêu lây nhiễm” dịch bệnh trong cộng đồng.

Việt Nam đã ghi nhận một số bệnh nhân mắc Covid-19 nhập cảnh trái phép từ Campuchia -quốc gia láng giềng có đường biên rất thuận lợi cho việc xuất – nhập cảnh giữa hai nước.

Thực tế cho thấy, nhiều nước dịch bùng phát là do nới lỏng kiểm soát. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục làm tốt việc quản lý người nhập cảnh. Nếu không quản lý tốt tình trạng này, nước ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng.

Quên khuyến cáo 5K, lơ là phòng dịch, tập trung đông người

Những ngày gần đây người dân thế giới nói chung, người dân Việt Nam nói riêng bàng hoàng về những con số người mắc, người chết do Covid-19 ở quốc gia đông dân Ấn Độ. Hàng trăm nghìn người mắc mới, hàng nghìn người chết do Covid-19 mỗi ngày khiến tình hình dịch bệnh ở quốc gia này ngày càng nguy cấp, nguy cơ vỡ trận báo động hơn lúc nào hết.

Nhiều bài báo trong nước và quốc tế đã phân tích nguyên nhân khiến Ấn Độ lao nhanh đến “bờ vực”. Một trong những nguyên nhân đó chính là tâm lý chủ quan, tự mãn sau khi vượt qua làn sóng Covid-19 đầu tiên đã đẩy đất nước rơi vào thảm họa một cách nhanh chóng.

Trong năm nay, nhiều cuộc tụ tập đông người, bao gồm các lễ hội tôn giáo lớn nhất như Kumbh Mela, vẫn được tổ chức với quy mô đông đảo, ngay cả khi làn sóng lây nhiễm thứ 2 đang có dấu hiệu xấu đi. Tình trạng nhiều người tham dự không đeo khẩu trang và giãn cách xã hội càng khiến nguy cơ lây nhiễm ở những sự kiện như vậy trở nên đáng báo động.

Bài học “vỡ trận” ở Ấn Độ còn đang nóng hổi, trong khi đến chiều 25/4, mặc dù không có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng nhưng nước ta vẫn có thêm 10 ca mắc Covid-19 (đều là người nhập cảnh đã cách ly), hiện cả nước có 2.843 bệnh nhân Covid-19.

Chính việc gần 1 tháng qua không có ca lây nhiễm trong cộng đồng nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch.

Con số minh chứng cho điều này đã được Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài chỉ ra trong thống kê ngày 21/4 có đến hàng nghìn khách đến sân bay “quên khai báo y tế” trước đó và con số này chỉ giảm xuống còn khoảng 400 khách khi lực lượng chức năng nỗ lực yêu cầu, hướng dẫn làm thủ tục khai báo.

Dạo một vòng quanh các tuyến phố cổ ở Hà Nội, khu vực Hồ Hoàn Kiếm… chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn… trong khi yêu cầu về phòng dịch vẫn còn nguyên giá trị.

Nói vậy để thấy rằng, nguy cơ dịch bệnh dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 không phải là không có cơ sở, khi thời gian này người dân có xu hướng đi du lịch nhiều.

Ngăn chặn “giặc Covid-19” bùng phát cộng đồng dịp 30/4 – 1/5
Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2021, người dân được nghỉ 4 ngày (ảnh IT)

Có thể nói, hậu quả của các làn sóng Covid-19 trước đã ảnh hưởng nặng nề về mọi mặt lên nền kinh tế nước ta, việc mở cửa để phát triển du lịch, kinh tế thực sự cần thiết, nhưng phòng dịch Covid-19 thì tuyệt đối không được lơ là. Chính quyền, người dân địa phương nơi có các điểm du lịch phải đẩy mạnh phòng dịch là một nhẽ, du khách cũng cần phải nêu cao ý thức phòng dịch, tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân để kỳ nghỉ thực sự vui vẻ, ý nghĩa.

Pháp luật nghiêm minh với hành vi làm lây lan dịch bệnh

Dù vô tình hay cố ý thì hành vi làm lây lan dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 có thể khiến người thực hiện hành vi bị phạt tù đến 12 năm và phạt tiền đến 100 triệu đồng theo Điều 240 “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” (Bộ luật Hình sự năm 2015). Thiết nghĩ, bản án lớn nhất đối với người thực hiện hành vi này đó chính là phải trả giá bằng chính mạng sống của họ và người thân, hơn thế nữa là sự lên án mạnh mẽ của xã hội.

Ngăn chặn “giặc Covid-19” bùng phát cộng đồng dịp 30/4 – 1/5
Bộ Y tế khuyến cáo phòng dịch Covid-19
Hoa Thành
Phiên bản di động