Động lực mới để phát triển công nghiệp văn hóa từ di sản bên bờ sông Hồng
Hà Nội tích cực chuyển đổi số để phát triển công nghiệp văn hoá Phát triển công nghiệp văn hóa từ sản phẩm thủ công 27,86 triệu lượt khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 |
Di sản văn hóa ngàn năm bên dòng sông Mẹ
Hà Nội là TP gắn liền với những dòng sông, trong đó sông Hồng là con sông lớn nhất. Sông có chiều dài gần 1.200km, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đoạn chảy qua Việt Nam dài khoảng 556km và đoạn chảy qua Hà Nội dài khoảng 120km (bắt đầu từ xã Phong Vân, huyện Ba Vì, kết thúc ở xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên).
Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), trong suốt quá trình lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, dòng sông Hồng luôn là nơi quy tụ mọi nguồn lực, là đặc trưng nhất cho văn hóa ở thời đại quốc gia Đại Việt mà trung tâm là văn hóa Thăng Long.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội xem sa bàn điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 |
Sông Hồng là là trung tâm của mọi hoạt động mưu sinh, mọi sáng tạo văn hóa của người Hà Nội. Từ quy hoạch đô thị cho đến kiến trúc phường phố, chợ búa, bến cảng Kẻ Chợ, các làng nghề, phố nghề, các lễ hội, tín ngưỡng, tập quán, từ các trò chơi dân gian đến các hoạt động cung đình, các kỳ công chống ngoại xâm ở Đông Bộ Đầu, ở Chương Dương, Tây Kết, Hàm Tử… tất cả đều có hình bóng hay sự hóa thân của dòng sông Mẹ - sông Hồng.
Làng gốm cổ Bát Tràng nằm bên sông Hồng |
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, đó là nét đặc trưng và bản sắc nhất của văn hóa đô thị Thăng Long - Hà Nội cổ truyền. Dọc 2 bên sông Hồng là những di sản văn hóa lâu đời được kết tinh từ ngàn năm lịch sử. Điển hình như làng gốm cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm), những làng nghề, những di tích, danh lam, thắng cảnh…ở Tây Hồ, Ba Vì…
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm 5 không gian phát triển. Đó là không gian trên cao, không gian công cộng, Không gian văn hóa - sáng tạo, không gian số, không gian ngầm.
Quy hoạch cũng xác định 5 trục động lực là các trục Sông Hồng, Hồ Tây - Cổ Loa, Hồ Tây - Ba Vì, Nhật Tân - Nội Bài và trục liên kết phía Nam, trong đó trục Sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo.
Quy hoạch nhấn mạnh vai trò của sông Hồng, trục Sông Hồng là trục kinh tế thương mại dịch vụ, du lịch văn hóa, là trục trung tâm nằm giữa đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng. Hai bên bờ sông, xây dựng con đường di sản tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc; con đường giới thiệu cảnh quan, đất nước con người, hình ảnh đặc trưng của các vùng miền và 63 tỉnh thành, là nơi phát triển các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng; là không gian tái hiện các lễ hội văn hóa truyền thống từ mọi miền đất nước; kết nối với khu vực Hồ Tây và phố cổ hình thành không gian phát triển các hoạt động kinh tế ban đêm.
Trong đó, những định hướng cơ bản cho quy hoạch đô thị sông Hồng cũng được nêu ra như: “Đảm bảo hành lang, tuyến thoát lũ, bền vững đê điều được duyệt; xây dựng hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch và các tiện ích đô thị; cải tạo khu dân cư hiện hữu, đảm bảo chất lượng sống khu dân cư hai bên sông, di dời các khu nhà ở không an toàn và kém chất lượng và bên ngoài hành lang sông; tạo trục không gian văn hóa, cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa; xây dựng các tuyến đường cảnh quan dành cho người đi bộ và xe đạp...”.
Những nghệ nhân làm gốm - tinh hoa của làng gốm Bát Tràng ngàn năm tuổi chính là lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa |
Cơ hội mới, giá trị mới
Cùng với Quy hoạch này, Nghị quyết số 09 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội đã thực sự tạo động lực mới cho các địa phương sở hữu di tích, di sản 2 bên bờ sông Hồng phát triển công nghiệp văn hóa.
Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm chia sẻ, Thủ đô Hà Nội đang tiến hành phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển các không gian sáng tạo. Nguồn tài nguyên phong phú của Hà Nội nói chung và quận Bắc Từ Liêm nói riêng chính là nguồn vốn quan trọng để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.
Trên thực tế, quận Bắc Từ Liêm đã triển khai bằng những chương trình và kế hoạch cụ thể. Tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch văn hóa tâm linh của quận đã và đang phát huy có hiệu quả. Cùng với đó, việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là các hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích đã và đang thu hút sự quan tâm, phối hợp, ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo quần chúng Nhân dân.
Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” được tổ chức tại Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm. |
Nhiều nghề thủ công truyền thống, phong tục tập quán, tri thức dân gian đã được phục hồi và phát huy mạnh mẽ. Các lễ hội truyền thống được khôi phục và trở thành những sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc không thể thiếu, không chỉ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân mà còn có những đóng góp quan trọng trong việc tạo ra những sản phẩm du lịch.
Theo TS Bùi Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Hà Nội học, Trường Đại học Thủ đô, du lịch văn hóa đang được coi mũi nhọn của Hà Nội trong phát triển công nghiệp văn hóa.
Chuyên gia này cho rằng, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sẽ cho phép hình thành tuyến du thuyền khám phá lịch sử và văn hóa cội nguồn từ Phú Thọ (đền Hùng) – Thành cổ Sơn Tây – Hoàng thành Thăng Long – thành Cổ Loa – Bát Tràng – Phố Hiến(Hưng Yên). Đây cũng là trục không gian hành trình di sản sông Hồng, liên kết cùng các điểm di tích liên vùng từ Phú Thọ - Hà Nội - Hưng Yên; từ đó, góp phần phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.