Sự kiện lớn của Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng
Lấy lại sự trong lành cho bầu trời Thủ đô là lời kêu gọi từ trái tim Tiếp tục đồng hành, đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô |
Kể từ khi thành lập đến nay, Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng đã họp 4 phiên.
Trong đó, phiên thứ nhất công bố việc thành lập và thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng điều phối vùng; phiên thứ 2 tập trung góp ý quy hoạch của vùng; phiên thứ 3 triển khai thực hiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phiên thứ 4 triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Hội đồng vùng, tình hình triển khai một số dự án trọng điểm của vùng và góp ý về báo cáo rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù các vùng kinh tế (trong đó có vùng Đồng bằng sông Hồng).
Hội nghị lần thứ 5 là dịp quan trọng để các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng cùng nhau đánh giá lại kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; kết quả thực hiện các nhiệm vụ, đề án đã được giao trong năm 2024; dự kiến kế hoạch hoạt động của Hội đồng vùng năm 2025 và nhìn nhận kịp thời những khó khăn, thách thức, vướng mắc trong thời gian tới, cùng xác định phương hướng, giải pháp khắc phục để tăng tốc, bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 và toàn khóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội. |
Dự kiến, hội nghị sẽ tập trung đánh giá kết quả, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024; đề xuất, hiến kế các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đặc biệt là giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ tăng trưởng "2 con số" trong những năm tới.
Cùng với đó, đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng vùng năm 2024; tình hình thực hiện các nhiệm vụ, đề án của các bộ, ngành, địa phương và thành viên Hội đồng vùng trong phát triển vùng; nhận diện các khó khăn, thách thức khi thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, về thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực,… các vấn đề đặt ra trong công tác điều phối, phối hợp nội vùng, liên vùng và giữa bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, báo cáo tình hình triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, các dự án động lực, các dự án liên vùng kết nối giao thông vùng Đồng bằng sông Hồng; đặc biệt đề xuất các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai các chương trình, dự án trọng điểm.
Cũng tại hội nghị, các cơ quan tổ chức công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 một nhiệm vụ quan trọng đã hoàn thành trong năm 2024 của Hà Nội để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. |
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng phải tăng trưởng 2 con số để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của đất nước như định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm.
"Nếu vùng Đồng bằng sông Hồng không tăng trưởng 2 con số thì vùng nào tăng trưởng được", Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu các đại biểu tập trung bàn các giải pháp để tăng trưởng 2 con số với tinh thần "Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, đã có quy hoạch rồi thì phải làm đúng quy hoạch, đặc biệt là khai thác các không gian mới như không gian vũ trụ, không gian ngầm… để phục vụ phát triển đất nước.
Trước đó, ngày 12/12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1569/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là trung tâm kinh tế tài chính lớn; trung tâm hàng đầu về giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thành phố thanh bình, người dân hạnh phúc.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5 - 9,5%/ năm thời kỳ 2021 - 2030. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2030 gấp 3,4 lần năm 2020; đóng góp 15 - 16% tổng sản phẩm (GDP) của cả nước, khoảng 45-46% GRDP của vùng đồng bằng sông Hồng. GRDP bình quân/người (giá hiện hành) đạt khoảng 13.500-14.000 USD. Về xã hội, quy mô dân số thường trú khoảng 10,5 - 11 triệu người; dân số vãng lai quy đổi khoảng 1,45 triệu người.
Tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến. Người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao. GRDP bình quân đầu người khoảng 45.000 - 46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80-85%.
Về phương án phát triển hệ thống đô thị Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài 12 quận hiện hữu, định hướng đến năm 2030 dự kiến thành lập các quận: Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh và quận/thành phố, đô thị: Đan Phượng, Mê Linh.
Thành phố/ thị xã dự kiến thành lập gồm: Đô thị Sóc Sơn, đô thị Hòa Lạc, đô thị Xuân Mai, đô thị Sơn Tây, đô thị Phú Xuyên. Đô thị dự kiến thành lập, thị trấn gồm: Đô thị Chúc Sơn, đô thị Quốc Oai, đô thị Phúc Thọ, thị trấn Tây Đằng, đô thị Tản Viên Sơn, thị trấn Liên Quan, thị trấn Thường Tín, thị trấn Kim Bài, thị trấn Vân Đình.