Đồng chí Phan Đăng Lưu - Người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí cách mạng

Ở đồng chí Phan Đăng Lưu, sự nghiệp cách mạng luôn gắn bó hữu cơ với sự nghiệp báo chí và văn hóa - văn nghệ. Nếu làm cách mạng giải phóng dân tộc, phục vụ Nhân dân là mục tiêu, lý tưởng cao đẹp thì sử dụng báo chí và văn học đến tầm sâu bản chất nhân văn lại là vũ khí sắc bén, hữu hiệu để thực hiện mục tiêu lý tưởng cao đẹp ấy của ông.
Lãnh đạo TP Hà Nội thăm, chúc Tết Ban liên lạc Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày Phóng viên trẻ xông pha nơi tuyến đầu “chống giặc” Covid-19 Báo chí tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Thức tỉnh nhiều thanh niên, học sinh yêu nước

Xuất thân trong gia đình ở một miền quê giàu truyền thống yêu nước, hiếu học và nhân văn, đồng chí Phan Đăng Lưu sớm bộc lộ phẩm chất của một tài năng về sự nghiệp bút nghiên. Ngay từ thời tuổi trẻ học đường, ông đã sáng tác thơ ca, câu đối đả phá những cảnh chướng tai gai mắt diễn ra trong xã hội đương thời, thông cảm với Nhân dân bị đọa đày đau khổ.

Sự nghiệp báo chí của đồng chí Phan Đăng Lưu thật sự bắt đầu, sôi nổi, phong phú khi tham gia Đảng Tân Việt. Cuối năm 1927, đầu năm 2018, để tuyên truyền tư tưởng cách mạng, Đào Duy Anh và những người lãnh đạo Đảng Tân Việt ở Huế đã thành lập Nhà sách Quan Hải Tùng Thư.

Trong thời gian tham gia Quan Hải tùng thư, Phan Đăng Lưu đã dùng báo chí để tuyên truyền vận động quần chúng. Với kiến thức Hán học và vốn tiếng Pháp tinh tế, đồng chí Phan Đăng Lưu đã dịch và biên soạn nhiều tư liệu quý như “A.B.C Chủ nghĩa Mác”, “Dân chủ mới”; dịch các cuốn “Xã hội luận”, “Lược sử các học thuyết kinh tế”… Các cuốn sách, bài báo của Phan Đăng Lưu, Đào Duy Anh và các tác giả ở Quan Hải Tùng Thư góp phần thức tỉnh nhiều thanh niên, học sinh yêu nước. Từ họ, tư tưởng tiến bộ, cách mạng lan toả, thấm dần vào các tầng lớp Nhân dân.

Tháng 9/1928, trong chuyến sang Trung Quốc lần thứ hai để tìm gặp và liên kết Đảng Tân Việt với Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, đồng chí Phan Đăng Lưu bị bắt ở Hải Phòng, bị đưa về giam ở Nhà lao Vinh và bị kết án 5 năm tù khổ sai, lưu đày ở nhà tù Buôn Ma Thuột.

Phan Đăng Lưu - Người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí và văn học cách mạng

Chân dung nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. (Ảnh tư liệu)

Buôn Ma Thuột hồi đó là một khu tự trị với chính sách hết sức hà khắc của bè lũ thực dân và tay sai. Nhà tù ở đây tuyển lính gác ngục là người Ê Đê vừa không biết tiếng Kinh, vừa bị kích động hằn thù dân tộc giữa Kinh và Thượng. Nhận rõ tình hình, nhiệm vụ lúc đó, đồng chí Phan Đăng Lưu lao vào học tiếng Ê Đê và vận động các bạn tù cùng học. Chỉ sau vài tháng đồng chí đã sử dụng khá thành thạo thứ tiếng này. Để tuyên truyền, giác ngộ lính canh tù, đồng chí lập ra tờ Doãn Đê tù báo (trong tiếng Ê Đê, Doãn là từ chỉ người Kinh, người miền xuôi). Tờ báo bí mật ra hàng tuần, vừa là công cụ giác ngộ binh lính người Ê Đê, vừa là tài liệu tuyên truyền nội bộ.

Các bài viết ngắn gọn, đơn giản, trong đó nói về nỗi nhục mất nước; Về quan hệ gắn bó giữa người Ê Đê và người Kinh cùng chung một nước; Tấm gương tiết liệt, yêu nước của tù nhân cách mạng; Về cách nhìn cảm thông của tù nhân cách mạng với những người Ê Đê bị ép buộc làm những điều mà họ không muốn. Tác dụng của tờ báo lúc đó rất lớn, rất hiệu quả. Mối quan hệ giữa người tù, lính canh được cải thiện rõ rệt.

Vào quãng giữa năm 1932, sau cuộc phá ngục của tù nhân ở nhà tù Kon Tum, thực dân Pháp siết chặt chế độ lao tù đến mức hà khắc. Đồng chí Phan Đăng Lưu chủ trương viết báo bằng cả tiếng Việt, tiếng Pháp, để khi có người được ra tù hoặc qua đường dây bí mật gửi đăng ở các báo, tố cáo chế độ nhà tù, kêu gọi dư luận bên ngoài hỗ trợ cuộc đấu tranh của tù nhân.

Mùa hè năm 1936, đồng chí Phan Đăng Lưu được trả tự do nhưng bị quản thúc ở Huế. Trong những ngày này, đồng chí Phan Đăng Lưu đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vừa xây dựng chỉ đạo các báo chí của Đảng vừa trực tiếp đào tạo, đoàn kết tập hợp lực lượng báo giới, đặc biệt là hướng dẫn, bồi dưỡng, dìu dắt thanh niên tiến bộ, rèn luyện họ trở thành những đảng viên hiểu biết về lý luận.

Quy tụ nhiều tờ báo để đấu tranh cách mạng

Tháng 3/1937, Xứ ủy Trung Kỳ phân công Đăng Lưu tổ chức Đại hội báo chí Trung Kỳ tại Huế để tập hợp những người viết báo tiến bộ, hướng các nhà báo vào những nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa lúc bấy giờ, đồng chí Phan Đăng Lưu đã cùng một số trí thức yêu nước mua lại tờ báo Sông Hương và chuyển thành Sông Hương tục bản.

Phan Đăng Lưu - Người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí và văn học cách mạng

Báo Dân Tiến do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Ảnh tư liệu

Tờ báo do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo nội dung và viết bài các bài xã luận, bình luận, tiểu phẩm. Nội dung trình bày quan diểm của Đảng, phát động quần chúng đấu tranh tuyên truyền cho cuộc vận động Đông Dương Đại hội, giải thích cho dân biết về quyền bầu cử, ứng cử. Báo tỏ rõ tính giai cấp, tính chiến đấu sâu sắc, vạch mặt chỉ tên bọn tay sai bán nước hại dân, dùng các thủ đoạn để lường gạt cử tri. Sông Hương tục bản trên thực tế đã trở thành cơ quan ngôn luận của Xứ uỷ Trung Kỳ. Sau gần 4 tháng phục vụ nhiệm vụ chính trị, ra được 14 số, đến 14 /10/1937, Sông Hương tục bản tự đóng cửa.

Sang năm 1938, Báo Dân - cơ quan những người cấp tiến Xứ uỷ Trung Kỳ ra đời do đồng chí Phan Đăng Lưu phụ trách, thể hiện nhiệm vụ tập trung tuyên truyền cách mạng. Báo Dân kết hợp chặt chẽ với các đại biểu tiến bộ trong Viện Dân biểu và phong trào cách mạng của quần chúng, tạo nên sức mạnh to lớn chống sưu cao thuế nặng, chống áp bức bất công, đòi tự do ngôn luận, đặc biệt là đánh bại dự án thuế thân, thuế điền thổ của Toà khâm sứ Trung Kỳ. Báo Dân ra được 17 số (từ tháng 7 đến tháng 10/1938) thì đóng cửa do kẻ địch biết đó là sự thay đổi tên gọi của Sông Hương tục bản và do Phan Đăng Lưu phụ trách.

Sau đó, cơ quan Xứ uỷ và đồng chí Phan Đăng Lưu cho ra tờ báo Dân Tiến, do đồng chí trực tiếp phụ trách, báo được biên tập ở Huế, in ấn ở Sài Gòn, phát hành ở Nam Kỳ. Ra được 5 số, Dân Tiến bị nhà cầm quyền đóng cửa. Không chịu khuất phục, đồng chí Phan Đăng Lưu cho ra tiếp tờ báo Dân Muốn, biên tập ở Huế, in và phát hành ở Sài Gòn.

Đồng chí Phan Đăng Lưu còn trực tiếp chỉ đạo nhà xuất bản Tư tưởng, có trụ sở đóng ở Đà Nẵng, cộng tác với "Quan Hải tùng thư" xuất bản những sách phổ thông về lịch sử dân tộc, về chủ nghĩa Mác - Lênin. Xuất phát từ quan niệm “không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”, đồng chí không ngừng trau dồi thêm các kiến thức thức của mình về khoa học xã hội, chính trị, triết học

Trong trang sử vàng của cách mạng Việt Nam, của báo chí cách mạng Việt Nam, đồng chí Phan Đăng Lưu có một vị trí xứng đáng, trân trọng. Đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta, Nhân dân ta, một nhà báo cách mạng ưu tú, hết sức tiêu biểu thập niên ba mươi của thế kỷ hai mươi.

Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902 ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành ), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Đồng chí là Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (từ 1936), Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ (3/1937), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1937), Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1938 - 1940). Đồng chí hy sinh vào năm 1941.
Lan Chi tổng hợp
Phiên bản di động