Doanh nhân Cao Tiến Đoan: Cần có “cuộc cách mạng” cải cách hành chính
Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức Nghị quyết 41-NQ/TW: Nức lòng giới doanh nhân Khoảng 1.000 dự án bất động sản đang mắc kẹt vì vướng pháp lý |
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ
Trong bối cảnh khó khăn, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các giải pháp đã được tích cực thực hiện như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; Triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; Miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; Nâng thời hạn visa điện tử cho khách du lịch; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; Công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, thiết thực.
“Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Bộ, ngành khi đã quyết liệt vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này khẳng định chủ trương nhất quán của Chính phủ là phải đồng hành với doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, thách thức với tinh thần đồng hành thật, làm đến nơi đến chốn”, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bất động sản Đông Á chia sẻ.
Theo ông Cao Tiến Đoan, những chính sách, giải pháp của Chính phủ là rất đúng và trúng; Trợ lực cho cộng đồng doanh nghiệp “hồi sinh” sau đại dịch COVID-19 và “cơn bão” lạm phát toàn cầu trong bối cảnh hiện này.
Doanh nhân Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bất động sản Đông Á. |
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng ghi nhận sự quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong công cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi ban hành rất nhiều nghị định, chỉ thị, công điện và liên tục tổ chức các cuộc họp, cuộc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có nhiều chỉ đạo về việc đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, quyết liệt xóa bỏ các rào cản để cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.
“Nhờ các chính sách, giải pháp hiệu quả và sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên. Có những đơn vị thua lỗ, rút lui nhưng cơ bản các doanh nghiệp phát triển được trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả rất đáng trân trọng”, doanh nhân Cao Tiến Đoan nhận định.
Theo ông Đoan, trong bối cảnh khó khăn, dù ngân sách Nhà nước đang rất eo hẹp nhưng Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Những chính sách này đã tiếp thêm nguồn lực cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách để có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế nước nhà phục hồi và phát triển.
Vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”
Ghi nhận những nỗ lực của Trung ương song ông Cao Tiến Đoan cho rằng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Trong khi Chính phủ nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì dưới địa phương vẫn xuất hiện tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám quyết, không dám làm.
Theo ông Đoan, nền kinh tế năm nay đã đi 3/4 chặng đường với nhiều thăng trầm. Trong đó, doanh nghiệp - yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế lại đang trong tình cảnh kinh doanh đầy khắc nghiệt.
“Chưa khi nào, cộng đồng doanh nghiệp phải gồng mình với nhiều thách thức như hiện nay”, ông Đoan nói.
Doanh nhân Cao Tiến Đoan kiến nghị Chính phủ cần có “cuộc cách mạng” về thủ tục hành chính. |
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, có 2 nhóm vấn đề khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong đó, sự chồng chéo trong các quy định của pháp luật, đặc biệt là vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông Đoan cho rằng, thời gian qua, xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức địa phương có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh ngày càng khó khăn hơn. Đây được coi là “cơn bão ngầm trong hành chính”.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nêu lên một nghịch lý là khác với trước đây, các Sở, ngành nỗ lực, cố gắng để được giao nhiều việc, nhưng bây giờ khi được giao việc lại đùn đẩy (càng không giao công việc càng tốt), khiến điều kiện kinh doanh đang có rào cản khó vượt hơn trước… làm trì trệ trong khâu giải quyết thủ tục hành chính, dẫn đến nhiều công trình, dự án bị kéo dài, gây thất thoát, lãng phí cho doanh nghiệp. Điều này khiến doanh nghiệp mất hết cơ hội đầu tư, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người lao động và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ thực trạng trên, doanh nhân Cao Tiến Đoan kiến nghị Chính phủ cần có “cuộc cách mạng” về thủ tục hành chính, bằng cách khuyến khích, bảo vệ cho những cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, đam mê làm việc. Cùng với đó là việc rà soát các cán bộ câu giờ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm để có hành thức xử lý phù hợp.
“Từ Trung ương đến địa phương cần sớm có giải pháp xóa bỏ nỗi sợ trách nhiệm đang lan tràn trong bộ máy công quyền, ban hành quy định bảo vệ, động viên, khích lệ người có tinh thần trách nhiệm, dám xả thân cho công việc. Đặc biệt là cần rà soát, xem xét không nên bố trí những cán bộ né tránh công việc, đùn đẩy, nhũng nhiễu vào các vị trí đầu mối trong giải quyết công việc”, ông Đoan nói.
Ông Cao Tiến Đoan cũng kiến nghị cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát, loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đặc biệt là tháo gỡ những “điểm nghẽn” và có những giải pháp mang tính đột phá, ban hành những chính sách thực sự phù hợp, hiệu quả, khắc phục tình trạng chậm và kém trong triển khai thực hiện như hiện nay.
Ở góc độ tài chính, để đảm bảo đủ vốn cho doanh nghiệp làm ăn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có tăng cường chỉ đạo giám sát hệ thống ngân hàng thương mại tại địa phương, nới lỏng các điều kiện tín dụng, thực hiện nghiêm việc giãn nợ, giãn thời gian trả lãi.
"Ngân hàng Nhà nước phải có quy định giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các ngân hàng tại địa phương, tránh tình trạng ngân hàng thương mại địa phương đổ thừa trách nhiệm lên hội sở", ông Đoan nói.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa hy vọng, khi các cơ quan quản lý Nhà nước "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", cùng với ý chí bền bỉ, tự tin, vững bước vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp sẽ cùng nhau đóng góp nhiều hơn vào quá trình xây dựng đất nước Việt Nam với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.