Doanh nghiệp "chết yểu", tín dụng ảm đạm cản trở đà phục hồi

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc doanh nghiệp "chết yểu" gia tăng, tín dụng ảm đạm tạo thách thức lớn đà phục hồi tăng trưởng năm 2024.
Thủ tướng “chốt” mục tiêu tăng tín dụng 5-6% ngay quý II/2024 Phó Thống đốc: "Tôi sẵn sàng đề xuất gói tín dụng cao hơn để hỗ trợ doanh nghiệp"

Theo đó, các khó khăn đè nặng doanh nghiệp suốt thời gian qua đã khiến bức tranh phát triển doanh nghiệp trở nên ảm đạm trong quý I/2024, khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp 1,5 lần so với doanh nghiệp đăng kí thành lập mới. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế quý I/2024 đạt 724.507 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, tín dụng cũng có dấu hiệu đông cứng khi tăng trưởng tín dụng quý I/2024 thấp nhất trong 10 năm qua dù lãi suất cho vay đã hạ rất thấp. Nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp chưa tăng mạnh do hiệu suất kinh doanh giảm, doanh nghiệp cắt giảm các khoản vay.

Không chỉ những khó khăn từ môi trường bên ngoài, nội lực của doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa được cải thiện khi quy mô và tuổi thọ cũng doanh nghiệp cũng giảm dần. Năng lực cạnh tranh yếu kém, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và thị trường.

Doanh nghiệp
Ảnh minh họa.

Đây là những vấn đề đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong trung và dài hạn và nó phản ánh sự thiếu hụt các động lực tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, nếu để kéo dài sẽ nguy cơ suy thoái.

Theo nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), tình trạng doanh nghiệp "chết yểu" gia tăng và tín dụng ảm đạm là những vấn đề đáng báo động, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Do đó,cần có những biện pháp mạnh mẽ để kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng đến phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.

Ở góc nhìn khác, tình hình ảm đạm của hoạt động doanh nghiệp lẫn đầu tư tư nhân không những tác động tới khả năng phục hồi tăng trưởng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng các chỉ tiêu vĩ mô về năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Có thể thấy trong vài năm vừa qua, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng giảm. Giai đoạn 3 năm 2021-2023, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,36- 4,69%, thấp hơn mức bình quân của giai đoạn 2016-2020 là 6,26%. Và mức độ chênh lệch giữa năng suất thực tế và mục tiêu ngày càng có khoảng cách lớn.

Có một nghịch lý là trong khi cần để san sẻ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thì các ngân hàng vẫn duy trì mức sinh lời cao từ hoạt động cho vay. Khi COVID-19 ập đến vào đầu 2020, gần như ngay lập tức chinh sách tiền tệ được nới lỏng bằng định hướng hạ lãi suất nhằm hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên các ngân hàng lại giảm lãi suất huy động nhanh hơn so với lãi suất cho vay khiến cho NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) tăng.

Nhìn lại những năm đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, tuy nhiên, biên lãi thuần (NIM – thước đo mức sinh lời của hoạt động cho vay) của các ngân hàng cổ phần tư nhân lại cho thấy một bức tranh khác biệt. Thay vì giảm, NIM của các ngân hàng này lại tăng. Thậm chí 2 năm sau COVID-19, NIM của các ngân hàng này vẫn còn cao hơn so với trước đại dịch.

Một lý do mà các ngân hàng đưa ra để giải thích là các hợp đồng cho vay thường có kỳ hạn dài hơn hợp đồng tiền gửi tiết kiệm nên biến động lãi suất sẽ có ảnh hưởng chậm hơn tới lãi suất cho vay. Xét về bản chất kỳ hạn thì điều này đúng. Tuy nhiên đến giờ thì đã là 4 năm kể từ khi lãi suất được định hướng giảm, thì có lý do gì mà lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng với mức giảm lãi suất huy động, rất cần có sự mổ xẻ sâu hơn.

Hậu Lộc
Phiên bản di động