Điều gì khiến một ngôi trường trở thành “Trường học hạnh phúc”?

“Trong Trường học hạnh phúc, học sinh không chỉ được dạy dỗ để có khối óc thông tuệ mà còn để có một trái tim ấm áp”. Đó là chia sẻ từ cô giáo Hoàng Thị Lan Hương, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Chu Trinh.
Thắp sáng ngọn lửa giáo dục của Thủ đô Để mỗi trường học là một mái nhà hạnh phúc...

“Yêu thương - An toàn - Tôn trọng”

Thực hiện kế hoạch số 224/KH-UBND ngày 8/8/2022 của UBND quận Ba Đình về thí điểm triển khai Dự án “Trường học hạnh phúc” giai đoạn 2018 - 2025, trường Tiểu học Phan Chu Trinh đã tham gia Thí điểm triển khai Dự án “Trường học hạnh phúc” (THHP) từ tháng 8/2022.

Khi đến với trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Ba Đình) vào mỗi buổi sáng trước giờ vào lớp, ai cũng có thể bắt gặp hình ảnh học sinh toàn trường tập thể dục để chào ngày mới. Đồng thời, học sinh sẽ được cô giáo chào đón bằng những hành động yêu thương như: một cái ôm, bắt tay, nhảy múa cùng nhau… Cuối giờ, cô trò cùng tạm biệt nhau bằng cái vẫy tay tình cảm, giáo viên đón và tạm biệt học sinh ngay tại lớp mình. Việc làm này được diễn ra tất cả các ngày trong năm học, giúp phá vỡ khoảng cách của cô trò.

Điều gì khiến một ngôi trường trở thành “trường học hạnh phúc”?
Học sinh trường Tiểu học Phan Chu Trinh chào ngày mới bằng bài tập thể dục kết hợp với âm nhạc

Trao đổi với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, cô Hoàng Thị Lan Hương – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: “Những màn chào hỏi tươi vui vào mỗi buổi sáng mà chúng tôi thực hiện đã nhận lại được sự tương tác tích cực của học sinh toàn trường, khiến cho trẻ hào hứng với học tập hơn rất nhiều. Tôi nghĩ, trường học hạnh phúc không phải là điều gì quá to tát mà nó nằm ở những điều đơn giản xoay quanh cuộc sống hằng ngày".

Điều gì khiến một ngôi trường trở thành “trường học hạnh phúc”?
Cô Hoàng Thị Lan Hương - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Chu Trinh

Theo chia sẻ của cô Hương, để làm tốt những điều trên, ngay khi bắt tay vào triển khai Dự án “Trường học hạnh phúc”, trường Tiểu học Phan Chu Trinh đã xác định rõ mục tiêu cho mô hình này, cụ thể:

Thứ nhất, giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cần có nhận thức đúng đắn: Thế nào là “Trường học hạnh phúc”? Từ nhận thức, tư duy đúng đắn sẽ dẫn tới hành động chuẩn mực. Đây được coi là việc làm cần thiết, là bản lề và quan trọng nhất.

Vì vậy, nhà trường luôn chú trọng đến 3 yếu tố cốt lõi, bao gồm: Yêu thương - An toàn - Tôn trọng.

Để từng bước đi vào cụ thể triển khai thí điểm dự án, thầy và trò trường Tiểu học Phan Chu Trinh đã tạo dựng một môi trường học đường thân thiện, gần gũi; các lớp học, khu vệ sinh được trang trí và đảm bảo giữ gìn vệ sinh sạch đẹp; nhà trường cũng tăng thêm cây xanh, giữ gìn khuôn viên nơi học sinh vui chơi luôn sạch đẹp, an toàn.

Điều gì khiến một ngôi trường trở thành “Trường học Hạnh phúc”?
Học sinh nhà trường hào hứng tham gia chuyến dã ngoại theo mô hình "Trường học Hạnh phúc"

Kết hợp với đó, nhà trường xây dựng quy tắc ứng xử, tổ chức tốt các chuyên đề về thực hành quy tắc ứng xử, nâng cao năng lực ứng xử, đạo đức nhà giáo để 100% học sinh đều nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên và hỗ trợ từ phía thầy cô.

Nhà trường cũng đồng thời tổ chức thực hiện lớp học đảm bảo an toàn, không có tai nạn thương tích, nói không với bạo lực học đường. Giáo viên áp dụng tốt phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tích cực để tạo hứng thú, phù hợp theo tiêu chí giáo dục lấy học sinh làm trung tâm.

Có thể khẳng định, trong mọi hoạt động giáo dục, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đều thực hiện phương châm mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, chú trọng phương pháp giáo dục học sinh bằng hình thức nêu gương.

Ngoài ra, trường Tiểu học Phan Chu Trinh còn đẩy mạnh thực hiện tốt công tác động viên, giúp đỡ, chia sẻ, tạo cơ hội để giáo viên và học sinh đều được phát triển tối đa năng lực của bản thân, không ai bị lãng quên và bị bỏ lại phía sau.

Điều gì khiến một ngôi trường trở thành “Trường học Hạnh phúc”?
Phụ huynh trường Tiểu học Phan Chu Trinh đang tìm thư để đọc các dòng tâm sự của con.

Thứ hai, nhằm hướng đến yếu tố đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, nhà trường xây dựng mô hình an toàn giao thông (ATGT) cổng trường góp phần đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự ATGT trong lứa tuổi học sinh.

Điều này được thể hiện ở những việc làm cần thiết như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho học sinh và thầy cô giáo; hàng ngày ban giám hiệu trực tiếp tham gia trực cùng đội cờ đỏ, phân công cụ thể, có đánh giá hàng tuần. Kết quả, nề nếp ATGT của trường đi vào quy củ, không còn ách tắc.

Nhà trường xác định, an toàn trường học là nơi mà cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được làm việc, học tập và vui chơi an toàn, yên tâm không có tai nạn, thương tích, đánh nhau hoặc trộm cắp. Lớp học, cảnh quan khuôn viên nhà trường từ cổng trường, tường rào, bàn ghế, quạt trần bóng tuýt, cơ sở vật chất được kiểm tra thường xuyên. Các cây xanh được cắt tỉa, làm trụ chống an toàn. An toàn phòng chống cháy nổ được tổ chức tập huấn cho nhân viên bảo vệ, nhân viên bếp ăn thường xuyên...

Điều gì khiến một ngôi trường trở thành “Trường học Hạnh phúc”?
Tiết học được diễn ra với sự vui vẻ, mang lại hiệu quả cao trong công tác dạy và học

Thứ ba, yếu tố “tôn trọng” được thầy và trò trường Tiểu học Phan Chu Trinh thể hiện qua các mối quan hệ sau:

+ Quan hệ giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp

+ Quan hệ giữa học sinh với học sinh

+ Quan hệ giữa giáo viên với học sinh

+ Quan hệ giữa giáo viên với cha mẹ học sinh

Ban Giám hiệu luôn tạo điều kiện để giáo viên được chủ động, tự giác, có động lực làm việc. Từ đó tạo nguồn động lực to lớn để giáo viên sẽ lan tỏa hạnh phúc bản thân mình tới học sinh, yêu thương giúp đỡ học sinh tốt hơn.

Còn nhiều khó khăn

Điều gì khiến một ngôi trường trở thành “trường học hạnh phúc”?
Học sinh vui vẻ, hạnh phúc, chính là những kết quả rực rỡ thầy và trò trường Tiểu học Phan Chu Trinh thu được từ Dự án "Trường học Hạnh phúc" trong lần triển khai thí điểm giai đoạn 2018 - 2025.

Với mục tiêu: Mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc, trường Tiểu học Phan Chu Trinh luôn đẩy mạnh việc xây dựng môi trường học tập thân thiện, thuận lợi, an toàn cho các em nhỏ, tạo cơ hội cho học sinh toàn trường tham gia các hoạt động thực tế, trải nghiệm, học tập ngoại khóa.

Để làm tốt điều đó, lãnh đạo nhà trường và giáo viên chủ nhiệm (GVCN) ở trường Tiểu học Phan Chu Trinh luôn là người theo sát các em từng ngày, dẫn dắt các thế hệ thầy trò Phan Chu Trinh đi đầu và truyền cảm hứng về THHP.

Điều gì khiến một ngôi trường trở thành “trường học hạnh phúc”?
Cô và trò trường Tiểu học Phan Chu Trinh chụp ảnh kỷ niệm trong hoạt động trải nghiệm thực tế

Có thể nói, tuỳ vào điều kiện của mỗi địa phương lại có những tiêu chí khác nhau về việc xây dựng mô hình trường học hạnh phúc, nhưng một trường học hạnh phúc là khi chúng ta xây dựng đủ 3 tiêu chí quan trọng: Yêu thương - An toàn - Tôn trọng. Với môi trường như vậy, học sinh vừa cảm thấy yên tâm, thoải mái, lại có thể chia sẻ ý kiến, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân mình.

Điều gì khiến một ngôi trường trở thành “trường học hạnh phúc”?
Qua những tiết học trên lớp, học sinh trường Tiểu học Phan Chu Trinh đã trang bị thêm cho bản thân nhiều cách thức khác nhau để bày tỏ lòng biết ơn tới bố mẹ và những người thân yêu.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của lãnh đạo nhà trường, quá trình thí điểm Dự án THHP nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trước tiên, vấn đề cơ sở hạ tầng như diện tích trường nhỏ là khó khăn đầu tiên của thầy và trò nhà trường. Theo đó, trường Tiểu học Phan Chu Trinh chưa đáp ứng được yêu cầu về không gian để học sinh có thể tham gia nhiều trải nghiệm theo yêu cầu mà Dự án THHP đặt ra.

Ví dụ: Khi dạy học sinh bài học về tình yêu thiên nhiên thì không gian của trường lại không đảm bảo để học sinh được hòa mình vào thiên nhiên theo đúng yêu cầu và mục đích của bài học.

Cùng với đó, để thực hiện tốt nhất dự án THHP đòi hỏi nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo khung chương trình quy định cũng là khó khăn trong quá trình nhà trường triển khai thí điểm mô hình này.

Chia sẻ về cách thức nhà trường áp dụng để khắc phục những khó khăn trên, cô Lan Hương cho biết, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên thực hiện theo 2 phương thức: Thứ nhất là lồng ghép tổ chức triển khai các kỹ năng, kiến thức trong việc dạy - học hoặc tổ chức các hoạt động của học sinh. Thứ hai là xây dựng mối quan hệ vững chắc với địa phương để tạo được sự đồng thuận, việc thực hiện dự án cho phù hợp điều kiện thực tế.

Điều gì khiến một ngôi trường trở thành “trường học hạnh phúc”?
Cô Lan Hương nói: "Trong trường học hạnh phúc, học sinh không chỉ được dạy dỗ để có khối óc thông tuệ mà còn được dạy dỗ để có sự thông tuệ của trái tim”.

Được biết, hiện nay trường Tiểu học Phan Chu Trinh đang bước sang giai đoạn 2 của Dự án THHP. Nhà trường tiếp tục thực hiện theo lộ trình hướng dẫn, đồng thời xác định rõ mục tiêu, chiến lược phát triển; đào tạo, nhân rộng nguồn nhân lực; kết nối với các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục để hỗ trợ và tư vấn cho việc triển khai mô hình; đánh giá hiệu quả: thiết lập hệ thống đánh giá để đo lường hiệu quả của mô hình THHP, thu thập phản hồi từ các bên liên quan; điều chỉnh kịp thời chiến lược tối ưu hóa việc xây dựng THHP trong điều kiện mới.

Quỳnh Giang
Tags:
Phiên bản di động