Điểm nghẽn về thể chế cần phải được tháo gỡ đầu tiên
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn |
Theo chương trình kỳ họp thứ 8, dự kiến ngày 4/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Chúng ta phải có các giải pháp quyết liệt hơn
Chia sẻ về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 9 tháng năm 2024, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đánh giá, kinh tế- xã hội của nước ta đã đạt được nhiều kết quả vô cùng ấn tượng.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế đã phục hồi tích cực vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, ước đạt 6,8 - 7 % cả năm. Các tổ chức quốc tế đánh giá rất tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.
Đến thời điểm này, chúng ta đã có 14/15 chỉ tiêu kinh tế- xã hội đề ra đã đạt và vượt mục tiêu, còn chỉ tiêu GDP bình quân đầu người chưa đạt. Nhưng nếu từ nay đến hết năm 2024, GDP bứt tốc được đến con số tăng trưởng 7% thì chúng ta sẽ đạt được chỉ tiêu GDP bình quân đầu người.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội năm 2024 ước vượt chỉ tiêu (chỉ tiêu 4,8 - 5,3%, ước đạt khoảng 5,56%) sau ba năm liên tiếp chúng ta không đạt mục tiêu đối với chỉ tiêu này. Điều đó cho thấy rõ nhất kết quả của tổng thể các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội và sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân trong xã hội.
Đặc biệt, Chính phủ đã có những giải pháp rất quyết liệt từ sớm để chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Các điểm nghẽn về thể chế được quan tâm và tìm cách tháo gỡ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. |
Chính phủ cũng đã thành lập nhiều tổ công tác chỉ đạo, trực tiếp nắm bắt mọi vấn đề trong nhiều lĩnh vực, tổ chức nhiều phiên họp xây dựng pháp luật, kịp thời ban hành, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Nhờ đó, nhiều khó khăn đã được khắc phục kịp thời, nhiều rào cản đã được tháo gỡ và động viên được cao nhất “sức người” cho mọi công việc.
Bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, một trong những khó khăn lớn nhất chính là tác động tiêu cực của thiên tai.
Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề thuộc về biến đổi khí hậu, đặc biệt là bão lũ, hạn hán và những hiện tượng thời tiết cực đoan. Nhiều quốc gia là cường quốc thế giới cũng đang bị chịu ảnh hưởng rất nặng nề của thiên tai. Ở nước ta, tuy công tác dự báo khí hậu thời tiết ngày một hiệu quả hơn nhưng sự tàn phá của thiên tai nặng nề đã tác động rất xấu đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Theo bà Nga, cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua ở miền Bắc nước ta quét qua với thời gian vẻn vẹn chỉ vài tiếng đồng hồ nhưng hậu quả lại quá lớn. Thiệt hại lớn nhất là về sinh mạng con người. Thiệt hại thứ hai là về kinh tế, GDP của nước ta năm 2024 ước bị sụt giảm tới hơn 1%.
"Những nỗ lực về công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội các vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng rất nhiều trước những thiên tai mang tính thảm họa như vậy, sự chống đỡ của con người hết sức khó khăn", bà Nga nhận định.
Bên cạnh đó, những yếu tố bất lợi từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới cũng là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam - một nền kinh tế có độ mở lớn. Mặt khác, những kết quả của chúng ta đã đạt được trong 9 tháng vẫn còn những chỉ tiêu có sự phát triển chưa thực sự bền vững.
"Tất cả những khó khăn đó đòi hỏi năm 2025, chúng ta phải có hệ thống các giải pháp xác thực và quyết liệt hơn nữa để có thể hoàn thành thắng lợi mọi mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.
Tháo gỡ điểm nghẽn của điểm nghẽn là thế chế
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, các giải pháp quan trọng cho kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới đã được xác định khá đầy đủ và thuyết phục trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025 trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 này.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. |
Trong đó, nữ đại biểu cho rằng cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định, tháo gỡ các chồng chéo, bất cập về pháp luật, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó chủ động, tích cực sửa đổi.
"Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Điểm nghẽn về thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Do vậy, nếu vướng mắc ngay ở các quy định pháp luật (do nhiều nguyên nhân như khi ban hành quy định đã chưa bao quát, chưa dự báo được hết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn; có sự chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau; những quy định đã trở nên lỗi thời, không còn phù hợp với sự phát triển nhanh của thực tiễn…) mà không được nhận diện để sửa đổi kịp thời thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, điểm nghẽn về thể chế là điểm nghẽn cần phải được tháo gỡ đầu tiên", bà Nga nói.
Bên cạnh đó, theo bà Nga, cần thúc đẩy cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững. Có thể nói trong các giai đoạn này, chuyển đổi số là chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa bước vào kỷ nguyên mới.
Trong những năm vừa qua, chuyển đổi số đã khiến thế giới có sự thay đổi đáng kinh ngạc trong tất cả mọi lĩnh vực. Nếu chúng ta không đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số chắc chắn sẽ lạc hậu so với sự phát triển công nghệ như vũ bão của thế giới.
"Chuyển đổi số tại Việt Nam bước đầu đã thu được những thành tựu đầy triển vọng. Tuy nhiên, đây vẫn là một lĩnh vực khá mới mẻ và nhiều thách thức đối với Việt Nam. Chúng ta mới chỉ đi những bước đầu tiên và còn tần trung nhiều nguồn lực, sự quan tâm cho công nghệ số trong tương lai", bà Nga nhận định.
Đại biểu Nga cũng cho rằng cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nguồn nhân lực chất lượng cao là cốt lõi để chúng ta nâng cao năng suất lao động.
"Trên thực tế hiện nay, Việt Nam vẫn đang rất khát nhân lực chất lượng cao. Muốn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần chú trọng vào vấn đề đào tạo và thu hút, trong đó khâu thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao rất cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt thỏa đáng", nữ đại biểu chia sẻ.