Điểm lại các vụ án “ăn đất công” bị khởi tố ở Bình Dương
Tặng quà cho công nhân bị tai nạn lao động ở Bình Dương |
Bị khởi tố vì tự phân lô bán nền!
Ngày 24/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý bốn đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng bị khởi tố, gồm: Trần Quốc Luật (sinh năm 1975, hộ khẩu thường trú TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Ngọc Hòa (sinh năm 1981, hộ khẩu thường trú Bình Dương), Nguyễn Văn Thọ (sinh năm 1953, hộ khẩu thường trú TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thị Kim Ngoan (sinh năm 1957, quê Nam Định).
Theo hồ sơ vụ án, năm 2011, Luật thành lập hai công ty có địa chỉ ở phường An Phú, thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Quá trình hoạt động kinh doanh, Luật đã tiến hành nhận chuyển nhượng nhiều thửa đất trên địa bàn phường An Phú và phường Bình Hòa, thị xã Thuận An nhưng không đứng tên mà nhờ người nhà đứng tên giúp.
Sau khi mua đất, dù không được lập phương án đầu tư nhưng Luật vẫn tự ý thực hiện san ủi mặt bằng, làm đường nội bộ và tiến hành phân lô bán nền cho 69 người dân trên năm thửa đất số 1256, 1257, 1258, 1260, 1334 với tổng diện tích hơn 7.000 m2.
Cũng trong năm 2011, Luật, Thọ và Ngoan ký hợp đồng công chứng bán các thửa đất 1256, 1257, 1258 và 1334 cho ông Nguyễn Đình Hào. Sau đó, ông Hào đã làm thủ tục sang tên bốn thửa đất này sang tên mình.
Mặc dù đã bán đất cho ông Hào và biết ông Hào đã làm thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng Luật và các đối tượng vẫn tiếp tục ký các hợp đồng đặt cọc viết tay bán 23 lô đất cho người dân khác để thu lợi bất chính hơn chín tỷ đồng.”
Hàng loạt cán bộ bị khởi tố vì bán, làm sổ đỏ cho đất công
Cũng trong năm 2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công An đã hoàn tất điều tra vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Bình Dương và chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 3 bị can, gồm: Cao Minh Huệ, nguyên Giám đốc Sở Địa chính tỉnh; Đỗ Văn Sâm, nguyên cán bộ Phòng NN-PTNT H.Bến Cát và Phan Văn Trung, nguyên Trưởng phòng NN-PTNT H.Bến Cát.
Theo kết luận điều tra, Công ty chế biến cây công nông nghiệp xuất khẩu (Sobexco) là doanh nghiệp nhà nước có trụ sở tại Huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, được nhà nước giao quản lý 706 ha đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất nên không có quyền chuyển nhượng đất được giao. Tuy nhiên, với sự tiếp tay của các bị can, nguyên là cán bộ của cơ quan chức năng H.Bến Cát và tỉnh Bình Dương, Sobexco đã chuyển nhượng cho nhiều cá nhân sau đó được UBND H.Bến Cát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), gây thiệt hại lớn cho nhà nước.
Cụ thể, trong giai đoạn 2000 - 2001, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sobexco đã có tờ trình và được UBND tỉnh cho phép bán gần 660 ha vườn cao su không tính giá trị đất. Trong đợt 1, Sobexco bán 306,9 ha vườn cây cao su với giá 22 triệu đồng/ha không tính giá trị đất. Theo quy định của luật Đất đai, 40 trường hợp đã mua diện tích nêu trên được cấp giấy tờ với hình thức cho thuê đất. Tuy nhiên Phan Văn Trung, trưởng phòng và Đỗ Văn Sâm, cán bộ phòng NN-PTNT H.Bến Cát đã hướng dẫn Nguyễn Thanh Hải ký 41 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định pháp luật rồi nộp hồ sơ lên Sở Địa chính để xác nhận các hợp đồng trên.
Với vai trò là Giám đốc Sở Địa chính, Cao Minh Huệ biết rõ giá bán gần 307 ha vườn cao su nêu trên không tính giá trị đất và người mua phải thuê đất. Tuy nhiên, thay vì đề nghị UBND tỉnh thực hiện việc cho thuê đất thì ông Huệ có văn bản đề nghị “giao UBND H.Bến Cát xem xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật”, và đưa thêm cụm từ “giá trị đất” vào văn bản để các cơ quan chức năng hiểu rằng Sobexco bán cả cây và đất nên người mua sẽ được cấp sổ đỏ. Trên thực tế, từ năm 2001, cả 41 trường hợp chuyển nhượng trên đã được UBND H.Bến Cát cấp sổ đỏ. Tiếp đó trong đợt 2, Sobexco đã bán 352 ha vườn cao su cho 36 người mua với giá 50 triệu đồng/ha, không tính giá trị đất và tiếp tục được UBND H.Bến Cát cấp sổ đỏ cho 31 trường hợp.
Trong quá trình UBND tỉnh kiểm tra tính hợp pháp 71 sổ đỏ được cấp, bị can Cao Minh Huệ đã ký văn bản gửi các cơ quan chức năng báo cáo trong đó viện dẫn các quy định không đúng thực tế, không đúng quy định pháp luật để chứng minh UBND tỉnh cho chuyển nhượng quyền sử dụng đất cao su. Từ đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng tiến hành bồi thường, hỗ trợ về đất để giải phóng mặt bằng khu liên hợp công nghiệp dịch vụ Tây An (nơi diện tích cao su đã được bán và cấp sổ đỏ).
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ việc Sobexco bán gần 660 ha vườn cao su và được UBND Huyện Bến Cát cấp sổ đỏ trái pháp luật gây thiệt hại số tiền 131,2 tỉ đồng, trong đó chỉ tính riêng tiền có từ nguồn gốc ngân sách nhà nước phải bỏ ra để chi trả bồi thường, hỗ trợ về đất lên tới hơn 128,3 tỉ đồng, còn lại là các khoản khác như tiền thuê đất, giá trị sử dụng đất chưa bồi thường, phí trước bạ...
Bị khởi tố vì bán đất công giá bèo và xác nhận sai nguồn gốc đất
Cũng tại thị xã Bến Cát, đầu năm 2019, Viện KSND tỉnh Bình Dương đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Nguyễn Hồng Khanh, nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát và 6 bị can trong vụ mua bán tài sản đấu giá với giá “cực bèo” tại lô đất “vàng” ở xã An Tây.
Ngày 1/7, VKSND tỉnh Bình Dương cho biết, cơ quan này đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Hồng Khanh (51 tuổi, cựu Bí thư Thị ủy Bến Cát) về tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Cùng bị truy tố về tội danh này còn có 2 cán bộ ngân hàng là Nguyễn Huy Hùng (51 tuổi, nguyên giám đốc BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (49 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp).
Bốn cán bộ khác gồm Lê Hoài Linh (37 tuổi, nguyên giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Bến Cát), Nguyễn Thành Luân (33 tuổi, cán bộ đo vẽ địa chính), Nguyễn Minh Tâm (42 tuổi, nguyên phó chủ tịch UBND xã An Tây) và Đặng Văn Thọ (50 tuổi, nguyên cán bộ địa chính xã An Tây) bị đề nghị truy tố về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Khu đất công hơn 7.500m2 thuộc phường Mỹ Phước và thị xã Bến Cát quản lý bị công ty Thuận Lợi chiếm đoạt vẽ vào dự án Mỹ Phước 4 để phân lô bán nền trái phép. |
Theo cáo trạng của Viện KSND Bình Dương, vào năm 2005 – 2008, bà Hồ Thị Hiệp, Giám đốc công ty TNHH Xuất khẩu Thương mại An Tây (Cty An Tây) vay của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Tây Sài Gòn 72 tỷ đồng. Tài sản thế chấp khi vay gồm 20 ha đất, nhà xưởng, định giá tài sản vào khoảng 80 tỷ. Đến năm 2008, Cty An Tây không có khả năng trả nợ nên phía ngân hàng đưa vào danh mục nợ xấu, sau đó phải bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Thời điểm này, ông Nguyễn Huy Hùng (Giám đốc) và ông Nguyễn Quang Lộc (Phó Trưởng phòng quan hệ khách hàng 1 Chi nhánh BIDV Tây Sài Gòn) đã giao tài sản thế chấp lại cho bà Hồ Thị Hiệp tự bán, người mua là ông Nguyễn Hồng Khanh (nguyên Bí thư Thị xã Bến Cát) và thành viên gia đình.
Khi giao tài sản đảm bảo cho bà Hiệp để bán thì Hùng và Lộc không có văn bản thỏa thuận với bà Hiệp về việc bán tài sản. Bên cạnh đó, Hùng và Lộc thống nhất để bà Hiệp nhận một khoản tiền mặt từ bán tài sản đảm bảo không đưa vào trả nợ cho ngân hàng theo quy định. Hành vi ông Nguyễn Hồng Khanh với Nguyễn Huy Hùng và Nguyễn Quang Lộc đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Theo kết luận định giá toàn bộ diện tích đất thời điểm chuyển nhượng có giá trị gần 46 tỉ đồng. Ngân hàng thu hồi được hơn 10 tỉ đồng và giá trị thiệt hại Ngân hàng trong thu hồi nợ là gần 37 tỷ đồng.
Đối với nhóm cán bộ bị bắt do liên quan đến vụ án cựu Bí thư Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh, cơ quan điều tra từng xác định, thời điểm đang công tác những cán bộ này đã giúp sức cho ông Khanh mua hơn 20 ha đất và tài sản trên đất của Công ty TNHH thương mại và sản xuất gỗ An Tây (thị xã Bến Cát) với giá “cực bèo”. Đồng thời những cán bộ này đã xác nhận sai nguồn gốc đất không đúng nên bị khởi tố và bắt tạm giam.
Cần khởi tố vụ án hơn 7500m2 đất công bị “xẻ thịt”?
Liên quan đến vụ việc Công ty Thuận Lợi và Công ty địa ốc Kim Oanh ngang nhiên phân lô bán nền trên phần diện tích đất công tại dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4, UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn đề nghị chủ đầu tư ngưng tất cả các hoạt động, đồng thời lập biên bản xử lý vi phạm.Theo đó, ngày 25/7/2019, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành văn bản số 3635/UBND-KTN nhằm xử lý những sai phạm liên quan đến việc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (Công ty Thuận Lợi) bán phần “đất công” hơn 7.500m2 tại Khu dân cư Mỹ Phước 4. Cụ thể, tại văn bản 3635/UBND-KTN, UBND tỉnh Bình Dương thống nhất thu hồi văn số 3457/UBND-KTN ngày 16/7/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về việc xử lý kiến nghị liên quan đến giao đất công ích tại Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương tại văn bản số 3657/STNMT-CCQLĐĐ ngày 24/7/2019.
Hiện khu đất công đã bị Công ty Thuận Lợi chiếm đoạt đã làm xong cơ sở hạ tầng và đang bán cho nhiều người dân xây dựng nhà trái phép. |
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Dương cũng giao cho Thị xã Bến Cát tiến hành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật tại dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 do Công ty Thuận Lợi làm chủ đầu tư. Báo cáo kết quả về UBND tỉnh trong tháng 8/2019.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Lê Ngô Trung, Công ty Luật TNHH Vega cho rằng, pháp luật đã quy định việc chủ đầu tư (CĐT) dự án bất động sản muốn đưa sản phẩm ra giao dịch và mua bán thì phải đảm bảo thủ tục về pháp lý trước khi chính thức mở bán theo quy định của Luật Đất đai và Luật Kinh doanh BĐS. Do đó, ngày 5/4/2019 trong buổi làm việc UBND Thị xã Bến Cát, Bình Dương với các cơ quan ban ngành, đã xác định lô đất này vẫn còn là đất công, do đó nếu doanh nghiệp đưa ra mua bán tức là bán cái không phải của mình. Đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”…
Cũng trao đổi về việc Công ty Thuận Lợi ngang nhiên chiếm đất công và phân lô bán nền trái phép, Luật sư Phạm Tấn Thuấn, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Công ty Thuận Lợi đã vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai năm 2013, vi phạm quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất… Theo Khoản 1, Điều 188, Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện: Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại Khoản 1, Điều 168 của Luật Đất đai 2013; Đất không có tranh chấp; Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; Trong thời hạn sử dụng đất.
Ở đây, Công ty Thuận Lợi chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất; Chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính; Chưa lập dự án, chưa có bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/500 được phê duyệt… đã tự ý bán cho khách hàng là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Đất đai 2013. Ngoài ra, theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, hành vi “bán đất công” của Công ty Thuận Lợi có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai theo Điều 228, Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra những người có thẩm quyền ở Công ty Thuận Lợi khi lấy đất công chưa có quyền sử dụng bán cho khách hàng có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Cơ quan chức năng có thẩm quyền cần vào cuộc để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Đồng thời cần điều tra làm rõ các sai phạm của Công ty Thuận Lợi, xử lý theo quy định của pháp luật.