Điểm danh các dự án FDI “khủng” đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm

Trong những tháng đầu năm 2021 đã có nhiều dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) “khủng” tại các địa phương của Việt Nam.
Hơn 12 tỷ USD vốn FDI “rót” vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm Vốn FDI “rót” vào Việt Nam tăng tốc trở lại

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn xuất hiện một số tín hiệu tích cực từ đầu tư nước ngoài khi vốn thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/4/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là hơn 12,25 tỷ USD. Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2021, đã có nhiều dự án FDI “khủng” được đầu tư tại các địa phương của Việt Nam.

Điểm danh các dự án FDI “khủng” đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm
Công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng (Ảnh: https://lgdisplayvh.vn).

Theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm, tỉnh Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3,3 tỷ USD, chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư đăng ký; TP Cần Thơ đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt 1,32 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư; TP HCM đứng thứ ba với 1,14 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư; tiếp theo lần lượt là Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh…

Nếu tính riêng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm thì Long An vẫn đứng thứ nhất với tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 3,3 tỷ USD, chiếm 29% tổng vốn đầu tư; TP Cần Thơ vẫn đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 1,31 tỷ USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm. Trong khi đó, Hải Phòng vẫn đứng thứ ba với tổng số vốn đầu tư là 1,03 tỷ USD chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm; tiếp theo lần lượt là TP HCM, Bắc Giang, Quảng Ninh.

Trong 4 tháng đầu năm 2021 đã có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4.413,8 triệu USD, chiếm 52,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; Nhật Bản 1.796,3 triệu USD, chiếm 21,2%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 774,9 triệu USD, chiếm 9,2%; Trung Quốc 576,2 triệu USD, chiếm 6,8%; Hàn Quốc 248,7 triệu USD, chiếm 2,9%; Hoa Kỳ 148,8 triệu USD, chiếm 1,8%.

Minh chứng cho việc Singapore là quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam là vào ngày 21/3/2021, UBND tỉnh Long An đã trao quyết định chủ trương đầu tư và cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy Điện LNG Long An I&II với tổng mức đầu tư 3,1tỷ USD.

Sau khi thực hiện các bước của dự án, Nhà máy điện Long An I sẽ đi vào vận hành vào tháng 12/2025, nhà máy điện Long An II vận hành vào tháng 12/2026. Cả hai nhà máy dự kiến sẽ đặt ở xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Trong khi đó, Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đăng ký đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cuối năm 2020 và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 22/1/2021.

Dự án Nhiệt điện Ô Môn II có công suất 1.050MW, với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD. Đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại thành phố Cần Thơ. Nhật Bản hiện có bảy dự án vào TP Cần Thơ, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,35 tỷ USD.

Tiếp theo phải kể đến Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) của Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng được bổ sung vốn 750 triệu USD. Lãnh đạo thành phố Hải Phòng vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng thêm vốn cho LG Display Việt Nam Hải Phòng.

Theo đó, với tổng mức đầu tư lên đến 3,25 tỷ USD, đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài cao nhất trên địa bàn thành phố. Dự án đã bắt đầu triển khai và đến tháng 5 sẽ chính thức đi vào sản xuất. LG Display dự kiến tuyển thêm 5.000 lao động, đóng góp khoảng 5 triệu USD vào ngân sách nhà nước mỗi năm. Nhà máy này chuyên sản xuất các sản phẩm màn hình OLED TV, OLED nhựa cho các thiết bị, màn hình LCD…

Ngoài ra, một số dự án lớn trong 4 tháng đầu năm như: Dự án Nhàmáy Fukang Technology (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 293 triệu USD với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang (cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 15/1/2021); Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư đăng ký 498 triệu USD với mục tiêu sản xuất tấm quang năng và sản xuất thiết bị điện khác tại Quảng Ninh (Giấy chứng nhận đầu tư ngày 29/3/2021); Dự án chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 312 triệu USD (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày 06/01/2021).

Theo Tổng cục Thống kê, việc nhiều chuyên gia tin tưởng sự phát triển của chính các nhà đầu tư FDI lớn, công nghệ cao tại Việt Nam sẽ là bước khởi đầu cho một làn sóng đầu tư mới. Việc thu hút thành công các nhà đầu tư lớn cho thấy kết quả nỗ lực của Tổ công tác đặc biệt về thu hút đầu tư nước ngoài, và việc khống chế thành công dịch Covid-19 của Chính phủ.

Đồng thời, tín hiệu trên cũng cho thấy hiệu quả của chính sách ưu đãi đầu tư có trọng điểm chúng ta đưa ra trong thời gian qua và động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 tiếp tục là khu vực chế biến chế tạo và xuất khẩu cùng với đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Những hiệp định mà nước ta vừa ký kết hay bắt đầu có hiệu lực trong năm 2020 sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như đối tác thương mại. Bên cạnh đó, sự mở rộng và đa dạng hóa trong hội nhập cũng khiến Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn nước ngoài, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn.

Văn Huy
Phiên bản di động