Vốn FDI “rót” vào Việt Nam tăng tốc trở lại

Sau giai đoạn chững lại do dịch COVID-19, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng trở lại.
Việt Nam thu hút 5,46 tỷ USD vốn FDI trong 2 tháng đầu năm Vốn ngoại “rót” vào Việt Nam giảm tốc tháng đầu năm mới

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/3/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, vốn đăng ký mới có 234 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 69,1% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt 7,2 tỷ USD (tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2020).

Vốn điều chỉnh, có 161 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 31,8% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 2,1 tỷ USD (tăng 97,4% so với cùng kỳ). Góp vốn, mua cổ phần có 734 lượt (giảm 70,9% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp 805,3 triệu USD (giảm 58,8% so với cùng kỳ).

Vốn FDI “rót” vào Việt Nam tăng tốc trở lại
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực dẫn đầu thu hút đầu tư. Ảnh: Internet

Trong 3 tháng đầu năm 2021, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 3,9 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt 600 triệu USD và trên 167 triệu USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.

Trong thời gian qua đã có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 4,6 tỷ USD, chiếm gần 45,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư (trong đó vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 93,4% và 70,8% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này). Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,2 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Mỹ…

Xét theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 47 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 3 tháng đầu năm. Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,2 tỷ USD, chiếm 32,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Cần Thơ đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ 3 với 946 triệu USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là TP HCM, Bắc giang, Bình Dương…

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt sau tác động của đại dịch COVID-19. Vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Trong 3 tháng đầu năm, sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020 đã ảnh hưởng tới tình hình cấp mới/điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia và tại Việt Nam cũng làm ảnh hưởng tới việc đi lại cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng dự án của các nhà đầu tư.

Vì vậy, số dự án cấp mới, điều chỉnh vốn cũng như góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ, song mức độ giảm đã được cải thiện.

Tính lũy kế đến ngày 20/3/2021, cả nước có 33.294 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 393,3 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 236,96 tỷ USD, bằng gần 60% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Hậu Lộc
Phiên bản di động