Dịch tả lợn châu Phi quét qua 27 tỉnh, gần 400.000 con lợn bị tiêu huỷ
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cho biết, tính đến ngày 18/4, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.152 xã của 24 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, tới thời điểm này, dịch bệnh đã xảy ra tại 27 tỉnh, trong đó các tỉnh mới vừa phát hiện có ổ dịch là Đồng Nai, Bình Phước, Quảng Trị, Yên Bái… Tổng số lợn mắc bệnh bị tiêu hủy lên đến 400.000 con. Hiện mới có 2 tỉnh là Hòa Bình và Bắc Kạn công bố hết dịch.
Việc tiêu hủy lợn nhiễm dịch tại Yên Bái |
Đáng lo ngại là dịch đã tiến vào thủ phủ chăn nuôi lợn của nước ta - tỉnh Đồng Nai - khi tỉnh này phát hiện 2 ổ dịch tại Trảng Bom và Nhơn trạch hôm 8/5.
Dịch tả lợn châu Phi được cảnh báo là không có thuốc chữa, lợn hễ mắc bệnh là chết và khả năng lây lan mạnh. Thế nhưng người chăn nuôi nhỏ lẻ tại các vùng quê vẫn nhầm tưởng rằng “có thể chữa được” hoặc mổ lợn ăn trước khi nó chết vẫn không sao.
Một người dân tại xã Đông Quang (Đông Hưng), Thái Bình kể lại, khi có con lợn đầu tiên trong làng chết do dịch tả, người nuôi lợn trong làng hạ giá lợn xuống còn 20.000 đồng/kg và bán hết những con chưa có biểu hiện bệnh. Làng cô đã có ngày hội “đụng lợn”, cô còn mua thịt cất ngăn đá để đem lên cho con trên Hà Nội.
Tại xã Tân Thịnh, tỉnh Nam định, đàn lợn được xác định nhiễm dịch tả lợn châu Phi được chôn tạm bợ tại bãi rác của xã, không vôi bột khử trùng. Thậm chí người dân còn xẻ thịt lợn chia nhau. Hỏi chính quyền xã thì người đại diện nói xin rút kinh nghiệm lần sau.
Tại Bắc Giang, người dân phát hiện hàng trăm xác lợn chết trôi sông, không được xử lý chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng và làm nguy cơ dịch bệnh lan rộng thêm. Theo thông tin đăng tải trên báo chí, người dân Bắc Giang còn phải viết thư... cầu cứu Chủ tịch UBND tỉnh, vì lợn chết đầy sân không có người đến đưa đi tiêu hủy theo quy định.
Những tảng thịt lợn không đầu, không cuối, không dấu kiểm dịch được bày sơ sài trên bao tải |
Ngay tại Hà Nội, thịt lợn không dấu kiểm dịch vẫn bày bán tràn lan ở ngoài vỉa hè.
Và như báo Dân Việt đưa tin, đến nông dân xuất sắc tỉnh Bắc Ninh ở huyện Thuận Thành vẫn còn tưởng bệnh này... chữa được thì rõ ràng các thông tin về dịch tả lợn châu Phi, về tiêu hủy lợn và phòng chống dịch bệnh lan rộng vẫn chưa đến được với người dân một cách sâu sát, việc thực hiện và giám sát tại các địa phương vẫn chưa nghiêm ngặt. Như thế, dịch tả lợn châu Phi không những không ngăn chặn được mà còn bùng phát mạnh hơn.
Trong tháng 3, cả nước mới chỉ phải tiêu hủy hơn 20.000 con lợn, đến giữa tháng Tư, con số này đã là gần 400.000 con và đến thời điểm hiện tại, dù chưa có thống kê nhưng con số chắn chắn sẽ rất lớn và khủng khiếp hơn nữa.
Quy mô tổng đàn lợn của Việt Nam lên đến 28 triệu con, nếu không chặn được dịch tả lợn châu Phi thì con số thiệt hại về tổng đàn sẽ khó mà đo đếm được.
Tại Trung Quốc, dịch tả lợn châu Phi hoàng hành đã làm nước này mất gần 1/5 tổng đàn tính đến tháng 3/2019 (19%), trong đó số lượng lợn nái giảm 21%.
Đã xuất hiện những ý kiến lo ngại về việc thiếu nguồn cung thịt lợn vào cuối năm khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định với Infonet rằng: Mặc dù đã có vài chục tỉnh phát hiện có dịch tả lợn châu Phi nhưng số lợn bị tiêu hủy so với tổng đàn 28 triệu con thì vẫn còn thấp, chưa ảnh hưởng đến thực phẩm.