Để trẻ hiểu thêm về nét đẹp của ngày Tết cổ truyền
Tết yêu thương đến với học sinh khó khăn huyện Chương Mỹ Không khí xuân ngập tràn trường học |
Ngày hội “Gói bánh chưng xanh - Tết sum vầy”
Mỗi dịp Tết đến xuân về, người Việt Nam, dù có đi đâu, ở đâu trên mọi miền cũng không bao giờ thiếu chiếc bánh chưng xanh trong mâm cỗ Tết cổ truyền.
Bánh chưng là linh hồn Tết Việt, đây là món ăn không chỉ ngon mà còn mang rất nhiều ý nghĩa đậm chất dân tộc.
Vì vậy, nhằm giữ gìn truyền thống Văn hoá của dân tộc, tạo ra một sân chơi lành mạnh và có ý nghĩa giáo dục cho học sinh về phong tục, tập quán, các hoạt động trong ngày Tết Cổ truyền. trường Tiểu học Chu Minh (huyện Ba Vì, Hà Nội) đã kết hợp với phụ huynh học sinh tổ chức buổi hoạt động trải nghiệm cho học sinh với chủ đề "Ngày Tết quê em".
Học sinh hào hứng trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa tại chương trình "Ngày Tết quê em" được tổ chức tại trường Tiểu học Chu Minh (huyện Ba Vì, Hà Nội) |
Trong ngày hội, các bé vừa được cô giáo kể lại sự tích về bánh chưng, vừa được hướng dẫn cách làm bánh…
Cụ thể, dưới sự hướng dẫn của cô giáo, các bạn học sinh của trường đã được tự tay rửa lá, lau lá, đong gạo, đỗ, gói bánh, buộc lạt, ướp thịt… Bằng sự hướng dẫn tỉ mỉ của thầy cô và tinh thần ham học hỏi của các bạn nhỏ, bạn nào cũng gói được một chiếc bánh chưng thật đẹp và vuông vắn.
Cũng trong khuôn khổ của chương trình, các bạn học sinh còn được tham gia nhiều cuộc thi như trang trí gian hàng chợ quê, thi trang phục bảo vệ môi trường, kéo co và các trò chơi dân gian khác…
Dưới sự hỗ trợ của thầy cô giáo, các bạn học sinh đã tự tay làm ra những chiếc bánh chưng vuông vắn và đẹp mắt |
Hoà trong bầu không khí của những ngày cận Tết, trường Mẫu giáo Chim Non (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng đã tổ chức cho 100% trẻ thực hiện trải nghiệm hoạt động gói bánh chưng.
Theo chia sẻ từ phía nhà trường, ngày hội “Gói bánh chưng – gìn giữ nét văn hoá truyền thống cho thế hệ trẻ” là một hoạt động ý nghĩa mà nhà trường thường tổ chức vào những ngày cận tết nhằm tạo cơ hội cho các bé được học hỏi, hiểu biết về phong tục tập quán tết cổ truyền dân tộc.
Cùng sự đồng thuận phối hợp từ phía ban phụ huynh, trường Mẫu giáo Chim Non đã tổ chức thành công ngày hội đặc biệt cho các bạn nhỏ.
Trải nghiệm gói bánh chưng của cô và trò trường Mẫu giáo Chim non |
Những sản phẩm làm ra tuy chưa được hoàn hảo nhưng chứa đựng sự cố gắng rất lớn của học sinh. Kết thúc chương trình, mỗi bạn nhỏ nhận được chiếc bánh chưng có một phần công sức của mình để đem về khoe thành tích với bố mẹ, ông bà và những người thân trong gia đình.
Giáo dục ngày Tết cho trẻ từ sân khấu hoá lớp học
Nhằm mang đến một tiết học với nhiều trải nghiệm về ngày Tết Nguyên Đán cho các bạn học sinh. Vừa qua, cô giáo Đào Hương Giang cùng các bạn học sinh lớp 2A5 trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội) đã tổ chức lớp học dưới hình thức sân khấu hoá.
Trong lớp học, các bạn học sinh đã hoá thân thành các nhân vật trong Táo quân, Ngọc Hoàng đã được Nam Tào và Bắc Đẩu của lớp 2A5 đưa xuống tìm hiểu về tình hình văn hoá, phong tục tập quán, cũng như những điều cần biết và chuẩn bị cho ngày Tết của người dân ba miền: Bắc, Trung, Nam.
Tiết học của lớp 2A5 trở nên sôi động hơn khi có sự xuất hiện của các nhân vật trong Táo quân |
Dưới sự dẫn dắt hồn nhiên, đáng yêu tiết học đã mang đến cho trẻ nhỏ nhiều bài học bổ ích, giúp học sinh hiểu thêm về văn hoá ngày Tết truyền thống của các vùng miên trên lãnh thổ Việt Nam. Qua đó cũng đã phần nào khẳng định về phong cách thuyết trình tự tin, phong thái biểu diễn tốt của học sinh trường Tiểu học Thành Công B.
Theo chia sẻ từ phía nhà trường, để việc “sân khấu hóa lớp học cho học sinh” có hiệu quả thiết thực, nhà trường đã phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên. Các thầy cô đóng vai trò cốt lõi trong xác định mục đích, nội dung và phương pháp đọc hiểu tác phẩm; xác định cách thức sân khấu hóa (kịch, hát, múa); lựa chọn tác phẩm, xác định phân đoạn và nhân vật rồi dự kiến kế hoạch.
Các bạn học sinh cảm thấy bài học dễ hiểu hơn bao giờ hết qua những vở kịch được dàn dựng ấn tượng |
Việc lựa chọn trích đoạn Táo quân để đưa lên sân khấu cần có sự chọn lọc để bảo đảm tính giáo dục, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, nhất là hạn chế những tình huống “nhạy cảm”, những chi tiết có nguy cơ hiểu lệch lạc, hiểu không đúng...
Thực tế cho thấy, phương pháp giáo dục qua hình thức sân khấu hóa cũng đã làm tăng tính đoàn kết và hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong học tập của thầy cô và học sinh. Các em biết tự phân công nhiệm vụ, có trách nhiệm với mỗi phần việc được giao; từ đó hình thành thói quen làm việc theo nhóm.
Phát huy được tính sáng tạo và phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, việc sân khấu hóa trong học tập đang thu được những kết quả tích cực. Nếu được nghiên cứu, nhân rộng, đây sẽ là một trong những phương pháp giảng dạy hiệu quả giúp nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn; đồng thời, góp phần bồi dưỡng nhân cách thế hệ trẻ, hướng các em học sinh đến những giá trị chân - thiện - mỹ.
Các bạn học sinh tăng thêm khả năng tự tin và sáng tạo qua những tiết học dưới hình thức sân khấu hoá |
Đặc biệt, Tết cổ truyền cũng là dịp để các trường trên địa bàn Thủ đô phát huy truyền thống nhân ái cao đẹp “lá lành đùm lá rách”. Vì vậy, trên hành trình ý nghĩa đó, mỗi dịp Tết đến Xuân về, thầy trò nhà trường lại cùng chung tay, góp sức san sẻ yêu thương, chăm lo Tết cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà Tết cho những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, nhưng mang trong mình nghị lực phi thường, phấn đấu trong học tập, rèn luyện.