Đề nghị tạm hoãn xuất cảnh với người bị thanh tra, kiểm tra
Chiều 28/10, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh báo cáo giải trình Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Ông Võ Trọng Việt cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định chi tiết trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh vì lý do quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài bị trao trả về nước.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) |
Giải trình các ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đối với trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghiệp vụ đề nghị giao cho Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ Công an quyết định đối với từng cá nhân cụ thể và không quy định chi tiết trong luật này.
Trường hợp công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài bị trao trả về nước, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tiến hành cấp giấy tờ xuất nhập cảnh để đưa công dân về nước, nên không đưa vào diện chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng- An ninh, một số ý kiến đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về hộ chiếu có gắn chíp điện tử; quy định mỗi một công dân được cấp tối đa bao nhiêu hộ chiếu… Về việc này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trình tự, thủ tục cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử tương tự như trình tự, thủ tục cấp hộ chiếu không gắn chíp điện tử, nên dự thảo Luật quy định chung, đồng thời có một số quy định áp dụng riêng đối với hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Đối với trường hợp hộ chiếu bị mất, hư hỏng, thay đổi thông tin, hết trang đóng dấu phải thực hiện thủ tục cấp mới. “Việc cấp hộ chiếu phải đúng đối tượng và mỗi đối tượng được cấp nhiều nhất mỗi loại một cuốn hộ chiếu; mỗi lần xuất cảnh, nhập cảnh chỉ được sử dụng một loại giấy tờ xuất nhập cảnh còn giá trị sử dụng”, ông Việt nói.
Về các trường hợp tạm hoãn, trên cơ sở ý kiến và căn cứ tình hình thực tiễn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp: “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”, “người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án”, “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế” và “người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Y Nhàn (đoàn Kon Tum) nhấn mạnh: “Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Người mà qua thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm thường sẽ bị xử lý, có thể chuyển sang xử lý hình sự. Tuy nhiên thực tế có trường hợp bỏ trốn gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra cũng như xử lý”.
Đại biểu Y Nhàn cho rằng, Bộ luật Hình sự quy định các mức độ phạm tội từ “ít nghiêm trọng”, “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng” đến “đặc biệt nghiêm trọng” với mức án tương ứng. Để phòng ngừa việc người vi phạm bỏ trốn sau khi thanh tra, kiểm tra cũng như xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn thì cần tạm hoãn xuất cảnh ngay mà không cần đến mức “vi phạm đặc biệt nghiêm trọng” như dự thảo.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) ủng hộ bổ sung các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, vì gần đây có những trường hợp phải ngăn chặn nhưng đã bỏ trốn.
Tuy nhiên, ông Nghĩa nhấn mạnh, việc tạm hoãn xuất nhập cảnh rất nhạy cảm. "Nói là có đủ căn cứ để xác định trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thì căn cứ này do ai xác định, nếu quyết định sai thì sao?", ông Nghĩa nói.
Theo đại biểu Nghĩa, đây thường là quyết định tư pháp hoặc hành chính, vậy nếu quyết định sai thì công dân có quyền khởi kiện. "Phải thiết kế lại các quy định về tố tụng, đặc biệt là về Toà án hành chính để công dân có quyền khởi kiện chứ không chỉ có khiếu nại, tố cáo, đòi bồi thường", đại biểu Nghĩa kiến nghị.