Để môn Toán không còn là nỗi khiếp sợ của học sinh...

“Tìm sin lấy đối chia huyền; cosin lấy cạnh kề, huyền chia nhau; còn tang ta hãy tính sau; đối trên, kề dưới chia nhau ra liền...”, có lẽ đây chính là công thức toán học thú vị nhất mà học sinh ghi nhớ trong quãng thời gian học môn Toán của mình.
Kỹ năng giúp học sinh "ăn điểm" khi viết đoạn văn nghị luận xã hội Học sinh Hà Nội tập dượt thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới Ngành nào "hot" và dễ xin việc nhất trong 5 năm tới?

Thầy cô cùng trao đổi, chia sẻ để tìm ra giải pháp

Từ công thức toán học được ví von qua những câu vè trên, ta mới thấy rằng, việc học Toán không hề khó, quan trọng là cách giảng dạy và truyền đạt kiến thức của thầy cô như thế nào.

Thấu hiểu điều đó, mới đây, tại Trường THCS Thành Công, Phòng Giáo dục và Đào tạo Ba Đình (Hà Nội) đã tổ chức Hội nghị triển khai các chuyên đề, giải pháp ôn thi vào lớp 10 THPT môn Toán.

Để môn Toán không còn là nỗi khiếp sợ của học sinh...
Đồng chí Nguyễn Như Tùng, Phó trưởng Phòng GDĐT quận Ba Đình phát biểu định hướng

Tại hội nghị, đại diện thầy cô của 14 trường THCS trên địa bàn quận đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về việc phân tích cấu trúc, mức độ, các dạng thường gặp, cách ra đề và một số lưu ý với các câu trong đề thi vào 10 môn Toán, kèm ví dụ minh họa; tổng hợp các lưu ý khi trình bày bài, các lỗi thường gặp, cách trình bày sao cho đúng, đủ cho từng ý (tổng hợp từ kinh nghiệm các thầy cô đi chấm).

Các thầy cô cũng trao đổi biện pháp phân loại học sinh và dạy học phân hóa để nâng cao chất lượng tất cả các nhóm đối tượng từ quy mô lớp đến quy mô trường; biện pháp động viên, hướng dẫn học sinh ôn tập ở nhà, lên thời gian biểu, giữ gìn sức khỏe, chuẩn bị tốt tâm lý, chiến thuật làm bài.

Để môn tToán không còn là nỗi khiếp sợ của học sinh!
Đông đảo thầy cô tham gia Hội nghị

Bí quyết để học tốt môn Toán

Nhớ đến những tiết học Toán ở lớp, nhiều học sinh bày tỏ sự chán nản bởi năng lực tiếp thu kiến thức chậm. Thậm chí nhiều khi các em rơi vào cảnh sợ hãi khi phải đối mặt với môn học này mỗi ngày tới trường.

Một số cô cậu học trò thẳng thừng nói: "Em chỉ thích đi học nếu như chẳng có môn Toán".

Nhận được những ý kiến như vậy, thầy Nguyễn Vũ Tài – Trường THCS Phan Chu Trinh luôn đau đáu làm sao để có thể giúp học sinh học tốt môn học này, cải thiện được cách giải toán đơn giản mà khó quên qua việc áp dụng những vần thơ công thức.

Ví dụ, với cách tính diện tích hình thang: “Muốn tính diện tích hình thang - Giá trị hai đáy nhớ mang cộng vào - Tổng này nhân với chiều cao - Chia đôi lấy nửa thế nào chẳng ra”; diện tích của một hình thoi: "Hình thoi diện tích tính là - Tích hai đường chéo chia ra hai phần”… Có thể nói, những vần thơ sinh động đã giúp học sinh dễ học, dễ hiểu và dễ nhớ cách để vận dụng làm bài.

Theo thầy Tài, học toán không phải ngày 1, ngày 2 là thành tài, vì vậy, học sinh cần tích lũy kiến thức ngay từ đầu (lớp 6) mới có thể học tốt ở các năm tiếp theo (lớp 7, 8, 9).

"Để làm được điều đó các em cần hai yếu tố là sự chăm chỉ, tính kỉ luật tự giác và cũng cần tự học thêm các kĩ năng mềm khác sẽ bổ trợ cho việc học toán rất nhiều", thầy Tài cho hay.

Còn đối với thầy giáo Nguyễn Ngọc Thành – Chuyên viên phụ trách môn Toán, Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội, để học môn Toán đạt hiệu quả cao các em nên học theo một lộ trình và phấn đấu từ từng bước một.

Để môn Toán không còn là nỗi khiếp sợ của học sinh...
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thành – Chuyên viên phụ trách môn Toán, Phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội.

Bước 1: Nghe hiểu kĩ từng bài lí thuyết trên lớp, tổng hợp những công thức quan trọng và ghi nhớ các công thức dưới dạng sơ đồ tư duy.

Bước 2: Áp dụng cách học "lấp lỗ hổng kiến thức". Cụ thể, học sinh cần chăm chỉ theo dõi và ghi chép những công thức toán học cũ mà các em không nhớ, sau đó về nhà tìm hiểu.

Bước 3: "Học đi đối với hành". Do đó, học sinh cần làm bài tập theo dạng để dễ ghi nhớ kiến thức. Mỗi dạng bài sẽ có phương pháp giải cụ thể, có công thức cụ thể, các em cần hệ thống kiến thức và công thức theo dạng bài để ghi nhớ được lâu.

Bước 4: Trong quá trình làm bài tập và giải bài, nếu các em gặp bài khó, không giải được, học sinh nên chủ động, tích cực tham vấn, hỏi ý kiến hỗ trợ của thầy cô hoặc bạn bè về một bài tập tương tự để hiểu cách giải, tháo gỡ khó khăn của mình.

Bước 5: Lê kế hoạch và xây dựng một lộ trình nhất định cho bản thân. Ví dụ, tuần một của tháng sẽ ôn lại chủ đề Hàm số bậc nhất và hệ hai phương trình bậc nhất 2 ẩn. Việc làm này giúp học sinh tự hệ thống hoá kiến thức đã học, qua đó giúp các em nhớ kiến thức để vận dụng cho các chủ đề tiếp theo.

Để môn Toán không còn là nỗi khiếp sợ của học sinh!
Ảnh minh hoạ một tiết học môn Toán của học sinh

Trong khuôn khổ diễn ra buổi chuyên đề, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong chương trình giáo dục mới, mỗi bài Toán là một phạm trù kiến thức khác nhau, đòi hỏi người giáo viên phải xây dựng một loạt hoạt động cùng với thảo luận nhóm của học sinh. Từ đó mới có thể hỗ trợ và hình thành kiến thức cho học trò của mình.

Muốn vậy, giáo viên cần dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh. Đảm bảo sự phân phối thời gian hợp lý trong việc: kiểm tra bài cũ, truyền thụ kiến thức mới, luyện tập củng cố và hướng dẫn về nhà.

Các giáo viên phụ trách môn cũng cần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh để đảm bảo được chất lượng học tập của con em mình, tìm ra giải pháp tháo gỡ cho học sinh gặp khó khăn trong việc học môn Toán.

Đồng thời phân công những em học sinh khá, giỏi giúp đỡ những học sinh yếu, kém; giáo viên đến lớp với tâm thế thoải mái, vui vẻ, từ đó hình thành cho học sinh sự thích thú, say mê, sáng tạo và phát triển toàn diện.

Để môn Toán không còn là nỗi khiếp sợ của học sinh...
Toàn cảnh buổi chuyên đề

Nhớ lại thời điểm ra mắt Trường Toán Minh Việt, Giáo sư Ngô Bảo Châu từng nói rằng, sợ Toán là thiệt thòi rất lớn trong cuộc đời, vì vậy điều cần làm là hãy trao cho tất cả học sinh cơ hội để hiểu và thích học môn Toán.

Học Toán là một dạng thể thao trí óc, rèn luyện trí thông minh. Bởi lẽ đó, việc học toán là phải làm sao khiến những cái trông có vẻ phức tạp, rối rắm, trở nên đơn giản, sáng sủa. "Đó là vẻ đẹp của môn Toán và là điều tốt hơn mà chúng ta cần hướng đến trong việc dạy toán cho học sinh thay vì những cuộc thi đua”, vị Giáo sư này trải lòng.

Trao đổi với PV, đồng chí Lê Đức Thuận - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho biết, sau hội nghị cũng đã lấy ý kiến các thầy cô giáo tham dự về những nội dung tâm đắc nhất qua đó đề xuất nội dung tập huấn cho Phòng GD&ĐT, nhà trường triển khai trong thời gian tới.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động