Đề cương văn hóa Việt Nam - Tinh thần sáng tạo xuyên suốt lịch sử 80 năm
Nhà Sử học Dương Trung Quốc: "Tầm quan trọng của văn kiện đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa"
Đề cương Văn hóa ra đời cách đây tròn 80 năm. Tôi rất nhớ khi kỷ niệm 40 năm Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời, nguyên TBT Trường Chinh, tác giả soạn thảo có nói: Đảng lúc đó chưa có điều kiện để tiếp cận thực tiễn nhiều hơn, chưa có nghiên cứu lý luận nhưng đòi hỏi bức thiết là cách mạng không chỉ giành chính quyền mà còn xây chính quyền. Trong khi đó, các bản cương lĩnh của các tổ chức chính trị khác thì hầu như không đề cập gì đến văn hóa mà chỉ là đánh bại thực dân. Phải nói, lúc đó, nhu cầu về văn hóa rất cần thiết. Chúng ta chứng kiến phong trào “Nghệ thuật vị nghệ thuật”, “Nghệ thuật vị nhân sinh” trong văn học, hay phong trào “Hội Ánh sáng” của các kiến trúc sư. Trí thức lúc đó đang tìm hướng phát triển.
Và khi đó, vẻn vẹn 1500 chữ, Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời với 3 nguyên tắc: Dân tộc hóa, Khoa học hóa, Đại chúng hóa đã trở thành văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, góp phần tập hợp các nhà văn hóa, trí thức để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc.
PGS. TS. Nguyễn Văn Huy - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học: "Tinh thần sáng tạo xuyên suốt lịch sử 80 năm"
Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 thực sự là “kim chỉ nam" cho chúng ta suốt từ năm 1943 cho đến nay và đặc biệt kể từ khi đất nước ta giành được độc lập. Ngày nay, sự phát tiển về văn hóa, giáo dục của đất nước vẫn đặt trên nền tảng “Dân tộc”, “Khoa học” và “Đại chúng.”
PGS.TS Nguyễn Văn Huy |
Trong mỗi giai đoạn phát triển, 3 nguyên tắc có mỗi đặc điểm riêng. Song quá trình vận dụng các nguyên tắc đó có sự thay đổi, sáng tạo, thích ứng với bối cảnh trong nước và quốc tế. Giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ, Đảng đã huy động và sử dụng lực lượng văn hóa, văn nghệ để đưa vào mặt trận. Đó là sáng tạo.Từ một nền văn hóa nô dịch trở thành nền văn hóa tự cường, đậm đà bản sắc. Tôi cho rằng, đó chính là sự sáng tạo của các thế hệ khác nhau, để xuyên suốt chiều dài lịch sử, chúng ta giữ được bản lĩnh, có một nền văn hóa đậm đà bản sắc.
PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: "Văn hóa trở thành “sức mạnh mềm”
Đề cương văn hóa Việt Nam đã được cụ thể hoá và phát huy vai trò đến tận ngày nay và những giá trị của nó vẫn còn nguyên vẹn cả về lý luận. Đề cương tuy ngắn gọn nhưng đề cập một quan điểm rất cơ bản là phải coi văn hoá là một lĩnh vực hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy cách mạng phát triển, đặc biệt là cách mạng văn hóa.
Đề cương nhấn mạnh, muốn thúc đẩy cách mạng thì phải quan tâm xây dựng và phát triển văn hoá hướng tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Ra đời vào năm 1943 khi cách mạng chưa thành công nhưng Đảng ta đã đưa ra quan điểm hướng tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa, cho thấy tầm nhìn của Tổng Bí thư Trường Chinh khi xây dựng văn kiện này.
Đề cương xác định ba nguyên tắc cơ bản của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam trong giai đoạn này là: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa và Khoa học hóa. Theo đó, 3a nguyên tắc này dù trải qua nhiều năm đến nay vẫn là nguyên tắc chủ đạo cho con đường phát triển văn hóa của nước ta.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc |
Sống trong thời đại hôm nay, chúng ta đón nhận sự giao thoa với văn hóa thế giới nhưng vẫn phải giữ gìn giá trị truyền thống, tiếp thu có chọn lọc và phát huy bản sắc của chính mình. Đây không chỉ là “sức mạnh mềm” quốc gia trong thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghiệp, mà còn là động lực để củng cố niềm tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần yêu nước.