Những nghi lễ dân gian đặc sắc chỉ có ở Lễ hội đền Trần Thái Bình

Lễ rước nước, thi làm cỗ cá,… là những hoạt động mang đậm nét văn hóa dân gian chỉ có ở lễ hội đền Trần Thái Bình.
200 nghệ sĩ, diễn viên tham dự chương trình “Hào khí Đông A” Lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình năm 2023: Nhiều hoạt động tưởng nhớ, tri ân công lao của các vị vua triều Trần Tạm dừng Lễ khai hội chùa Tam Chúc và lễ khai mạc Lễ hội đền Trần

Độc đáo lễ rước nước, thi làm cỗ cá

Sau 2 năm ngừng tổ chức vì dịch Covid -19, năm nay, Lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình được tổ chức trở lại, diễn ra trong 5 ngày (từ 13 đến 17 tháng Giêng năm Quý Mão) tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Đáng chú ý, trong phần “lễ” gồm các hoạt động như lễ bái yết, dâng hương... thì lễ rước nước ở đền Trần Thái Bình có ý nghĩa quan trọng, tạo nên nét độc đáo, đặc sắc trong di sản văn hóa phi vật thể của Lễ hội đền Trần Thái Bình.

Lễ rước nước ở lễ hội đền Trần Thái Bình là loại hình văn hóa dân gian, một nghi thức tâm linh đặc sắc. Các nghi lễ diễn ra không chỉ cầu cho mưa thuận gió hòa, âm dương tương hợp mà còn mang ý nghĩa tri ân tổ tiên nhà Trần, một vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới gắn với sông nước. Nghi lễ này sẽ được thực hiện trước khi diễn ra lễ khai hội đền Trần Thái Bình.

Theo quan niệm xưa kia, nước là một trong những yếu tố hàng đầu để hình thành nên nền nông nghiệp, chi phối mạnh mẽ đến mùa màng, đời sống của người nông dân.

Do đó, Nhân dân tổ chức lễ rước nước với cả tấm lòng thành kính. Lễ rước nước bắt đầu khi các vị cao niên thắp hương kính cẩn mời anh linh các vị vua triều Trần chứng giám.

Đi đầu đoàn rước là đội múa lân rồi tới kiệu mang liệt vị liệt tổ nhà Trần: Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý, Trần Thừa và Thái sư Trần Thủ Độ. Tiếp theo là đoàn rước thuộc các làng, xã trong và ngoài huyện. Dọc đường đi tới bến sông, cờ quạt, chiêng trống vang vọng, nhân dân háo hức đi theo lễ rước nước, một lòng hướng về tổ tiên, cầu cho năm mới an lành.

Nghi lễ này được địa phương tổ chức rất long trọng, trang nghiêm và thành kính; thu hút hàng ngàn người dân, du khách thập phương cùng tham dự.

Những nghi lễ dân gian đặc sắc chỉ có ở Lễ hội đền Trần Thái Bình
Lễ rước nước ở đền Trần Thái Bình

Ngoài lễ rước nước, thi cỗ cá ở đền Trần Thái Bình là một tục lệ lạ, hiếm thấy ở các địa phương khác trên cả nước. Nguồn gốc thi cỗ cá ở đền Trần được tổ chức để mọi người nhớ tới thuở hàn vi, tổ tiên nhà Trần sống chủ yếu bằng nghề chài lưới.

Trước lễ hội đền Trần một ngày, những người thợ làm cỗ cá lành nghề đã tất bật với mâm cỗ cá kỳ công.

Để có cá tiến vua, trước ngày thi từ nhiều tháng trời, các làng đã cử người có kinh nghiệm đi khắp nơi lựa chọn, tìm mua cá to, thường là cá trắm, cá chép, cá mè đem về ao thả.

Người được chọn nuôi cá phải là người có uy tín trong làng, gia đình hòa thuận. Ngoài ra, ao thả nuôi cá phải sạch sẽ, thoáng mát, nước trong ao không ô nhiễm, sao cho cá đủ lớn theo trọng lượng mà làng quy định.

Cá để làm cỗ dâng lên vua phải đáp ứng đủ các tiêu chí như không được trật vẩy, gẫy vây, gẫy đuôi, phải nặng ít nhất từ 3,5kg trở lên và được lựa chọn cẩn thận, đặc biệt khi đã bắt lên thì cần bọc riêng từng con.

Vào ngày thi cỗ cá, 8 giáp thuộc 8 thôn của xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đều chuẩn bị những mâm cỗ cá thịnh soạn. Cá trắm, cá chép, cá mè được đặt trên gắng đóng bằng gỗ, tầng dưới là giò, nem, ninh, mọc, mỗi thứ 4 bát như tứ linh chầu xung quanh.

Cỗ cá được kiệu bởi 4 nam thanh nữ tú, đi theo sau là các cụ cao niên và đội tế của thôn. Đoàn rước với trống rong cờ mở rợp trời đã tạo nên không khí náo nức, rộn ràng của làng quê trong ngày hội. Tiếng trống rộn vang trên con đường làng.

Nghe tiếng trống, ai cũng biết cỗ cá của làng mình đang được rước về dâng vua. Không khí rộn ràng làng xóm, lòng người càng trở nên náo nức.

Tục thi cỗ cá trong lễ hội đền Trần không chỉ tỏ lòng thành kính của nhân dân xã Tiến Đức đối với các bậc tiền nhân mà còn là ước vọng của người dân về một năm mới nhiều may mắn, thuận buồm xuôi gió, làm ăn phát đạt, hạnh phúc.

Những nghi lễ dân gian đặc sắc chỉ có ở Lễ hội đền Trần Thái Bình
Thi cỗ cá là nét văn hóa đặc trưng ở Lễ hội đền Trần Thái Bình

Nhiều hoạt động hấp dẫn trong Lễ hội đền Trần năm 2023

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Thái Bình cho hay, năm nay, Lễ hội đền Trần Thái Bình diễn ra với quy mô cấp tỉnh trong 5 ngày từ 13 - 17 tháng Giêng năm Quý Mão gồm cả hai phần “lễ” và “hội” với quy mô hoành tráng, công phu.

Lễ hội nhằm tôn vinh công lao dựng nước và giữ nước của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ con cháu.

Đây cũng là dịp để quảng bá về mảnh đất, con người Thái Bình nói chung, Hưng Hà nói riêng và khẳng định giá trị di sản văn hóa nhà Trần ở Thái Bình.

Bên cạnh những nghi lễ truyền thống vẫn được tái hiện ở lễ hội năm nay, Ban Tổ chức cũng tổ chức nhiều hoạt động khác mừng Đảng, mừng Xuân như Triển lãm mỹ thuật nhiếp ảnh Thái Bình với những bức ảnh đặc sắc, phản ánh vẻ đẹp đất và người Thái Bình.

Ngoài ra, Ngày hội Thơ Việt Nam cũng diễn ra tại đây, ngày hứa hẹn đem đến không gian nghệ thuật tao nhã, nhẹ nhàng trong tiết trời xuân mới, là trải nghiệm thú vị mà du khách thập phương nên thưởng thức.

Bên cạnh đó, các hội thi gói bánh chưng, thi nấu cơm cần, thi đấu võ cổ truyền, kéo co… sẽ tạo ra không khí sôi động, đầy hứng khởi cho Nhân dân và khách thập phương.

Những nghi lễ dân gian đặc sắc chỉ có ở Lễ hội đền Trần Thái Bình
Khu di tích lịch sử lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt

Bà Hạnh cho biết, sau 2 năm dừng tổ chức vì dịch COVID-19, đồng thời, năm nay lễ hội đền Trần được tổ chức với quy mô cấp tỉnh nên chắc chắn sẽ lượng khách thập phương về chiêm bái, tham quan rất đông. Công tác tổ chức chú trọng để đảm bảo lễ hội diễn ra trang trọng, tươi vui trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân.

“Ban tổ chức đã thành lập 4 Tiểu ban phụ trách về nội dung, tuyên truyền, hậu cần, khánh tiết và an ninh trật tự… nhằm đảm bảo các hoạt động lễ hội tổ chức theo đúng quy định pháp luật; trang trọng, ấn tượng, an toàn, tiết kiệm và có tính giáo dục cao, xứng tầm với vai trò, vị thế của nhà Trần trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Nội dung trong lễ hội phong phú, đa dạng, hấp dẫn, kết hợp hài hòa giữa tính truyền thống và hiện đại, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của đất và người Thái Bình của vùng đất Long Hưng, Hưng Hà.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng chú trọng thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân và du khách tham gia lễ hội” – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình khẳng định.

Lễ khai mạc đền Trần tỉnh Thái Bình năm 2023 sẽ diễn ra vào tối 13 tháng Giêng với chương trình nghệ thuật đặc sắc “Hào khí Đông A”.

Đặc biệt, trong lễ khai mạc sẽ có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình và đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng vinh danh kỷ lục cặp bánh Bảo Hưng lớn nhất Việt Nam cho Ban Lãnh đạo Công ty CP Quốc tế Bảo Hưng.

Lễ khai mạc với nhiều tiết mục đặc sắc, có sự tham gia của 200 nghệ sĩ, diễn viên và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình; tiếp sóng trực tiếp trên Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC. Chương trình do Tỉnh ủy - UBND tỉnh Thái Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình, Công ty Cổ phần Quảng cáo Truyền thông Oscar, Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp thực hiện.

Năm 2014, Lễ hội đền Trần Thái Bình được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Khu di tích lịch sử lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Những nghi lễ dân gian đặc sắc chỉ có ở Lễ hội đền Trần Thái Bình
Bảo Phương
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động