Dấu mốc tạo bứt phá trên lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa
Khai thông nguồn lực cho giáo dục, y tế, văn hóa để phát triển Thủ đô |
Hơn 49 nghìn tỷ đồng cho hơn 1.400 dự án
Theo Nghị quyết được HĐND TP thông qua, Hà Nội sẽ cập nhật, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố đối với Kế hoạch 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, tu bổ tôn tạo di tích, tổng kinh phí dự kiến đầu tư là 49.202,8 tỷ đồng thực hiện 1.467 dự án.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025 dự kiến: 41.104,8 tỷ đồng, thực hiện 1.308 dự án. Phân kỳ thực hiện giai đoạn sau năm 2025 là 8.098 tỷ đồng, 159 dự án. Trong đó số dự án thực hiện trong cả hai kỳ là 107 dự án.
Đáng chú ý, HĐND TP đã quyết nghị cập nhật Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và bố trí kế hoạch vốn năm 2022 đối với 8 dự án với số vốn bố trí năm 2022 là 322 tỷ đồng. Hà Nội phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đối với 3 dự án thuộc lĩnh vực giao thông đã có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, với số vốn bố trí 370 tỷ đồng; Phân bổ Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 cho 146 dự án ngân sách TP hỗ trợ cấp huyện thuộc Kế hoạch đầu tư xây dựng 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, tu bổ tôn tạo di tích đã đủ thủ tục đầu tư, điều kiện bố trí vốn hàng năm với tổng kinh phí là 2.000 tỷ đồng.
Hà Nội có nhiều di tích cần đầu tư, tôn tạo (Ảnh minh họa) |
Đây là sự cụ thể hóa, đưa vào thực hiện một cách nhanh chóng, quyết liệt những chủ trương, định hướng của thành phố Hà Nội về tập trung đầu tư, tạo bứt phá trên 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII đã đưa ra những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong lĩnh vực văn hoá, xã hội như: Đến 2025, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia 80-85%; phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá; Số giường bệnh trên 1 vạn dân là 30-35 giường…
Trên thực tế, hằng năm, thành phố Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực cho lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; Trong đó tập trung hỗ trợ công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, cải tạo hệ thống y tế và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa. Tuy nhiên về tổng thể, mức đầu tư vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn để phát triển Thủ đô nhanh, bền vững.
Ở lĩnh vực y tế, 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn đã được khảo sát, chấm điểm và đạt chuẩn quốc gia về y tế cấp xã. Tuy nhiên, trên thực tế cơ sở vật chất của thiết chế này còn nhiều tồn tại, chưa thực sự đáp ứng tốt công tác chuyên môn, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Trong khi đó, ở lĩnh vực di tích văn hóa, toàn thành phố hiện có 5.922 di tích thì 1/3 số này xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng, cần bảo tồn, tôn tạo. Uỷ viên chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, thực tế khảo sát tại các địa phương, kinh phí dành cho tu bổ, tôn tạo di tích rất khó khăn. Do công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn thiếu những chính sách khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân nên việc tôn tạo, tu bổ ở nhiều nơi chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách địa phương…
Đại biểu HĐND thành phố bấm nút thông qua Nghị quyết |
Đáp ứng mong mỏi của các địa phương và người dân
Là địa bàn có 88 trường học công lập nhưng mới có 66 trường đạt chuẩn quốc gia, trong khi huyện phấn đấu đến năm 2025 có 75 trường đạt chuẩn, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Lê Ngọc Anh bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi Nghị quyết đã được HĐND TP khóa XVI thông qua. Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên cho biết, hiện tại, về đất đai, huyện đã sẵn sàng, huyện chỉ còn khó khăn về nguồn kinh phí.
Ngoài trăn trở về nguồn kinh phí xây dựng các trường, ông Lê Ngọc Anh cho biết, huyện cũng trăn trở về các cơ sở y tế tại địa phương, bởi thời gian qua, dù đã xây mới 14 trạm y tế rất rộng rãi, tuy nhiên còn thiếu trang thiết bị và nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 345 di tích nhưng nhiều công trình xuống cấp, dù đã đề xuất nhiều lần nhưng chưa được khắc phục, trở thành bức xúc trong các cuộc tiếp xúc cử tri.
Không những cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, mà đông đảo cử tri Thủ đô cũng rất ngóng chờ quyết sách này. Dành thời gian cập nhật, theo dõi kỳ họp chuyên đề của HĐND TP Hà Nội khóa XVI, ông Lê Duy Chinh (Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Rất phấn khởi và tin tưởng vào những quyết sách tại kỳ họp.
Dù chỉ diễn ra trong 1 ngày nhưng những quyết sách tại kỳ họp chuyên đề của HĐND TP Hà Nội mang lại nhiều kỳ vọng cho cử tri và Nhân dân |
“Thông qua các phương tiện truyền thông, tôi đã được biết kỳ họp này HĐND TP sẽ xem xét thông qua 2 nội dung quan trọng là kế hoạch đầu tư, cải tạo hệ thống y tế, trường học, di tích và các giải pháp tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố. Đây đều là những vấn đề được cử tri quan tâm trong thời gian qua, vì vậy những quyết nghị từ kỳ họp là rất đáng mong đợi.
Trong đó, việc thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư cho 3 lĩnh vực là văn hóa, giáo dục, y tế tôi cho rằng là việc hết sức cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sự phát triển của thành phố trong thời gian tới. Tuy nhiên, với số lượng lớn dự án đầu tư cho 3 lĩnh vực này đòi hỏi việc triển khai cần hết sức khẩn trương. Cử tri hy vọng thành phố sẽ có cách thức thực hiện khoa học, kỷ cương để tạo sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực này”, ông Chinh cho hay.
Anh Trần Tuấn Anh (Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) thì cho rằng Nghị quyết bổ sung Kế hoạch đầu tư công xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích như một tốc lực trong giai đoạn thích ứng linh hoạt và bình thường mới. Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn của thành phố trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Đẩy nhanh việc hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII. “Người dân kỳ vọng, Nghị quyết sẽ nhanh chóng được triển khai, đem lại những kết quả thật sự thiết thực và ý nghĩa; Không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tiễn mà còn khẳng định tầm nhìn dài hạn phát triển Thủ đô”, anh Tuấn Anh bày tỏ.