Đâu là hành lang pháp lý của hoạt động cho vay qua app?
Chiều 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về các vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng.
Hoàn thiện và ban hành khung pháp lý
Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) nêu, hiện nay người dân dễ dàng tiếp cận hình thức vay qua app hoặc qua Website. Thời gian qua Công an Hà Nội đã triệt phá vụ án vay qua app hơn 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho Nhân dân. Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết hành lang pháp lý của việc cho vay này?
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) |
Trả lời đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sự phát triển của công nghệ đã xuất hiện nhiều hoạt động cho vay. Việc cho vay qua app và Web đã có ở một số nước trên thế giới, gần đây lan sang các nước châu Á và Việt Nam.
Việc cho vay này dựa trên kết nối công nghệ giữa người vay và cho vay nhưng thực tế xảy ra hiện tượng không tách bạch giữa tiền của người cho vay và của người đi vay. Có thể người lập ra sàn kết nối lại là người đi vay hoặc cho vay, gây mất an toàn trật tự xã hội.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Trung Quốc đã có biện pháp siết các hoạt động này. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã khảo sát, đánh giá có các tổ chức xuất hiện loại hình cho vay này và đang xây dựng hành lang pháp lý, bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.
Doanh nghiệp nhỏ khó vay lãi suất thấp do độ tín nhiệm chưa cao
Đại biểu Nguyễn Văn Thân băn khoăn vấn đề lãi suất dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn cao, việc tiệm cận vốn khó khăn. "2% ngân sách hỗ trợ ngành ngân hàng để bù đắp lãi suất cho doanh nghiệp hiện triển khai đến đâu, các ngành nghề được thụ hưởng sau nghị quyết của Quốc hội là gì, lượng tiền đưa ra có kịp thời không", ông Thân chất vấn.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết điều hành lãi suất và giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân là nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, điều hành chính sách lãi suất chịu nhiều áp lực từ bên ngoài. Lạm phát đang có xu hướng toàn cầu, ngân hàng Trung ương các nước đều có xu hướng tăng lãi suất, từ 2021 có khoảng 100 lượt tăng lãi suất và 5 tháng đầu năm 2022, các ngân hàng Trung ương cũng tăng khoảng 135 lượt tăng lãi suất.
Trong nước, lãi suất phụ thuộc vào cung cầu vốn. Từ đầu năm đến nay, chỉ trong 5 tháng, khi doanh nghiệp và người dân sản xuất kinh doanh quay trở lại, tín dụng đã tăng lên đến 8%. Đây là mức khá cao so với mục tiêu định hướng của cả năm 2022 là 14%.
"Áp lực lớn nhưng Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết, cơ bản ổn định mặt bằng lãi suất, chỉ tăng 0,09% so với đầu năm ngoái", bà Hồng nói.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn |
Trong nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, quan điểm của Chính phủ là thực hiện chương trình phục hồi kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng cần điều hành trên cơ sở tổng thể với tất cả công cụ khác. Ngân hàng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí trong hoạt động để giảm lãi suất và hỗ trợ các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn.
Theo bà Hồng, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khối doanh nghiệp này có nhiều điều kiện hạn chế như tài chính, khả năng quản trị, thương hiệu hàng hóa... nên độ xếp hạng tín nhiệm chưa cao. Khi vay vốn, các tổ chức tín dụng phải đánh giá tín nhiệm để đưa ra mức lãi suất, lãi cho doanh nghiệp tín nhiệm thấp phải cao hơn so với doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao.
Trong thời gian dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp và người dân. Trong hai năm, tổng lãi suất giảm là khoảng 47.000-48.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có hạn chế nên nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn các ngân hàng. Các tổ chức tín dụng cũng phải thực hiện nguyên tắc khi cho vay thì khách hàng phải đảm bảo có khả năng trả nợ, vì tiền cho vay cũng là huy động của người dân.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có quỹ bảo lãnh tín dụng. Hiện cả nước có khoảng 29 quỹ tín dụng quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương. "Thời gian tới, ngân hàng sẽ phối hợp với Bộ, ban, ngành tháo gỡ khó khăn", bà Hồng nói.