Dấu ấn của ngành Y tế Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Chia sẻ, hỗ trợ để người dân cách ly yên tâm, hợp tác chống dịch Covid-19 Chiến sĩ hợp sức diệt Covid-19 Cục QLTT Bắc Ninh chung tay cùng tỉnh Hải Dương phòng, chống dịch Covid-19 |
Vất vả đón “Tết Covid-19”
Nhớ lại thời điểm cuối tháng 12/2019, tin tức về những ca bệnh nhiễm virus lạ được gọi tên là virus Corona đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Chỉ sau đó 2 tháng, Covid-19 đã nhanh chóng phát tán một cách khó lường và trở thành nỗi kinh hoàng, sợ hãi của toàn thế giới với tốc độ lây lan chóng mặt.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 chưa có hồi kết và còn đầy vất vả, gian truân kia, họ vẫn tiếp tục cống hiến như những ngọn nến cháy hết mình để thắp sáng cho màn đêm, ngăn dịch không lây lan ra cộng đồng |
Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội đã trải qua một mùa Tết 2020 đầy thấp thỏm và lo âu. Ngành Y tế Thủ đô vẫn “gồng mình” kiểm soát dịch bệnh và mạnh mẽ vượt qua đại dịch khủng khiếp này.
“Tết Covid-19” - một danh từ hoàn toàn mới trong từ điển khi nó kéo dài từ mùa xuân tới mùa hạ. Trong khi mọi người “nghỉ Tết”, giãn cách theo chỉ thị của Thủ tướng thì ngành Y tế lại căng mình hơn bao giờ hết để chiến đấu với dịch bệnh. Ở tuyến đầu chống dịch, các y, bác sĩ đầu ngành nhiều tháng không được về nhà, chỉ được gặp gỡ người thân qua màn hình điện thoại, bàn tay nhăn nheo vì đeo găng tay cả ngày, sống mũi hằn lên đường đỏ ửng vì đeo khẩu trang ngày đêm bám sát người bệnh.
Khoanh vùng và xử lý ổ dịch là công việc được thành phố Hà Nội triển khai ngay lập tức nhằm nhanh chóng khống chế dịch bệnh. Bất kể ngày hay đêm, những “chiến sĩ tuyến đầu” đã có mặt ở các điểm du lịch, sân bay và các điểm chốt phòng, chống dịch để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho du khách; Kiểm soát, lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng nhập cảnh, các khu vực có đối tượng F1, F2.
Cho đến đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh tại Thủ đô đã được kiểm soát tốt nhưng đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế vẫn ngày đêm vất vả trong công tác kiểm soát dịch bệnh, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các địa bàn, khu cách ly. Họ bỏ lại mùa xuân với những lễ hội, cờ hoa, miệt mài với những báo cáo, giám sát, xử lý, phân tích số liệu, dự báo tình hình, giám sát, chỉ định lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc đối tượng, khoanh vùng xử lý dịch… một cách nhanh chóng.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 chưa có hồi kết và còn đầy vất vả, gian truân kia, họ vẫn tiếp tục cống hiến như những ngọn nến cháy hết mình để thắp sáng cho màn đêm, ngăn dịch không lây lan ra cộng đồng.
Quyết liệt thực hiện phòng, chống dịch bệnh
Để đạt được hiệu quả lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội và Sở Y tế luôn có những chỉ đạo kịp thời. Trong đó, công tác kiểm tra phòng chống dịch tại các địa bàn dân cư, khu cách ly, các bệnh viên luôn được tăng cường thường xuyên, chặt chẽ.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: “Bệnh viện là nơi phát hiện sớm, điều trị và giúp ngăn chặn các ca bệnh, không để dịch lây lan. Tuy nhiên, đây cũng chính là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất nếu dịch bệnh phát tán, thậm chí là dễ lây lan trong cộng đồng. Do đó, các bệnh viện cần thực hiện nghiêm túc hơn nữa các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công điện của Ban Chỉ đạo quốc gia, công điện và hướng dẫn của Bộ Y tế, các văn bản chỉ đạo của TP Hà Nội. Qua kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội đánh giá các bệnh viện đã bám sát những nội dung chỉ đạo, hướng dẫn về thực hiện áp dụng các biện pháp bệnh viện an toàn.
Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, mặc dù tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát nhưng trên thế giới dịch bệnh vẫn còn những diễn biến mới, phức tạp. Vì vậy, các đơn vị không được chủ quan mà coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Các bệnh viện phải rà soát lại toàn bộ khu vực cách ly, cấp cứu, bảo hộ chống dịch, trang thiết bị y tế…
Trực tiếp kiểm tra công tác phòng dịch Covid-19 trên địa bàn các quận, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhận xét: “Nhiều người dân đến các địa điểm công cộng, phố đi bộ hầu hết đều mang theo khẩu trang nhưng có người khi đi qua chốt kiểm soát lại tháo ra bỏ vào túi… Điều này thể hiện rất rõ sự chủ quan, lơ là trong phòng dịch Covid-19. Người dân vẫn chưa tự giác tuân thủ phòng dịch nên cần tiếp tục tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm. Ngoài ra, thành phố cần phải tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân”.
Ngoài các bệnh viện, thời điểm lễ Tết, các bến xe, bến tàu, điểm giao thông công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, các lễ hội… cũng là nơi tập trung đông người, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân Thủ đô nên đối với họ cái Tết sum vầy tạm gác qua một bên, phía trước vẫn là cuộc chiến "không khoan nhượng" với virus Covid-19.