Đánh giá khách quan, toàn diện các kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021
Phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2021 |
Chú trọng các giải pháp phát triển bền vững
Sáng 30/11, phát biểu tại Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, những nội dung trình hội nghị lần này là những nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến sự phát triển KTXH của Thủ đô năm 2022 và những năm tiếp theo.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị |
Trong đó, về vấn đề kinh tế, xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công năm 2021, 2022 và kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2022-2024 của thành phố là những nội dung chịu tác động tiêu cực; Cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để đưa ra những quyết sách đúng và trúng, đưa Thủ đô phát triển bền vững trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ; Phân tích, dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động, nhất là đánh giá kỹ lưỡng sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19; Thống nhất các giải pháp đảm bảo sát với thực tiễn, có tính đột phá, tính hiệu quả, tính khoa học và tính khả thi cao.
Trong đó, đặc biệt chú trọng các giải pháp về phát triển kinh tế xã hội phải đi đôi với các giải pháp về phát triển bền vững nền giáo dục, y tế, văn hóa, lịch sử và con người Hà Nội; Phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường và tiến bộ, công bằng xã hội.
Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 cần được thảo luận kỹ trên nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; Các dự án chuyển tiếp, các dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm, các dự án dân sinh bức xúc (nước sạch, chất thải, ô nhiễm môi trường…) và các dự án có khả năng hấp thụ vốn cao, dự án có khả năng giải ngân vốn tốt.
Đối với dự toán NSNN năm 2022, Kế hoạch Tài chính ngân sách 3 năm 2022-2024, hội nghị cần tập trung phân tích, thảo luận, đánh giá kỹ các yếu tố tác động, khả năng phục hồi kinh tế của thành phố, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn...
Trong đó, hội nghị cũng cần thảo luận, bàn kỹ các giải pháp về cơ cấu lại ngân sách thành phố một cách bền vững hơn, nâng dần tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN trên địa bàn thành phố; Giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển hợp lý...
Khơi dậy, bảo tồn và phát huy tối đa giá trị văn hóa
Đáng lưu ý, về dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết: Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban cán sự Đảng UBND TP chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự thảo Nghị quyết đã được tổng hợp từ thực tiễn về công tác phát triển văn hóa trong thời gian qua; Tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trong khu vực và tham vấn của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng nhiều ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra quan điểm, mục tiêu, định hướng của thành phố về phát triển công nghiệp văn hóa, cùng với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 42 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Đây là Nghị quyết chuyên đề riêng của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa và cũng là một trong 2 Nghị quyết chuyên đề theo chương trình công tác toàn khóa XVII của Thành ủy. Điều đó cho thấy vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội.
Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu bàn kỹ, sâu các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính đột phá, vừa mang tính căn cơ, lâu dài để có thể khơi dậy, bảo tồn và phát huy tối đa giá trị lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, anh hùng của Thủ đô Hà Nội; Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội.
Quang cảnh hội nghị |
Xác định rõ trách nhiệm, đưa công tác quy hoạch, quản lý đô thị vào nền nếp
Về dự thảo 2 Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn TP và công tác quản lý đất đai và khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; Bí thư Thành ủy cho biết, đây là các lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua.
Tuy nhiên đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như tiến độ triển khai các nhiệm vụ quy hoạch còn chậm, chất lượng các đồ án quy hoạch chưa cao, thường xuyên phải điều chỉnh; Công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng còn nhiều hạn chế, yếu kém, phát sinh nhiều vụ việc vi phạm; Vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý làm phát sinh các vụ việc vi phạm lớn về quản lý đất đai, về đấu giá quyền sử dụng đất...
“Những tồn tại, hạn chế và yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chúng tôi cho rằng do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Sự thiếu lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy và sự buông lỏng quản lý của chính quyền các địa phương, cùng sự thiếu trách nhiệm và sự hạn chế về năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ là những nguyên chính dẫn đến những khuyết điểm, yếu kém như đã nêu”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thẳng thắn nhìn nhận.
Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung, thảo luận, bàn kỹ các nội dung của dự thảo Chỉ thị, đặc biệt là các tồn tại, hạn chế và các giải pháp, biện pháp để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, đất đai, khoáng sản; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý; Quy định rõ trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu các cấp nếu để xảy ra vi phạm, sai phạm trên địa bàn, trong lĩnh vực được phân công phụ trách… để thực sự công tác quản lý đối với 2 lĩnh vực này của thành phố đi vào nề nếp và có chuyển biến mạnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo
Về Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp và thống nhất trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xem xét, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy Hà Nội với 2 cuộc kiểm tra và 1 cuộc giám sát chuyên. Đây là những vấn đề rất bức thiết trong giai đoạn hiện nay.
“Tôi đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các Báo cáo, Đề án, dự thảo các Nghị quyết, Kết luận để Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xem xét, thông qua”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu.