Đại biểu Quốc hội: Cắt điện trong thời điểm thời tiết khắc nghiệt là rất đáng trách!
Thời gian qua, tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên tại nhiều địa phương trên cả nước đang gây nhiều khó khăn cho các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của nhiều người dân, doanh nghiệp.
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tình trạng thiếu điện này đã được dự báo từ vài năm trước, trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi lại ở mức khoảng 6 - 7%, tình trạng thiếu điện sẽ còn diễn ra nhiều hơn chứ không phải chỉ như hiện nay.
Nói về nguyên nhân thiếu điện, ngành điện cho rằng, do nắng nóng dẫn đến tiêu thụ điện tăng vọt, nên phải cắt điện luân phiên để giảm tải. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong những năm qua hầu như không có dự án nào lớn được đầu tư, nếu có thì cũng chậm triển khai, không đảm bảo tiến độ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, những doanh nghiệp chậm ở các dự án nguồn điện, do các tập đoàn năng lượng triển khai đầu tư, bao gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau). |
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nhận định, EVN là một trong những thiết chế kinh tế trụ cột, có sứ mệnh bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có cả việc bảo đảm cung cấp điện sản xuất, cho quản lý và cho sinh hoạt của Nhân dân.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng thiếu điện và cắt điện sinh hoạt của người dân xuất hiện nhiều nơi trong cả nước, các nhà máy sản xuất điện ở miền Bắc phải giảm sản xuất điện, do EVN cắt điện 50%.
Đặc biệt, theo đại biểu Lê Thanh Vân, việc cắt điện sinh hoạt của người dân trong những thời điểm thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng với nhiệt độ tăng cao đang diễn ra chưa phản ánh đúng tinh thần phục vụ Nhân dân là rất đáng trách.
"Điều này khẳng định rằng nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và đời sống Nhân dân của EVN không hoàn thành", đại biểu Vân nhận định.
Nhằm tránh cơ chế độc quyền, khả năng lộng hành giá và thao túng thị trường điện, đại biểu Lê Thanh Vân đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu để sớm tách EVN ra làm 2 tổng công ty độc lập gồm: Tổng công ty truyền tải điện, quản lý hệ thống truyền tải 220kV trở lên theo đúng Luật Điện lực và 1 tổng công ty phân phối điện trên cơ sở cổ phần hóa các công ty phân phối trực thuộc tổng công ty phân phối điện.
Ngoài ra, đại biểu Lê Thanh Vân cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm quyết định cổ phần hóa các nhà máy điện hiện nay do EVN đang hạch toán phụ thuộc, để lấy tiền đầu tư cho hệ thống đường dây truyền tải, nhằm giảm áp lực về truyền tải. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình xã hội hóa đối với ngành điện, để tránh nguy cơ lộng hành giá cả và thao túng thị trường điện.
Tương tự, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, tình trạng thiếu điện đã xảy ra nhiều năm nay, hầu như năm nào cũng xảy ra, gây bức xúc cho người dân.
Theo đại biểu Hòa, hiện là một vấn đề cực kỳ quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân. Đại biểu nêu băn khoăn tại sao tình trạng thiếu điện này kéo dài đã nhiều năm mà chưa khắc phục được?
Theo ông Hòa, vấn đề này, trách nhiệm quản lý Nhà nước thuộc về Bộ Công thương và của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
"Các dự án điện năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, xây dựng nhà máy nhiệt điện vẫn đang chờ Ủy ban Quản lý vốn phê duyệt dự án. Nếu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chậm trễ trong phê duyệt thì phải có trách nhiệm trong tình hình thiếu điện hiện nay", ông Hòa chia sẻ
Nói về việc nhiều địa phương bị cắt điện như hiện nay, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, không đủ điện cung cấp thì buộc EVN phải cắt, việc không có điện thì chuyện cắt là điều đương nhiên, bởi không đủ nguồn thì không cung cấp được. Một số thủy điện đang ở mực nước chết, không có khả năng phát điện, đây cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng thiếu điện.
Nêu giải pháp, theo ông Hòa, trước mắt, các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời chưa hòa lưới điện thì EVN cần nhanh chóng làm việc cụ thể với các doanh nghiệp điện để giải quyết vấn đề.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cần xem xét cách thức EVN điều hành lưới điện cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian sắp tới để có đánh giá cụ thể về hoạt động của tập đoàn này.
Nói về kết quả kinh doanh của EVN trong năm 2022, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, nếu năm 2023, 2024 tiếp tục để lỗ thì trách nhiệm của tập đoàn này là rất lớn, không thể năm nào Nhà nước cũng bù lỗ được, tiền bù đắp là từ ngân sách, tiền của người dân, nên gây bức xúc đối với người dân.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, cần cụ thể hóa trách nhiệm và tiến hành thanh tra, kiểm tra kỹ lưỡng để rút ra được nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng thiếu điện cũng như tình hình kinh doanh của EVN hiện nay. Đại biểu nhấn mạnh, nếu lỗ không phải do nguyên nhân khách quan thì không thể chấp nhận được.