Đặc sắc lễ hội 'Vua Hùng dạy dân cấy lúa' xuân Kỷ Hợi 2019
Tương truyền từ xa xưa, các vùng đất bãi ven sông hằng năm được phù sa bồi tụ màu mỡ, Vua Hùng thấy đất tốt mới gọi dân đến bảo cách đắp bờ giữ nước, Người thấy lúa hoang mọc nhiều mới bảo dân cách giữ hạt gieo mạ rồi đem lúa cấy vào tràn ruộng có nước. Lúc đầu dân không biết cấy, Vua dừng ngựa ở đồi Mã Lao (thuộc phường Minh Nông ngày nay) rồi nhổ mạ lội xuống cấy cho dân xem. Mọi người làm theo, cấy lúa đến lúc mặt trời đứng bóng thì Vua và mọi người lên ngồi nghỉ ở bãi đất cao giữa đồng. Nhớ ơn Vua Hùng, nhân dân đã tôn Vua làm ông tổ nghề nông, thường gọi là Thần Nông và dựng đàn Tịch Điền quay lưng về hướng Tây Nam, nơi xưa kia Vua đã ngồi dạy dân cấy lúa. Hằng năm, vào dịp đầu xuân mới, nhân dân địa phương lại tổ chức thực hành tín ngưỡng và sinh hoạt lễ hội để tưởng nhớ ơn Vua.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, cho đến nay lễ hội Vua Hùng dạy dân cây lúa vẫn là lễ hội duy nhất mang tính đặc trưng, tiêu biểu khởi thủy của nghề trồng lúa nước của cư dân nông nghiệp Việt Nam, gắn liền với thời đại Hùng Vương, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc.
Màn tái hiện Vua Hùng dạy dân cấy lúa
Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, với không gian trải dài theo đất phát tích. Đây cũng chính là sự khởi đầu cho chuỗi các hoạt động gắn với màu sắc linh thiêng của Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019.
Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa gồm 2 phần: Phần lễ, các nghi thức từ Cáo yết, cúng Thần Nông đến hoạt động tế lễ, đặc biệt là phần tái diễn “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” được tiến hành trang nghiêm. Tiếp đến phần hội diễn ra các hoạt động thi cấy lúa của các đội và các trò chơi dân gian với sự tham gia đông đảo của người dân và du khách thập phương.
Phần thực hiện nghi lễ
Đây là lễ hội mang ý nghĩa sâu sắc,cần giữ gìn và truyền bá đến các thế hệ sau
Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa là một nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Lễ hội mang tính đặc trưng, tiêu biểu khởi thủy của nghề trồng lúa nước Việt Nam gắn liền với thời đại Hùng Vương; nét đẹp ấy sẽ tiếp tục được các thế hệ con Lạc, cháu Hồng gìn giữ, bảo tồn và phát huy, thực sự trở thành sợi dây kết nối linh thiêng giữa thế hệ hôm nay, mai sau với cội nguồn dân tộc.