Cùng giữ màu xanh của biển: “Xanh mãi” những đường ống dẫn khí
Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia đã cho thấy các sự cố rò rỉ, cháy nổ xảy ra ở các đường ống dẫn khí thường để lại hậu quả khôn lường, có khi trở thành thảm họa đối với con người, môi trường và kinh tế.
An toàn hành lang đường ống
Ngành Công nghiệp khí của Việt Nam bắt đầu phát triển từ năm 1995 của thế kỷ trước, khi dòng khí đầu tiên được đưa vào bờ tại Vũng Tàu từ các mỏ dầu khí ngoài khơi biển Việt Nam. Do đó, công tác an ninh, an toàn trong hoạt động nói chung và bảo vệ đường ống dẫn khí biển nói riêng luôn được PV GAS quan tâm thực hiện thường xuyên đồng hành cùng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Để đảm bảo an ninh, an toàn đường ống dẫn khí biển, PV GAS đã ký kết các quy chế phối hợp và duy trì tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Tổng cục Thủy sản trong việc tuần tra, tuyên truyền và xử lý các vụ vi phạm có khả năng gây mất an toàn hệ thống đường ống dẫn khí biển.
Hoạt động tuyên truyền bảo vệ đường ống dẫn khí biển tại PV GAS. (Hình tư liệu) |
Các đơn vị thành viên của PV GAS như: Công ty Vận chuyển Khí Đông Nam Bộ (KĐN), Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn (NCSP), Công ty Khí Cà Mau (KCM) thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức truyền thông về an ninh, an toàn dầu khí biển cho bà con ngư dân, đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá, các doanh nghiệp vận tải biển…
Tại các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng cho đến Kiên Giang, công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức từ tập trung đến trực tiếp qua việc truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, những video về các vụ rò rỉ, cháy nổ đường ống dẫn khí, phát tài liệu, tờ rơi in bản đồ, tọa độ các tuyến ống dẫn khí; tuyên truyền các quy định về xử phạt vi phạm hành lang an toàn đường ống dẫn khí;… Qua đó, nâng cao hiểu biết, giúp bà con ngư dân nhận thức thêm về các quy định của Nhà nước và những mối nguy hiểm khi hoạt động trong hành lang an toàn đường ống dẫn khí để cùng bảo vệ an ninh, an toàn đường ống, tránh các vi phạm đáng tiếc xảy ra.
Bên cạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, các đơn vị của PV GAS cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh tổ chức tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc, kết hợp bảo vệ an ninh, an toàn đường ống dẫn khí dưới biển; cài đặt tọa độ các đường ống dẫn khí dưới biển lên các máy định vị của tàu cá để các tàu có thể nhận biết và không vi phạm hành lang an toàn tuyến ống; góp phần giữ vững chủ quyền vùng biển, đảm bảo an ninh, an toàn các đường ống dẫn khí dưới biển.
Mặc dù công tác tuyên truyền, bảo vệ đường ống dẫn khí biển luôn được quan tâm và thực hiện thường xuyên nhưng các vụ vi phạm vẫn diễn ra, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một phần do tàu từ nơi khác đến chưa rõ quy định an toàn hành lang tuyến ống. Mặt khác, vùng biển có các hệ thống đường ống dẫn khí đi qua cũng là những ngư trường lớn, tập trung nhiều tàu đánh cá, trong điều kiện đánh bắt ngày càng thu hẹp, một số chủ phương tiện dù đã được truyền thông, biết thông tin tọa độ các tuyến ống và quy định an toàn nhưng vẫn cố tình vi phạm. Tuy số vụ việc vi phạm đều chỉ mang tính chất nhỏ lẻ nhưng cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ và tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro cho an ninh, an toàn đường ống dẫn khí, cũng như cho môi trường biển. Mỗi năm, PV GAS đã phải sửa chữa các điểm móp ống biển của hệ thống khí Cửu Long và PM3 - Cà Mau do tác động từ bên ngoài vào, tiêu tốn rất nhiều nguồn lực và chi phí hàng chục tỷ đồng.
Những sáng kiến “xanh” trên biển
Để tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn đường ống dẫn khí biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm, trong những năm gần đây, các tàu tuần tra đường ống biển đã được trang bị các phương tiện hiện đại hơn, nhằm gia tăng khả năng quan sát, phát hiện các vi phạm. PV GAS cũng đã có nhiều sáng kiến, giải pháp để tăng cường hiệu quả trong công tác này.
Tuần tra phát hiệu tàu cá vi phạm hành lang an toàn tuyến ống biển |
Được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành một lượng lớn các hệ thống đường ống dẫn khí và các trạm phân phối khí của PV GAS, Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ (KĐN) quản lý nhiều tuyến ống trải dài trên biển có mức độ phức tạp cao, băng qua nhiều khu vực biển phức tạp và có mật độ tàu thuyền trong nước và quốc tế qua lại cao. Do đó, công tác bảo vệ đường ống biển của KĐN đối mặt rất nhiều thách thức trước những nguy cơ tàu thuyền, ghe cá mắc neo vào đường ống, đặc biệt là các đường ống ngoài vùng 500 m zone của giàn mặc dù đã có thông báo hàng hải.
Trăn trở trước vấn đề đó, nhóm nghiên cứu KĐN đã tìm ra giải pháp “Sử dụng phần mềm hải đồ để phát hiện và ngăn ngừa tàu vi phạm hành lang tuyến ống”, hỗ trợ tích cực cho công tác đảm bảo an toàn hành lang tuyến ống (HLTO) biển của KĐN. Trong giai đoạn 2017 - 2020, KĐN dùng phần mềm OPENCPN theo dõi tín hiệu AIS của tàu thuyền hàng hải trong bán kính hiệu dụng 30 hải lý tính từ Hải đăng Vũng Tàu. Từ tháng 1/2020, nhóm tác giả đã nâng cấp phần mềm và mở rộng phạm vi kiểm soát.
Phần mềm có tính năng cảnh báo tự động, cho phép gửi cảnh báo kịp thời bằng tin nhắn và email đến tàu/thuyền neo đậu trong hành lang an toàn cũng như gửi thông báo đến các địa chỉ được quy định của KĐN. Ngoài ra, giải pháp cũng tính năng lưu trữ dữ liệu cho phép ghi nhận đường đi của tàu thuyền để theo dấu và truy xuất dữ liệu khi cần, làm bằng chứng xử phạt tàu thuyền xâm phạm… Bên cạnh đó, phần mềm còn có thể được điều chỉnh để mở rộng điểm, vùng cảnh báo khi có thay đổi hoặc mở rộng đường ống biển, giàn trong phạm vi phủ sóng theo yêu cầu của KĐN. Hệ thống cũng có thể truy cập, kết nối từ xa thông qua giao diện Web…
Với việc áp dụng phần mềm theo dõi, quản lý an toàn HLTO, từ năm 2017 đến nay, KĐN đã phát hiện hơn 135 vụ việc tàu neo dừng trong HLTO biển của KĐN và NCSP. Từ khi phần mềm được nâng cấp lên, KĐN đã phát hiện và cảnh báo được thêm nhiều trường hợp tàu thuyền vi phạm các HLTO biển ở tầm xa hơn. Giải pháp này đã trực tiếp nâng cao hiệu quả quản lý tuyến ống biển của KĐN, cũng như gián tiếp giảm thiểu các rủi ro gây mất an toàn và các chi phí thiệt hại liên quan, bởi nếu xảy ra hư hại phải tốn hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng để sửa chữa, chưa tính đến những ảnh hưởng nghiêm trọng, khó lường khác về mặt an toàn, môi trường.
Đường ống dẫn khí được xây dựng hết sức an toàn, theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tuân thủ các quy định về an toàn thì sự cố vẫn có thể xảy ra. Thực tế, công tác bảo đảm an ninh, an toàn đường ống dẫn khí cho thấy, các hoạt động đơn lẻ, thiếu sự phối hợp sẽ không thể đạt được hiệu quả. Do đó, đây là hoạt động luôn cần sự quan tâm hỗ trợ, tăng cường phối hợp của các bộ ngành liên quan và sự chung tay của người dân, nhằm giảm thiểu số vụ vi phạm, ngăn ngừa rủi ro cho con người, tài sản, môi trường.
Qua đó, KĐN góp phần giữ gìn và đánh thức nguồn tài nguyên đang nằm sâu dưới biển để đưa về phục vụ đời sống con người.
KĐN triển khai nhiều biện pháp chống dịch Covid-19 trong tình hình mới KĐN kích hoạt phương án phòng chống dịch cấp độ cao, đưa lực lượng sản xuất trực tiếp vào các điểm tập trung an toàn ... |
KĐN cải tiến, nâng cao hiệu quả chương trình STOP STOP là chương trình quản lý an toàn có nguồn gốc từ Công ty Dupont (Hoa Kỳ), được đưa vào triển khai áp dụng hơn ... |
KĐN tích cực phòng chống Covid-19 “Chống dịch như chống giặc” – “Nhanh chóng – Nghiêm túc – Quyết liệt” là những phương châm, khẩu hiệu được tuyên truyền sâu rộng ... |
PV GAS cụm Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia hiến máu tình nguyện Hưởng ứng phong trào tình nguyện được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), Đoàn Thanh niên 3 đơn vị trực thuộc ... |