Công ty Hoàng Trường phát hành lô trái phiếu 1.400 tỷ đồng, nợ gấp 119 lần vốn chủ sở hữu

Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường, doanh nghiệp phát hành lô trái phiếu 1.400 tỷ đồng, ghi nhận khoản nợ phải trả khoảng 4.000 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 33,8 tỷ đồng.
Chủ dự án Sapphire Coast Đà Nẵng chậm trả lãi lô trái phiếu hơn 700 tỷ đồng Nỗi lo nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng cao Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu có dấu hiệu tích cực

Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2022.

Theo đó, năm 2022, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường ghi nhận lỗ sau thuế 267,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức lỗ 298 tỷ đồng ở kỳ trước.

Đáng chú ý, tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường đạt hơn 33,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 98,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 118,77 lần. Như vậy, ước tính nợ phải trả của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường ở mức khoảng 4.000 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường là âm 790,59%.

Theo báo cáo, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2022 của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường ở mức 41,39 lần.

Công ty Hoàng Trường phát hành lô trái phiếu 1.400 tỷ đồng, nợ gấp 119 lần vốn chủ sở hữu
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia tài chính đánh giá, việc nợ phải trả chiếm phần lớn nghĩa là nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp hầu như là các khoản nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp rủi ro trong việc trả nợ càng lớn.

Mặt khác, một doanh nghiệp mà nợ phải trả cao gấp hàng trăm lần vốn chủ sở hữu nghĩa là công ty đang mất cân đối tài chính nghiêm trọng, sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, trong cấu trúc doanh nghiệp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào họ có thể chi trả cho các hoạt động.

Được biết, cuối năm 2022, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường đã phát hành lô trái phiếu mã HTCH2024001, giá trị là 1.400 tỷ đồng, kỳ hạn trái phiếu là 48 tháng, đáo hạn vào ngày 21/12/2024, thời hạn trả lãi là 6 tháng.

Nhà đầu tư mua lô trái phiếu trên 100% là tổ chức trong nước. Trong đó, công ty chứng khoán chiếm 52,1% và các tổ chức khác là 47,9%.

Ngày 16/3 vừa qua, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường đã công bố thông tin định kỳ về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu của lô trái phiếu trên. Cụ thể, trong ngày 5/1/2022 và ngày 5/7/2022, doanh nghiệp này đã chi hơn 197 tỷ đồng để thanh toán lãi cho lô trái phiếu HTCH2024001.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường được thành lập ngày 25/4/2014, đăng ký địa chỉ tại số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM và có quy mô vốn điều lệ là 100 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật và cũng là chủ của doanh nghiệp này là ông Nguyễn Công Hoàn (SN 1989).

Ở thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường chuyển trụ sở chính tại tầng 7, tòa nhà 362 Phố Huế, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng Giám đốc công ty là bà Nguyễn Thị Trâm Anh.

Trước đó, tháng 6/2019, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường cũng đã phát hành lô trái phiếu mã HTL1924001, trị giá 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, thời điểm đáo hạn là tháng 6/2024. Tuy nhiên, tháng 10/2021, doanh nghiệp đã mua lại toàn bộ lô trái phiếu này.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Cổ phần FiinRatings cho biết, tính đến ngày 17/3/2023, đã có 69 tổ chức phát hành có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành đã không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng giá trị 94,43 nghìn tỷ đồng (bao gồm 4.157,4 nghìn tỷ đồng chậm trả đã đáo hạn từ 2022), chiếm 8,15% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành.

Cụ thể, trong đó có 65 tổ chức phát hành vi phạm nghĩa vụ nợ và 4 đơn vị có trái phiếu doanh nghiệp đến hạn nhưng đã được tái cơ cấu nợ.

Trong tổng số 69 tổ chức phát hành chậm trả, có 43 đơn vị là doanh nghiệp trong ngành bất động sản với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả nợ ở mức 78,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,6% với tổng giá trị trái phiếu của các doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu.

Theo Công ty Cổ phần FiinRatings, các tổ chức phát hành có mức đòn bảy nợ rất cao; dòng tiền trả nợ yếu do vay nợ tăng nhưng vốn chủ yếu tồn đọng ở các khoản phải thu và đầu tư tài chính dài hạn thay vì tạo ra tài sản cố định hữu hình hoặc hàng tông kho hoàn thành dẫn đến rủi ro thanh khoản ở mức cao và rất cao và mất cân đối về kỳ hạn. Kỳ hạn nợ ngắn trong khi dòng tiền kinh doanh âm nhiều kỳ liên tiếp trước khi xảy ra sự kiện vi phạm nợ.

Về xu hướng tình hình trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 và 2024, Công ty Cổ phần FiinRatings cho rằng, vấn đề cần quan tâm và rủi ro chính là 396,3 nghìn tỷ đồng đến từ 302 doanh nghiệp bất động sản trong tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành 788,9 nghìn tỷ đồng với 757 tổ chức phát hành là doanh nghiệp phi ngân hàng.

"Chúng tôi cho rằng tỷ lệ nợ xấu trái phiếu sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới trước khi những thay đổi chính sách có hiệu quả trực tiếp và trước khi môi trường kinh doanh được dần cải thiện rõ rệt", Công ty Cổ phần FiinRatings nhận định.

Nguyên nhân được Công ty Cổ phần FiinRatings cho là áp lực nợ đáo hạn 107,5 nghìn tỷ đồng sẽ đáo hạn trong năm 2023 trong khi triển vọng kinh doanh của ngành bất động sản đang gặp những trở ngại lớn và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Hậu Lộc
Phiên bản di động