Cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều quy định mới, thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp .
Eurowindow - Top 10 doanh nghiệp tư nhân vật liệu xây dựng lớn nhất Việt Nam 2021 T&T Group xuất sắc giành giải đặc biệt tải Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia Bắc Ninh: Hàng chục dự án đầu tư mới với tổng số vốn hơn 19 nghìn tỷ đồng

Nhiều điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tác động tới hoạt động của các chủ thể kinh doanh. Những nội dung đó gồm: Điểm mới về phân loại dự án theo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường; bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường.

Ngày 29/2, Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp với Luật Bảo vệ môi trường”.

Cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường
Toàn cảnh Hội thảo “Doanh nghiệp với Luật Bảo vệ môi trường”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Bùi Hồng Cường, Viện trưởng Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường cho biết, tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động nhằm làm cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái; phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều điểm mới tác động đến các chủ thể kinh doanh, các doanh nghiệp. Hội thảo “Doanh nghiệp với Luật Bảo vệ môi trường” diễn ra sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp có cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về điểm đổi mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; nhằm có phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường chủ động hơn. Từ đó có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, đóng góp cho tăng trưởng theo hướng bền vững.

Cụ thể Luật đã quy định rõ hơn so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 về các yêu cầu đối với Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong quá trình chuẩn bị, triển khai các dự án đầu tư. ĐTM không chỉ đưa ra các phân tích, dự báo tác động môi trường của dự án mà còn có vai trò xác định sự cố môi trường để đưa ra các biện pháp giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường. Điều này giúp cho các nhà đầu tư có thể phòng ngừa và giảm thiểu các sự cố môi trường có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dự án.

Cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường
Hội thảo đã giúp cho các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về luật bảo vệ môi trường.

Việc sử dụng thống nhất một loại Giấy phép môi trường được đánh giá tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án và giảm các chi phí trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Việc này cũng giúp cho quá trình quản lý nhà nước về môi trường được thống nhất và chặt chẽ.

Ngoài việc tuân thủ các quy định mới về môi trường, các nhà đầu tư cũng cần phải lưu ý trách nhiệm chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại của hành vi đó. Quy định này cũng sẽ ràng buộc và tăng cường trách nhiệm đối với nhà đầu tư trong việc thực hiện và tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường.

Theo luật sư Vi Văn Diện, Công ty Luật Thiên Minh cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định một số tiêu chí về môi trường để phân loại các dự án đầu tư bao gồm: Quy mô, công suất và loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; diện tích sử dụng đất, đất có mặt nước và/hoặc vùng biển, quy mô khai thác tài nguyên thiên nhiên; và các yếu tố nhạy cảm về môi trường. Các tiêu chí này sẽ giúp xác định dự án nào phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (ĐTM sơ bộ), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phải xin giấy phép môi trường.

Trước đây, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 chỉ quy định các tiêu chí chung như dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc dự án sử dụng đất thuộc khu bảo tồn động vật hoang dã, vườn quốc gia, di tích lịch sử - văn hóa, di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; hoặc các dự án có thể gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Các tiêu chí về môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định cụ thể và thu hẹp phạm vi các dự án phải xin cấp phép và phê duyệt về môi trường.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận một số vướng mắc, bất cập trong Luật Bảo vệ môi trường; đề xuất giải pháp để các quy định về xử lý vi phạm hành chính và tội phạm về môi trường được thực hiện một cách hiệu quả, có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn. Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh đến hoàn thiện quy định trong việc phân loại tội phạm về môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi công dân trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường...

Quang Nhật
Phiên bản di động