Coca-cola quảng cáo "Mở lon Việt Nam": Sao cho đúng luật?
Quảng cáo là một phần của hoạt động kinh doanh, góp phần thúc đẩy và mở rộng thị phần của mỗi doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quảng cáo còn được coi là con đường ngắn nhất đưa sản phẩm tới người tiêu dùng, từ đó kích cầu, tăng năng suất sản xuất, đưa doanh nghiệp phát triển bền vững và góp phần ổn định nền kinh tế của Việt Nam. Với vai trò và tầm quan trọng của mình, quảng cáo được rất nhiều nhãn hàng, thương hiệu đặc biệt quan tâm.
Thời gian gần đây, dư luận đang quan tâm đến nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam” bị Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tuýt còi vì nội dung thiếu rõ ràng, thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Đức Tùng – Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội.
Quảng cáo của Coca - Cola tại Việt Nam. |
Thưa Luật sư, pháp luật quảng cáo hiện hành quy định như thế nào về nội dung quảng cáo thiếu rõ ràng, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam?
Luật sư Nguyễn Đức Tùng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo 2012 thì “Nội dung quảng cáo phải đảm bảo trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo”. Nội dung quảng cáo chính là thông điệp mà nhà sản xuất muốn truyền tải tới người tiêu dùng, nhằm mục đích để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm của họ, từ đó tạo niềm tin và thói quen sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng. Do đó, pháp luật quy định rất cụ thể về nội dung quảng cáo, đó là phải đảm bảo tính trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo.
Luật sư Nguyễn Đức Tùng – Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội. |
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 thì một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo là “Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Như vậy, nội dung của quảng cáo ngoài việc phải đảm bảo trung thực, chính xác, rõ ràng thì còn phải đảm bảo tính phù hợp với thẩm mỹ, với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Nếu những quảng cáo có nội dung không đáp ứng các điều kiện kể trên thì nhà sản xuất sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đồng thời còn bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa nội dung quảng cáo hay buộc phải cải chính thông tin (Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quay định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo).
Tôi nhận thấy, pháp luật quy định về nội dung quảng cáo phải rõ ràng, không được thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam là phù hợp, không chỉ đảm bảo nội dung quảng cáo trong sáng, lành mạnh mà còn đảm bảo, giữ gìn và duy trì nền văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Vậy Luật sư có nhận định như thế nào về nội dung quảng cáo gần đây của sản phẩm Coca-Cola tại Việt Nam?
Luật sư Nguyễn Đức Tùng: Thông tin gần đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho biết, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa có Công văn gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa Thông tin các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola, vì cho rằng nội dung quảng cáo sản phẩm này trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo hiện nay có sử dụng cụm từ “mở lon Việt Nam” là không rõ ràng, thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuẩn phong mỹ tục Việt Nam.
Theo như phân tích ở trên, tôi cho rằng, nội dung của bất kỳ sản phẩm quảng cáo nào cũng cần phải được làm rõ ràng để tránh những suy diễn, những hiểu nhầm không nên có. Do đó:
Thứ nhất, cụm từ “mở lon Việt Nam” có đảm bảo tính rõ ràng trong nội dung quảng cáo hay không?
Theo Tiếng Việt thì từ “lon” trong quảng cáo của Coca-Cola tại Việt Nam để chỉ vỏ hộp sữa, rượu hoặc nước uống hình trụ bằng kim loại (lon sữa bò, lon bia, lon nước ngọt). Từ “lon Việt Nam” về mặt ngữ nghĩa theo tôi là chưa rõ ràng, không thể hiện được ý nghĩa sản phẩm quảng cáo và mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà sản xuất. Mặt khác, theo quy định pháp luật lon nước ngọt mang thương hiệu Coca - Cola là một loại thực phẩm (khoản 20 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm), do đó, khi quảng cáo thực phẩm thì nội dung quảng cáo phải bao gồm: tên thực phẩm và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP).
Do đó, để phù hợp với quy định pháp luật: “nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng” (khoản 1 Điều 19, Luật Quảng cáo), không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo, đáp ứng được hiệu quả kinh tế của sản phẩm quảng cáo, doanh nghiệp nên sửa, bổ sung cụm từ “lon Việt Nam” bằng cách thêm một tiền tố (tên sản phẩm, hoặc tên nhà sản xuất) vào trước từ Việt Nam, giả sử như “lon Coca Cola Việt Nam” thì ý nghĩa cụm từ này lại hoàn toàn khác, sẽ không gây hiểu nhầm như cụm từ “mở lon Việt Nam”.
Thứ hai, cụm từ “mở lon Việt Nam” có trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam hay không?
Như phân tích ở phần thứ nhất, về ngữ nghĩa thì cụm từ “mở lon Việt Nam” là thiếu rõ ràng. Mặt khác, về quy định pháp luật, tại khoản 3 Điều 8 Luật Quảng cáo cũng như Điều 8, Quyết định số 4149/QĐ-BVHTTDL ngày 03/11/2017 về việc ban hành Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo chỉ quy định về hành vi cấm quảng cáo và phải tôn trọng truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam nhưng lại không quy định thế nào là thiếu thẩm mỹ, thế nào là trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Do đó, đối với trường hợp quảng cáo dễ gây hiểu nhầm như trường hợp của sản phẩm Coca Cola, nhà quảng cáo khó có quy chuẩn để xác định nội dung quảng cáo của mình có thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam hay không?
Theo tôi, ngôn ngữ quảng cáo có những đặc thù riêng, cần phải ngắn gọn, nói đúng nội dung sản phẩm, mới lạ, dễ nhớ và hay. Sự việc của Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam vừa rồi đã gây tác động không nhỏ đến doanh thu và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Do đó, mỗi sản phẩm quảng cáo khi đưa ra thị trường, nhà quảng cáo cần phải đảm bảo được thông điệp rõ ràng, nội dung trong sáng, tránh gây hiểu nhầm.
Xin cám ơn Luật sư!