Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn tiêu cực, làm thất thoát vốn

Theo đánh giá của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, những năm qua, việc cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước triển khai còn chậm; có nhiều vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản; và còn một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được giải quyết.
Không để lợi ích nhóm khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước khó đạt kế hoạch

Ngày 24/11, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại các doanh nghiệp Nhà nước và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”.

Ông Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, từ năm 2017 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 của 16 doanh nghiệp Nhà nước.

Kết quả kiểm toán cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, làm ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, định giá tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, chi phí trả trước dài hạn, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất...

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn tiêu cực, làm thất thoát vốn
Agribank chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.

Qua công tác kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã xác định giá trị thực tế vốn Nhà nước theo phương pháp tài sản tăng 15.447,68 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu đối với 2 công ty đủ điều kiện định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu, nhưng tổ chức tư vấn định giá chỉ sử dụng phương pháp tài sản, Kiểm toán Nhà nước xác định giá trị vốn Nhà nước tăng thêm so với phương pháp tài sản là 15.684,31 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian này, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 45 doanh nghiệp Nhà nước. Hầu hết các đơn vị được kiểm toán đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ; một số đơn vị chậm bàn giao tài sản, đất đai theo phương án cổ phần hóa; sử dụng đất không đúng mục đích; một số đơn vị xác định nợ phải trả không chính xác.

Bên cạnh đó, UBND một số tỉnh, thành phố chưa có ý kiến, chậm có ý kiến hoặc chưa phê duyệt phương án sử dụng đất, giá đất; một số đơn vị chậm phê duyệt quyết toán tài chính, quyết toán số tiền thu cổ phần hóa; kết quả kiểm toán xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tăng 1.576,96 tỷ đồng.

Tương tự, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng cho rằng, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang chậm so với tiến độ đặt ra.

Theo đó, trong 9 tháng năm 2020 mới chỉ phê duyệt phương án cổ phần hóa 7 đơn vị, công bố giá trị doanh nghiệp của hai tổng công ty phát điện tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam với giá trị doanh nghiệp hơn 46.000 tỷ đồng. Hơn nữa, theo Danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành cổ phần hóa 127 doanh nghiệp Nhà nước nhưng đến nay mới đạt 28% kế hoạch.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, VNPT, Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tổng công ty Lương thực miền bắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.

Cũng tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thẳng thắn cho rằng, nguyên nhân quan trọng khiến tiến trình cổ phần hóa chậm trễ là do thủ tục xác định giá trị đất đai mất nhiều thời gian. Đặc biệt, có một số doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ vì đất, trong đó có những mảnh là đất vàng, đất kim cương. Trong nhiều trường hợp, đất đai là “miếng mồi ngon” để nhà đầu tư tích cực tham gia quá trình cổ phần hóa.

Theo ông Ánh, nhiều sai phạm gây thất thoát tài sản Nhà nước từ khâu xác định giá trị đất khi cổ phần hóa trong quá khứ khiến công tác này không thể xem nhẹ. Chính vì vậy, ông đánh giá cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc chống nguy cơ thất thoát đất công trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Văn Huy
Phiên bản di động