Có những người "vượt dịch" như thế!

Gác hạnh phúc riêng, làm việc bất kể ngày đêm, vừa làm vừa chống dịch... là những cụm từ thời gian qua dành để nói về các cán bộ, chiến sĩ công an nói chung, Công an TP Hà Nội nói riêng làm nhiệm vụ cấp căn cước công dân gắn chíp cho người dân trên địa bàn.
Vượt dịch Covid-19, kích cầu du lịch xứ Lạng Thành phố cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp [Chùm ảnh] Vượt dịch Covid-19, nhiều người Lạng Sơn tham gia hiến máu

Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin, cùng lúc thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa tăng cường phòng chống dịch, vừa hoàn thành nhiệm vụ cấp căn cước công dân, trong quá trình làm nhiệm vụ, đơn vị đã xuất hiện nhiều tấm gương không quản ngại gian khó hoàn thành nhiệm vụ.

Trong thành tích chung, đến nay đã hoàn thiện hồ sơ cấp được 4.263.474 căn cước công dân gắn chíp toàn thành phố (đạt gần 70% chỉ tiêu Bộ Công an giao) có đóng góp không nhỏ của nhiều cán cán bộ chiến sĩ hi sinh hạnh phúc riêng tư, làm việc bất kể ngày đêm…

Dẫn đầu chỉ tiêu cấp căn cước công dân toàn thành phố vẫn là quận Hà Đông. Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông, đến nay công tác cấp căn cước công dân đã phủ kín địa bàn. Công an quận đang triển khai giai đoạn tiếp theo là tăng cường các tổ cấp căn cước công dân lưu động “đi từng ngõ, rà từng nhà” khép kín địa bàn không để công dân nào thiệt thòi khi không được cơ quan công an mời đến phối hợp. Điều này cũng giúp đỡ lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ.

Có những người "vượt dịch" như thế!
Tổ cấp căn cước công dân lưu động quận Hà Đông làm việc trong ngày bầu cử

Trung tá Nguyễn Thị Hồng Yến, Đội phó Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Hà Đông thông tin thêm, đến nay đã hoàn thành hồ sơ cấp căn cước công dân cho khoảng 210.000 người dân quận Hà Đông.

Các tổ cấp căn cước công dân lưu động chủ yếu là cán bộ nữ. Họ vẫn ngày đêm bám trụ địa bàn, rà soát những trường hợp thuộc diện lưu trú để mời người dân tới làm việc. Nhiều cán bộ nữ phải gửi con cho ông bà trông, xa gia đình nhiều ngày...

Được tăng cường tham gia “chiến dịch” cấp căn cước công dân gắn chíp trên địa bàn huyện Đan Phượng, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội phó Đội Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc, Công an huyện Đan Phượng được phân công phụ trách các tổ cấp lưu động, tổ kỹ thuật.

Công việc mới mẻ, bỡ ngỡ nhưng như những đồng đội khác, Thiếu tá Thắng đã sớm bắt nhịp với công việc, triển khai thực hiện hiệu quả, luôn đôn đốc kiểm tra, giám sát cán bộ chiến sĩ cùng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Có những người "vượt dịch" như thế!
Khâu lấy vân tay là khâu thứ 3 sau bước nhận hồ sơ, nhận dạng khuôn mặt. Sau bước này, người dân sẽ ngồi chờ đến lượt được gọi tên ra chụp ảnh và bước cuối cùng là nhận lại CCCD cũ và giấy hẹn nhận thẻ mới. Ảnh: điểm cấp căn cước công dân Công an quận Hoàng Mai

Quá trình triển khai cấp lưu động tại các xã, thị trấn thường xuyên có những bất cập, khó khăn khi một số điểm tổ chức thu nhận hồ sơ còn chật hẹp, thiếu ánh sáng, trang thiết bị sắp xếp chưa khoa học, còn lộn xộn, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất cho việc thu nhận vân tay cho công dân, vân tay của người cao tuổi, người dân lao động nặng không đạt yêu cầu thì máy không cho thu nhận tiếp…

Nhưng theo Thiếu tá Thắng, nhờ chủ động lập nhiều kế hoạch, điều tra cơ bản để nắm rõ tập quán dân cư, đặc điểm từng xã, thị trấn; tính toán chuẩn bị, sàng lọc dữ liệu, số thứ tự từ trước, để người dân đến vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày cũng đều có thể làm thủ tục nhanh chóng, thuận lợi.

Việc phân lịch cấp căn cước cho người dân một cách khoa học, ưu tiên các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, thương bệnh binh, trường hợp người cao tuổi, già yếu bệnh tật gặp khó khăn trong việc di chuyển, các cháu học sinh cuối cấp chuẩn bị thi tốt nghiệp… gắn với thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch thực hiện đồng bộ nên đến nay huyện Đan Phượng đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát dân cư và cấp căn cước công dân.

“Tính đến hết nay, Công an huyện Đan Phượng đã thu nhận 118.234 hồ sơ căn cước công dân, đạt tỉ lệ 90,08% so với mục tiêu. Số công dân tồn còn phải cấp là 13.017 trường hợp” – Thiếu tá Thắng thông tin.

Có những người "vượt dịch" như thế!
Niềm vui của cán bộ cấp căn cước công dân trên địa bàn làm nhiệm vụ khi chiều xuống

Trung tá Trần Thị Mai Ngọc, Tổ trưởng Tổ cấp căn cước công dân lưu động, Công an quận Hoàn Kiếm tâm sự, ngày 1/3/2021 cao điểm bắt đầu, Bộ Công an giao chỉ tiêu mỗi máy một ngày phải cấp cho 300 hồ sơ. Thế nhưng, hầu hết những điểm lưu động đều vượt chỉ tiêu với 400, thậm chí 450 hồ sơ.

Theo kế hoạch, ca tối sẽ làm việc đến 22h nhưng có những kíp trực làm tới 5h sáng hôm sau. Trong chiến dịch cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an không quản ngại khó khăn, vất vả, ngày đêm âm thầm đóng góp sức mình phục vụ nhân dân.

Đại tá Nguyễn Hồng Ky chia sẻ, cùng với việc triển khai công tác bảo đảm an ninh trật tự phục vụ Ngày hội bầu cử của cử tri Thủ đô, sáng 23/5, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp Công an các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông tổ chức các điểm lưu động thu nhận hồ sơ Căn cước công dân ngay cạnh địa điểm bỏ phiếu. Người dân đánh giá đây là cách làm sáng tạo của Công an TP và tạo thuận lợi tối đa cho công dân.

Có những người "vượt dịch" như thế!
Tổ cấp căn cước công dân lưu động Công an huyện Phú Xuyên đến tận nhà anh Phan Văn Dương (sinh năm 1979 tại thôn Phong Triều, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) bị tai nạn giao thông, 5 năm phải nằm liệt giường.

Cũng trong những ngày diễn ra bầu cử, hình ảnh Công an huyện Phú Xuyên đến tận nhà người dân cấp căn cước công dân khi chiều tà đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân. Ngay trong chiều 23/5, khi công tác bảo vệ bầu cử cơ bản hoàn thành, tổ công tác cấp căn cước công dân lưu động tại điểm cấp xã Nam Triều đã vào tận nhà cấp cho 2 công dân Phan Văn Dương (sinh năm 1979 tại thôn Phong Triều, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) bị tai nạn giao thông 5 năm phải nằm liệt giường, không thể tự sinh hoạt cá nhân và Anh Phan Văn Sơn, (sinh năm 1964 cũng tại thôn Phong Triều xã Nam Triều) bị tai nạn lao động 10 năm nằm liệt giường, không thể tự sinh hoạt.

Có những người "vượt dịch" như thế!
Công an TP Hà Nội thành lập các tổ lưu động để triển khai cấp Căn cước công dân trên toàn thành phố

Hiện tại, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế và TP Hà Nội, với quyết tâm vừa phòng chống dịch vừa hoàn thành chỉ tiêu căn cước công dân, Công an TP Hà Nội đã tạm dừng việc cấp căn cước công dân gắn chíp tại những nơi có trường hợp bị nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 (tạm dừng cấp căn cước công dân ở 3 huyện: Đông Anh, Thường Tín, Gia Lâm; đồng thời cấp hạn chế tại huyện Phúc Thọ). Các địa bàn này chỉ thu nhận hồ sơ tại trụ sở Công an cấp quận, huyện cho những trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách nhưng phải đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo quy định.

Tại các quận, huyện khác các tổ cấp căn cước công dân lưu động vẫn cấp căn cước công dân bình thường trên cơ sở đảm bảo quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Hoa Thành
Phiên bản di động