Có một công viên - rừng hồi sinh từ khu đất “chết”

Khu đất hoang phế, ngập ngụa rác thải trở thành công viên- rừng. Ðó là công viên rộng 9.000m2 ngay tại trung tâm Hà Nội - phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) không phải do Nhà nước đầu tư, mà hình thành từ sự đóng góp của cộng đồng.
Tìm giải pháp bền vững quản lý vỉa hè, chợ, công viên Hà Nội họp bàn về quản lý vỉa hè và đầu tư chợ, công viên Những quốc gia sáng tạo trong việc khai thác công viên, hồ nước

Vì một Hà Nội đáng sống

"Vì một Hà Nội đáng sống" - đó là tiêu chí và cũng là tên của mạng lưới gồm các kiến trúc sư, nhà hoạt động xã hội hướng đến xây dựng một Hà Nội tốt đẹp hơn. Mạng lưới "Vì một Hà Nội đáng sống" khởi đầu ý tưởng về công viên - rừng. Sau đó, được sự phối hợp của các tổ chức, đoàn thể, và người dân tại khu vực phường Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), tổ chức này đã cải tạo một đoạn bờ vở sông Hồng thành một không gian xanh, sạch, trở thành nơi vui chơi của người lớn và trẻ nhỏ, gắn kết con người với thiên nhiên.

Giai đoạn 1 của dự án đưa vào hoạt động từ năm 2021, với một khu “vườn rừng” và một sân chơi rộng khoảng 3.000m2. Giai đoạn 2 của dự án được tiến hành từ tháng 7/2022, bàn giao đầu năm 2023, đưa tổng diện tích khu vực lên đến 9.000m2, với ba phân khu: Khu vườn rừng trồng các loại rau, các loại thuốc nam của chị em phụ nữ; khu “vườn giác quan” trồng các loại cây, loại hoa để mọi người khám phá; khu tập luyện thể dục, thể thao và vui chơi.

Nhớ lại cách đây không lâu, địa điểm trên bị bỏ hoang, ô nhiễm môi trường, ngập ngụa rác thải, nước thải, bốc mùi khó chịu, cây cối mọc dại um tùm. Chính vì thế, nơi này trở nên khó tiếp cận và ai cũng ngần ngại bước đến.

Có một công viên “sống” hồi sinh từ khu đất “chết”
Khu vực từng là bãi hoang phế, nay đã thu hút người lớn, trẻ nhỏ đến vui chơi

Nhưng giờ đây, khu vực này đã trở thành khu vườn rừng sinh thái, sân chơi cho trẻ em, nơi tập thể dục cho người già. Các hạng mục, thiết bị đều được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường thiên nhiên, tạo điều kiện cho con người được giao tiếp với nhau và giao tiếp với thiên nhiên. Trong suốt quá trình thực hiện dự án, các đơn vị thực hiện luôn nhận được sự ủng hộ, đồng hành của chính quyền địa phương.

Dự án cải tạo môi trường bờ vở sông Hồng thành công, chính là nhờ sự góp sức tích cực của các lực lượng và Nhân dân trong khu vực, từ hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên và đông đảo nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự góp sức của các tình nguyện viên từ người lớn đến các em học sinh, đã vượt đường xa đến để dọn rác, làm sạch môi trường...

Có một công viên “sống” hồi sinh từ khu đất “chết”
Người dân phường Chương Dương phấn khởi khi có công viên - rừng trên địa bàn

Dự án không chỉ tạo cảnh quan đẹp mắt, mà còn mang lại quả ngọt, rau xanh, thuốc nam cho mọi người. Hơn thế, còn góp phần cải tạo nguồn đất bị ô nhiễm, chống sạt lở, đồng thời kết nối con người với thiên nhiên và kết nối mọi người với nhau.

Bà Lâm Mai Liên, người dân phường Chương Dương chia sẻ: “Trước đây, chẳng ai đến khu vực này. Từ khi có mạng lưới tình nguyện đến triển khai dự án, mỗi người một tay, tuỳ theo sức khoẻ, khả năng của mình để góp sức phát triển công viên – rừng nơi đây. Tôi nay đã gần 80 tuổi nhưng hằng ngày vẫn mang chổi ra quét sạch sân chơi để bọn trẻ đi học về có không gian sạch sẽ vui chơi. Người dân ở đây phấn khởi, sung sướng lắm”.

Con người hoà với thiên nhiên

Anh Nguyễn Tiêu Quốc Ðạt, Giám đốc Thinks Playground chia sẻ: “Công viên - rừng là khái niệm còn mới ở Việt Nam, nhưng trên thế giới đã phổ biến với nhiều mô hình. Trong đó có mô hình dựa trên những tàn tích còn sót lại của vùng hoang dã hoặc bán hoang dã. Bờ vở sông Hồng rất phù hợp mô hình này, ở đây có những cây cối mọc hoang kết hợp với cây ăn quả người dân trồng. Chúng tôi đã khảo sát các loài thực vật, lên danh mục cây nào nên giữ lại, cây nào nên chặt bỏ. Ngoài trồng thêm cây bóng mát, chúng tôi vừa giữ lại, vừa bổ sung các cây bò dưới mặt đất như: Tàu bay, rau muối, rau dền, tầm bóp, cam thảo... Cây bụi thì giữ lại những cây chim thích ăn như cây phèn đen, phèn trắng, ráy... vừa tạo hệ sinh thái đa dạng cho các loài sinh vật, vừa tạo màu xanh cho con người”.

Ban đầu người dân không đồng tình với cách làm của chuyên gia là để sân nền đất. Nhưng sau nhiều lần gặp gỡ, thuyết phục, người dân đã hiểu rằng “đây là giải pháp hoà hợp vào thiên nhiên” với chi phí thấp nhất.

Có một công viên “sống” hồi sinh từ khu đất “chết”
Màu xanh bao quanh khu vực công viên

Từng khảo sát nhiều khu vực của Hà Nội, anh Lê Quang Bình, điều phối viên của Mạng lưới nhận ra, chỉ cách hồ Hoàn Kiếm không xa, nhưng người dân sinh sống ở khu vực ngoài đê sông Hồng lại chịu nhiều thiệt thòi, nhất là trẻ em.

Nơi đây có nhiều hộ dân “nhảy dù”, an ninh trật tự phức tạp, lại không có chỗ vui chơi. Vì thế, anh Bình cùng cộng sự quyết định chọn nơi này để “tạo ra một sự thay đổi”. Tổ chức "Vì một Hà Nội đáng sống" hoạt động đúng với ý nghĩa của một “mạng lưới”, đó là vận động, kết nối những “người lạ” từ khắp mọi nơi, từ doanh nhân cho đến học sinh, sinh viên hay nhân viên đại sứ quán các nước đóng tại Hà Nội… Cứ thứ Bảy, Chủ nhật, các tình nguyện viên lại đến đây dọn rác, trồng cây.

Có một công viên “sống” hồi sinh từ khu đất “chết”
Người dân Chương Dương tự hào: Chỉ cần ra công viên - rừng là có thể hoà mình vào với thiên nhiên

Từ đầu năm 2023, công viên đã được mạng lưới bàn giao cho người dân. Hiện các kiến trúc sư chỉ thỉnh thoảng xuống khảo sát, tư vấn. Nhưng điều đặc biệt là người dân giờ vẫn tiếp tục cải tạo, hoàn thiện. Diện mạo công viên - rừng này mỗi ngày mỗi khác, thêm nhiều cây mới, sạch, đẹp hơn. Buổi sáng thì nhiều người lớn tuổi ra đây tâm sự, ngồi nghỉ, hóng mát. Buổi chiều thì trẻ con người đùa, vui chơi khắp chốn sau giờ học căng thẳng.

Có thể nói, những hình ảnh của vườn rừng Chương Dương hiện nay là minh chứng tốt nhất cho sức mạnh của cộng đồng. Họ có thể biến những không gian hoang vu, tồi tàn thành những không gian hữu ích với chi phí thấp nhất.

Với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng như hiện nay, việc có những công viên – rừng trong lòng thành phố thực sự “quý hơn vàng” vì mang lại không gian xanh, hữu ích cho người dân. Vậy tại sao chúng ta không biến những nơi hoang phế, nơi đổ rác… thành điểm vui chơi ý nghĩa cho cộng đồng?

Hoa Thành - Hoàng Duy
Phiên bản di động