Cơ hội lớn để đổi mới quản trị Nhà nước
Theo đó, định hướng không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Chủ trương này ngay lập tức nhận được sự quan tâm rộng rãi của dư luận và các chuyên gia, nhà quản lý, với nhiều ý kiến đồng thuận, đánh giá đây là bước đi quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, phù hợp với xu thế hiện đại hóa bộ máy Nhà nước.
![]() |
Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội, chi nhánh số 1 tại Tây Hồ là kết quả của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy tiến tới sắp xếp quận huyện, xã phường |
Tinh gọn bộ máy để quản trị hiệu quả hơn
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách Công - Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, với sự phát triển của công nghệ và các mô hình quản trị hiện đại, phần lớn các dịch vụ hành chính công có thể thực hiện trực tiếp ở cấp phường, xã, trong khi các hoạt động quy hoạch, quản lý tài chính công và phát triển kinh tế vùng nên thuộc thẩm quyền cấp tỉnh.
“Theo xu hướng chung của thế giới, một hệ thống hành chính hiệu quả là hệ thống tinh gọn, loại bỏ các tầng nấc trung gian không cần thiết. Khi các tỉnh có quy mô lớn hơn, họ sẽ có đủ nguồn lực và quyền hạn để phát huy tiềm năng kinh tế, tránh tình trạng phân tán nguồn lực như hiện nay,” PGS.TS Phạm Duy Nghĩa nhận định.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Trình, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh, cho rằng không tổ chức cấp huyện sẽ giúp giảm tầng nấc trung gian, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách nhà nước và quan trọng nhất là đưa chính quyền đến gần hơn với người dân.
“Một bộ máy gọn nhẹ sẽ giúp cải thiện hiệu quả quản lý, người dân có thể tiếp cận dịch vụ công một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn,” ông Trình nhấn mạnh.
Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP Hồ Chí Minh, đánh giá việc không tổ chức cấp huyện và sáp nhập một số tỉnh thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn trong cải cách hành chính.
Theo ông, nếu triển khai thành công, mô hình này sẽ giúp giảm chi thường xuyên, giảm sự chồng chéo trong quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công.
Băn khoăn và giải pháp để triển khai hiệu quả
Bên cạnh sự đồng thuận, vẫn có những băn khoăn về việc triển khai chủ trương này tại các đô thị lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh - nơi có hệ thống hành chính quy mô lớn và phức tạp.
Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa cho rằng, các đô thị đặc thù như TP Hồ Chí Minh cần có không gian thực thi tổ chức chính quyền linh hoạt hơn.
“Việc phân cấp, ủy quyền mạnh hơn cho các đơn vị hành chính cấp cơ sở sẽ giúp giảm tải cho chính quyền thành phố, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình của bộ máy quản lý Nhà nước,” ông phân tích.
Một vấn đề quan trọng khác là công tác cán bộ. Việc không tổ chức cấp huyện đồng nghĩa với việc một số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị tác động. Tiến sĩ Trần Quang Thắng nhấn mạnh rằng cần có chính sách rõ ràng, công bằng trong việc bố trí cán bộ, tránh tình trạng “chảy máu chất xám” và đảm bảo quyền lợi hợp lý cho những người bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, lộ trình thực hiện cũng là yếu tố then chốt. PGS.TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cho biết để có cơ sở pháp lý cho việc không tổ chức cấp huyện và sáp nhập tỉnh, cần phải sửa đổi Hiến pháp và hàng loạt văn bản pháp luật khác.
“Quá trình này cần được tiến hành bài bản, có sự tham vấn từ nhiều phía để đảm bảo tính đồng thuận cao nhất,” ông nhấn mạnh.
Người dân tin tưởng và kỳ vọng
Không chỉ các chuyên gia, đông đảo người dân cũng bày tỏ sự đồng tình với chủ trương này. Ông Hoàng Văn Kỳ (phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng việc tinh giản bộ máy sẽ giúp chính quyền hoạt động hiệu quả hơn, giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà.
“Bỏ cấp huyện đồng nghĩa với việc người dân không còn phải đi lại giữa nhiều cấp chính quyền để giải quyết công việc, thay vào đó mọi thứ sẽ được xử lý tập trung, nhanh gọn hơn”, ông Kỳ cho biết.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Trọng Hậu (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tin rằng sắp xếp lại bộ máy sẽ tạo ra môi trường quản lý thông thoáng, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế.
“Nhìn vào thực tế, thời gian qua chúng ta đã làm rất tốt việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, vậy thì việc bỏ cấp huyện cũng là bước đi tất yếu, phù hợp với xu hướng hiện đại hóa nền hành chính công,” anh Hậu nhận định.
Một số ý kiến cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào quản lý nhà nước, việc tổ chức lại chính quyền theo hướng tinh gọn sẽ giúp tận dụng tối đa các lợi thế của công nghệ, tạo nền tảng vững chắc cho một nền hành chính hiện đại.
Cơ hội lớn để đổi mới quản trị Nhà nước
Theo PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, việc bỏ cấp huyện không chỉ là một giải pháp tinh giản bộ máy mà còn là một cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, minh bạch và hiệu quả hơn.
“Từ những kết quả bước đầu đạt được trong quá trình sắp xếp lại bộ máy, có thể thấy đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Việc giảm bớt tầng nấc hành chính sẽ giúp nâng cao năng lực điều hành, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng dịch vụ công,” PGS.TS Tô Văn Hòa phân tích.
Ông cũng cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với mô hình này là bước đi cần thiết, đảm bảo tính pháp lý cho quá trình tái cấu trúc hệ thống hành chính.
“Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, cùng với quyết tâm của các địa phương và sự đồng thuận của nhân dân, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước lần này sẽ tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần đưa đất nước phát triển bền vững,” ông Hòa nhấn mạnh.
Chủ trương không tổ chức cấp huyện, sáp nhập tỉnh là một bước đi lớn trong cải cách hành chính, hướng tới xây dựng một nền hành chính tinh gọn, hiện đại và hiệu quả hơn. Dù còn nhiều thách thức trong quá trình thực hiện, nhưng với quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận của các chuyên gia và nhân dân, đây hứa hẹn sẽ là bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. |