Công an cấp xã: “Cánh tay nối dài” trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm

Trong bối cảnh tổ chức lại bộ máy công an, đặc biệt là khi không còn tổ chức công an cấp huyện, vai trò của công an cấp xã trong tiếp nhận, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm ngày càng trở nên quan trọng. Đây được xem là tuyến đầu, nơi thực hiện các bước điều tra ban đầu và giữ vai trò nền tảng trong chuỗi quy trình tố tụng hình sự.
Chống tội phạm công nghệ với tinh thần "người trước, súng sau" Hồi chuông cảnh báo về tội phạm trẻ hóa và ảnh hưởng từ game bạo lực Triệt phá đường dây mua bán ma tuý lớn trên không gian mạng

Tiếp nhận ban đầu, xác minh sơ bộ

Theo quy định tại Hướng dẫn số 11/HD-BCA ngày 15/3/2025 của Bộ Công an và Thông tư liên tịch số 02/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC, công an cấp xã được giao nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại và xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú.

Cụ thể, sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân, công an cấp xã phải lập biên bản, đánh giá tính chất vụ việc và nhanh chóng tiến hành các bước xác minh sơ khởi, thu thập lời khai của người tố giác, người bị hại, nhân chứng và tổ chức bảo vệ hiện trường (nếu có).

Đặc biệt, trong những trường hợp có dấu hiệu tội phạm quả tang hoặc vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, công an cấp xã phải lập tức báo cáo bằng hình thức nhanh nhất cho cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh để tiếp nhận và điều tra theo luật định.

Công an xã tuần tra, kiểm soát
Công an xã tuần tra, kiểm soát

Dù đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu xử lý vụ việc, công an cấp xã không có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự như tạm giữ, khám xét. Các bước tố tụng này thuộc quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh - đơn vị được giao toàn quyền theo Thông tư liên tịch số 2/2025.

Luật sư Hoàng Văn Doãn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Công an cấp xã chỉ thực hiện tiếp nhận, xác minh sơ bộ và chuyển hồ sơ lên cấp tỉnh. Kể cả trong trường hợp có dấu hiệu rõ ràng về hành vi phạm tội, họ vẫn không thể ra quyết định khởi tố mà chỉ kiến nghị, báo cáo theo quy định pháp luật”.

Chỉ dẫn, phối hợp, trách nhiệm rõ ràng

Một vụ việc cụ thể tại xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm, Hà Nội, nay đã hợp nhất thành xã Phú Sơn) đã cho thấy vai trò của công an cấp xã trong thực tiễn.

Theo đơn phản ánh, một công dân tố giác về việc nhà riêng của em trai mình bị một người lạ chiếm dụng. Sau xác minh ban đầu, công an xã đã báo cáo sự việc tới Công an huyện Gia Lâm.

Tuy nhiên, do địa điểm phát sinh giao dịch vay mượn liên quan nằm trên địa bàn quận Long Biên, hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan chức năng tại quận này để xử lý theo thẩm quyền.

Vụ việc là minh chứng rõ ràng cho quy trình phối hợp giữa các đơn vị công an cấp cơ sở và các đơn vị có thẩm quyền cao hơn. Công an cấp xã giữ vai trò then chốt trong việc xác minh, tổng hợp thông tin ban đầu, góp phần giúp cấp điều tra tỉnh, thành phố có cơ sở nhanh chóng xác định hướng xử lý.

Góp phần giảm tải, tăng hiệu quả

Với mô hình tổ chức bộ máy mới không còn công an cấp huyện, công an xã chính là “cánh tay nối dài” giúp giảm tải cho công an cấp tỉnh, đồng thời đảm bảo công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm không bị gián đoạn.

Đối tượng chống người thi hành công vụ ở xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất, Hà Nội
Đối tượng chống người thi hành công vụ ở xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất, Hà Nội

Thực tế tại Hà Nội cho thấy, nhiều vụ việc hình sự đã được phát hiện và điều tra thành công nhờ những xác minh ban đầu chính xác, kịp thời của công an cấp xã. Theo Thiếu tá Nguyễn Quý Hưng - Phó trưởng Công an phường Phú Lãm (Hà Đông, Hà Nội): “Vai trò của lực lượng công an xã trong việc tiếp cận hiện trường nhanh chóng, thu thập chứng cứ ban đầu, thậm chí phối hợp bắt giữ đối tượng là cực kỳ quan trọng, nhất là khi vụ việc xảy ra bất ngờ tại địa bàn”.

Để đảm bảo lực lượng công an cấp xã đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Công an đã và đang triển khai các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng tố tụng cơ bản cho điều tra viên và cán bộ tại công an cấp xã. Nhiều đơn vị đã được bố trí sĩ quan điều tra viên về công tác tại địa bàn, đồng thời phát huy vai trò phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát Nhân dân và tòa án nhân dân trong quá trình tiếp nhận, phân loại thông tin.

Bên cạnh đó, việc tổ chức tập huấn chuyên sâu, hướng dẫn xử lý tình huống pháp lý và củng cố kiến thức pháp luật cho công an cơ sở được xác định là nhiệm vụ thường xuyên.

Trong giai đoạn chuyển mình của bộ máy hành chính - tư pháp, công an cấp xã không chỉ là lực lượng gần dân, sát dân nhất mà còn là điểm tựa đầu tiên trong chuỗi xử lý tố giác, tin báo về tội phạm.

Dù không có thẩm quyền khởi tố, song với vai trò “chốt chặn” tại địa bàn, lực lượng này đã và đang đóng góp quan trọng vào công cuộc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Để phát huy vai trò đó một cách hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp, nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng công an cấp xã – những chiến sĩ tuyến đầu của nền tư pháp hình sự tại cơ sở.

Hoa Thành
Phiên bản di động