Cô giáo Vương Tuyết Băng và hành trình gieo mầm nhân ái

Hơn 3 thập kỷ gắn bó với nghề giáo, cô Vương Tuyết Băng, giáo viên Trường Tiểu học Tây Tựu B, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, không chỉ dạy tri thức, rèn người mà còn luôn nỗ lực gieo những hạt mầm nhân ái, chung tay hỗ trợ, chăm lo cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Cô giáo tốp 10 giáo viên toàn cầu trúng cử đại biểu Quốc hội Người dám dạy phải là người không bao giờ ngừng học Cô giáo mầm non sáng tạo phần mềm quản lý trẻ và trả muộn

Xót thương cho cậu học trò nghèo hiếu học

Trên chặng đường làm nghề giáo của mình, để lại trong lòng cô Băng kỉ niệm sâu sắc nhất và nỗi trăn trở không thể nguôi ngoai là hình ảnh cậu học trò hiếu học mắc căn bệnh hiểm nghèo Nguyễn Hoàng Ân.

Ân học lớp 4C, Trường Tiểu học Tây Tựu B. Em là một trong những hoàn cảnh đặc biệt nhận được sự dạy dỗ và chăm sóc ân tình của cô Băng.

Cô giáo Vương Tuyết Băng và hành trình gieo mầm nhân ái
Cô giáo Vương Tuyết Băng (bên trái) chia sẻ tại chương trình giao lưu trực tuyến "Hành trình lan tỏa những điều tốt đẹp"

Ân sinh ra trong một gia đình thuộc hộ nghèo, ở trong một túp lều tạm rộng chừng hơn 10m2 ngoài đồng tại quận Bắc Từ Liêm. Cô Băng biết đến hoàn cảnh của Ân khi em còn đang là học sinh lớp 2B. Lúc đó dù mới 7 tuổi nhưng Ân đã phải trải qua 6 lần đau đớn tột cùng vì gãy xương tự nhiên do căn bệnh xương thủy tinh mang đến. Cả mẹ và em gái Ân cũng mắc phải căn bệnh này. Vì xót thương cậu học trò nhỏ, cô Băng đã xin nhà trường và bàn với gia đình Ân chuyển em sang lớp 2C cô đang phụ trách, để có điều kiện kèm cặp về kiến thức và chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ cho em.

Ở lớp học, cô Băng luôn dành quan tâm từ điều nhỏ nhất cho Ân: Sắp xếp chỗ ngồi thuận lợi nhất, phân công học trò cùng lớp giúp Ân lấy sách, vở, đồ dùng hoặc viết bài giúp bạn. Để Ân có chế độ dinh dưỡng tốt nhất chống chọi lại với bệnh tật, cô Băng tình nguyện hỗ trợ đóng tiền ăn bán trú; dành tiền tặng em mỗi ngày 1 hộp sữa.

Cô Băng cho biết: “Mới đầu được ăn bán trú ở lớp cùng các bạn, con khó ăn, khó ngủ lắm. Trưa nào tôi cũng ở lại, dành thời gian xúc cơm cho con, ngủ cùng con. Cứ ăn được một miếng, tôi lại khen con.

Dần dần, từ chỗ chỉ biết ăn mỗi cơm rang thì Ân biết ăn thêm rau xanh, thịt, cá, đặc biệt là con biết thêm món ăn yêu thích khác của mình là tôm - rất tốt cho cơ thể của những người bị bệnh xương thủy tinh. Nhiều bạn trong lớp hiểu chuyện, còn sẵn lòng nhường tôm, sẻ thịt trong suất ăn của mình cho bạn” .

Trái ngọt cho sự nỗ lực của cô và trò

Bên cạnh đó, hàng ngày, cô Băng còn dành thời gian cùng Ân tập vận động nhẹ như đi bộ thăm các khu vực của nhà trường, đi cầu thang từ tầng 1 lên tầng 2, tập đi xe đạp 3 bánh sau giờ học. Cuối giờ học mỗi ngày, cô ở lại giúp Ân củng cố các kiến thức mà em chưa theo kịp, uốn nắn cho em từng nét chữ nguệch ngoạc.

Thi thoảng, cô kể cho Ân nghe các câu chuyện cổ tích, cho em xem những đoạn clip có nội dung về sự kiên trì vượt khó của các trẻ khuyết tật, các tấm gương của bạn nhỏ vượt khó khăn... để động viên khích lệ cậu trò nhỏ. Những ngày học sinh nghỉ dịch COVID-19, cô Băng còn đến tận nhà kèm cho Ân cách học online liên tục hai tháng.

Cô giáo Vương Tuyết Băng và hành trình gieo mầm nhân ái
Tại chương trình giao lưu trực tuyến Hành trình lan tỏa những điều tốt đẹp, em Ân - học trò của cô Băng nhận được nhiều món quà ý nghĩa...

Cứ như vậy, với sự giúp đỡ, kèm cặp của cô Băng và các bạn trong lớp, Ân dần nhanh nhẹn, hoạt bát hơn, đã giao tiếp tự nhiên cùng tập thể. Trong năm học đó, em chỉ 2 lần bị sốt nhẹ, không gãy xương lần nào. Em đã học tốt hơn, học kỳ 1 đó, em đạt danh hiệu “Học sinh tiến bộ vượt bậc về môn Toán”.

“Cầm kết quả bài kiểm tra đạt điểm 9 môn Toán của Ân trên tay, tôi cứ xem đi xem lại, hạnh phúc đến rơi nước mắt!” - cô Băng xúc động nhớ lại.

Việc làm tốt của cô Băng không chỉ chạm đến lòng nhân ái, bao dung của các học sinh lớp 2C mà còn ảnh hưởng tích cực đến nhiều giáo viên khác trong trường. Họ tình nguyện dành thêm thời gian, kèm cặp miễn phí cho cậu học trò nhỏ Nguyễn Hoàng Ân và các học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác. Hằng năm, nhà trường cũng dành một phần kinh phí để động viên, hỗ trợ các học sinh khó khăn như Ân.

Không chỉ Ân mà nhiều năm nay, năm nào cô Băng cũng nhận đỡ đầu 2 học trò, giúp các em tiền học hằng tháng, tiền ăn bán trú, tặng sách, vở, quần áo. Ở trường có cô lao công là bà mẹ đơn thân, có con tật nguyền, cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cô Băng, khi thì năm chục, một trăm, lúc lại tặng quần áo với mong muốn phần nào sẻ chia khó khăn với chị em trong trường. Cô Băng luôn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện của ngành, của trường.

Không chỉ có tấm lòng nhân ái, trong công tác giảng dạy, cô Băng cũng được đồng nghiệp, cấp trên đánh giá cao năng lực chuyên môn. Cô Nguyễn Thị Mai Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tây Tựu B nhận định: Nhà trường luôn tự hào vì có một giáo viên mẫu mực, vừa giỏi chuyên môn, đam mê, trách nhiệm với nghề nghiệp và giàu lòng nhân ái như cô Băng.

Nhiều năm liên tục, cô Băng đều có sáng kiến kinh nghiệm cấp quận và cấp thành phố được nhân rộng, áp dụng. Năm 2018, cô được Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”. Năm học 2019 - 2020, cô là giáo viên tiêu biểu, đạt giải Nhì giải thưởng “Nhà giáo tâm huyết sáng tạo” lần thứ IV do ngành Giáo dục quận Bắc Từ Liêm tổ chức.

Cô giáo tốp 10 giáo viên toàn cầu trúng cử đại biểu Quốc hội Cô giáo tốp 10 giáo viên toàn cầu trúng cử đại biểu Quốc hội
“Đồ mặt quỷ” trở thành giáo viên mầm non được tin yêu “Đồ mặt quỷ” trở thành giáo viên mầm non được tin yêu
Cô giáo mầm non sáng tạo phần mềm quản lý trẻ và trả muộn Cô giáo mầm non sáng tạo phần mềm quản lý trẻ và trả muộn
Ngọc Minh
Phiên bản di động